‘Du lịch Việt chưa biết cách quảng bá’
Giám đốc Cơ quan du lịch Thái Lan nhận định như trên. Theo bà, du khách nước ngoài đến Việt Nam nếu gặp vấn đề gì thì không biết hỏi ai.
- 02-11-2016[Infographic] Khách nước nào đang đến Việt Nam du lịch nhiều nhất?
- 19-10-20169 tháng du lịch miền Trung giảm mạnh
- 12-10-2016Doanh thu du lịch ước đạt gần 300.000 tỷ đồng
Trong danh sách 10 điểm đến thu hút du khách nhiều nhất thế giới năm 2016 vừa được tổ chức Master Card công bố, Thái Lan đứng đầu. Trong khi Việt Nam có nhiều tiềm năng về du lịch, thậm chí sở hữu nhiều thắng cảnh thiên nhiên hiếm nơi nào trên thế giới có được nhưng du lịch Việt Nam cứ mãi ì ạch.
Vì sao vậy? Pháp Luật TP.HCM có cuộc trò chuyện với bà Napasorn Kakai, Giám đốc Cơ quan Du lịch Thái Lan, chịu trách nhiệm khu vực Việt Nam-Lào-Campuchia.
“Bản thân tôi cũng bị rạch túi’
. Phóng viên: Nhiều du khách nói rằng họ chỉ đến Việt Nam một lần rồi không bao giờ trở lại nữa. Bà chia sẻ gì về điều này?
+ Bà Napasorn Kakai: Tôi vừa có chuyến thăm Sa Pa. Tôi có cảm giác nơi này chưa sẵn sàng chào đón du khách. Việt Nam quảng bá Sa Pa với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ như ruộng bậc thang, sương mù lãng đãng, không khí mát lạnh trong lành… Nhìn thấy hình ảnh đó khách du lịch muốn đến Sa Pa. Có điều khi đến nơi hiện ra trước mắt họ là nhà hàng, khách sạn, resort… Trong chuyến đi vừa rồi, đoàn khách của chúng tôi không được dẫn đi xem ruộng bậc thang mà đi trekking (là một hoạt động du lịch dã ngoại), xem các làng dân tộc.
Với Hạ Long, theo tôi là điểm đến rất hấp dẫn thu hút đối với du khách các nước. Tuy nhiên, có rất nhiều hàng quán bán ngọc trai, thậm chí ngay trên thuyền du lịch để ngắm cảnh cũng bán sản phẩm này. Điều đáng nói là giá rất cao, chưa kể đôi khi du khách mua nhầm hàng giả, kém chất lượng. Điều này phần nào làm mất đi sự tin tưởng của du khách.
. Đã từ lâu du khách than phiền về tình trạng “chặt chém”, chèo kéo, móc túi…
+ Chính tôi cũng là nạn nhân của tình trạng trên. Hồi tháng 5, tôi đến sân bay Tân Sơn Nhất để đón Đại sứ du lịch Mario Maurer đến Việt Nam quảng bá du lịch Thái. Trong lúc đông đúc, lộn xộn, tôi và một người khác phát hiện mình bị rạch túi với vết cắt rất dài. Dù có clip báo chí vô tình quay được phía sau lưng kẻ móc túi nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra thủ phạm.
Đây là vấn đề mà các bạn nên tập trung khắc phục. Vì khi đến một đất nước nào đó để du lịch, ai cũng mong được an toàn.
Việt Nam cần giải quyết hiệu quả tình trạng chèo kéo, đeo bám du khách. Ảnh: HOÀNG GIANG
Tôi cho rằng vấn đề tăng giá, chèo kéo, móc túi… thì ở đâu cũng có và Thái Lan không là ngoại lệ. Nhưng chúng tôi có nhiều cách để khắc phục tệ nạn trên. Ví dụ chúng tôi có đội ngũ cảnh sát du lịch, họ biết sử dụng ngoại ngữ. Nếu du khách bị chèo kéo, móc túi hay có vấn đề gì thì có thể gọi ngay đến đường dây nóng của cảnh sát du lịch - 1155 hoạt động 24/24 giờ. Khi gọi đến đường dây này, du khách sẽ được giải quyết ngay.
Ngoài ra, tại các điểm bán hàng như ở Phukhet, chúng tôi có các bảng thông báo giá nên không có tình trạng hét giá trên trời. Riêng giá khách sạn trong mùa cao điểm chắc chắn sẽ cao hơn mùa thấp điểm. Cơ quan quản lý không bắt buộc chủ khách sạn không được nâng giá phòng nhưng sẽ có khung giá trần.
. Không ít du khách đánh giá nếu xét về một số điểm đến, nhất là về biển, khám phá hang động… thì Việt Nam đẹp hơn Thái Lan. Đáng buồn là Việt Nam vẫn chưa thu hút được khách đến nhiều. Theo bà nguyên nhân chính nằm ở đâu?
+ Theo tôi, việc quảng bá du lịch của Việt Nam đến nay vẫn chưa hiệu quả, chưa tốt và chưa nhiều. Chẳng hạn từ đầu năm đến nay Việt Nam quảng bá chủ yếu cho du lịch nội địa nhiều hơn cho du khách nước ngoài.
Hoặc việc quảng bá các chính sách như chính sách hoàn thuế cho khách nước ngoài du lịch tại Việt Nam có vẻ chưa hiệu quả, vì nhiều khách chưa biết đến. Cách quảng bá hiệu quả là ngành du lịch nên phối hợp với hàng không thông báo cho du khách biết là khi vào Việt Nam mua hàng hóa giá trị bao nhiêu thì sẽ được hoàn thuế bao nhiêu %.
Du khách Thái gặp lúng túng tại Việt Nam
. Người Việt sang Thái du lịch ngày càng đông. Ngược lại du khách Thái sang Việt Nam rất khiêm tốn. Bà có bình luận gì ?
+ Hiện nay nhiều khách du lịch Thái Lan đến các sân bay tại Việt Nam không tìm thấy bản đồ hướng dẫn, buộc họ phải liên hệ với công ty du lịch. Tuy nhiên, nhiều khách muốn tự đi, nếu đến vào ban đêm thì công ty du lịch đóng cửa nên nếu có vấn đề gì gọi thì không ai nghe máy. Việc tìm hướng dẫn viên du lịch tiếng Thái cũng khó khăn. Việc di chuyển cũng rất bất tiện, du khách đi từ nơi này đến điểm khác đón xe như thế nào không có thông tin, tài xế lại không biết tiếng Anh.
Thực tế có nhiều du khách Thái chưa từng qua Việt Nam lần nào vì nghĩ Việt Nam là một đất nước không an toàn, kém vệ sinh… Thậm chí vẫn còn nhiều người Thái nghĩ Việt Nam là nơi bắt nguồn dịch cúm H5N1! Họ không biết rằng hiện tại Việt Nam đã thay đổi nhiều rồi, không giống như suy nghĩ của họ nữa.
Như vậy nhiệm vụ của ngành du lịch Việt Nam là phải quảng bá, cập nhật thông tin cho du khách để họ có cái nhìn đúng đắn về hiện tại thanh bình, xinh đẹp của đất nước bạn.
. Xin cám ơn bà.
Đừng để mất vẻ đẹp Sa Pa
Nếu với tiến độ thu hút đầu tư như hiện tại thì vẻ đẹp của Sa Pa bị dần mất đi. Nhà nước cần vào cuộc để giữ gìn Sa Pa là một điểm đến hấp dẫn. Bây giờ nếu Sa Pa muốn phát triển bền vững thì phải giảm thu hút đầu tư.
Đây là bài học mà Thái Lan từng rút ra từ sai lầm của mình. Vì thế hiện nay đối với những khu vực mà mảng xanh còn rất ít, chúng tôi sẽ giảm bớt số lượng khách sạn, chỉ còn khoảng hai, ba trăm phòng chẳng hạn, khi vừa đủ phục vụ du khách thì sẽ ngưng nhận đầu tư.
Đầu tư du lịch theo tôi là cả một dây chuyền vì khi một du khách vào Việt Nam họ dùng tiền để chi phí cho nhiều thứ như di chuyển, ăn uống, mua sắm… Tất cả thu nhập từ du lịch phân bổ đều cho các ngành nghề. Đó là lý do tại sao Việt Nam nên đầu tư nhiều hơn cho du lịch.
Bà NAPASORN KAKAI
Bangkok đứng đầu, TP.HCM thứ 42
Theo chỉ số xếp hạng các điểm đến toàn cầu Master Card 2016, thủ đô Bangkok năm nay đứng đầu về thu hút du khách, dự kiến đón 21,47 triệu du khách quốc tế.
TP.HCM xếp hạng 42 trong danh sách các thành phố thu hút du khách nhiều nhất trên thế giới với dự kiến 3,05 triệu khách quốc tế năm 2016. Trong khi đó, Hà Nội xếp thứ 52 với 2,2 triệu du khách.
Pháp luật TPHCM