MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Du lịch Việt Nam tăng trưởng cao hàng đầu thế giới"

Nêu khá nhiều kết quả, báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện không đề cập hạn chế nào của du lịch Việt Nam hiện nay...

Lần đầu tiên du lịch Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá là quốc gia đứng đầu khu vực, và là một trong 6 quốc gia hàng đầu thế giới có mức tăng trưởng du lịch cao.

Đó là một chi tiết được nêu trong báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn, mà Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện vừa gửi đến các vị đại biểu Quốc hội

Tổng thu quý 1 đạt 161.600 tỷ

Nội dung đầu tiên được Bộ trưởng cập nhật là nhiệm vụ "tích cực triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm" được Quốc hội giao.

Theo báo cáo, thời gian qua, Bộ đã tăng cường công tác quản lý về du lịch, tổ chức triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng tăng cường tính chuyên nghiệp, hiện đại để nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Kết quả bước đầu từ việc triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch, cùng với xu thế phục hồi lượng khách quốc tế đến khu vực, lượng khách quốc tế đến Việt Nam duy trì đà tăng trưởng liên tục trong những năm vừa qua.

Năm 2017, ngành du lịch đón trên 12,9 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 73,2 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 510 nghìn tỷ đồng.

Lần đầu tiên du lịch Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO) đánh giá là quốc gia đứng đầu khu vực và là một trong 6 quốc gia hàng đầu thế giới có mức tăng trưởng du lịch cao.

Quý 1/2018, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 4,2 triệu lượt, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2017, khách du lịch nội địa đạt 23,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 161.600 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2017.

2030 thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Một trong những yêu cầu của Quốc hội là phấn đấu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống cơ sở vật chất-kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới.

Về nội dung này, Bộ trưởng nêu mục tiêu ngành du lịch phấn đấu đến năm 2020, du lịch Việt Nam thu hút được 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 82 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD, đóng góp 10% GDP, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD, tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.

Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các ngành, lĩnh vực khác và Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Nêu khá nhiều kết quả, báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện không đề cập hạn chế nào của du lịch Việt Nam hiện nay.

Người đứng đầu ngành du lịch đánh giá: thời gian qua, ngành du lịch đã thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư để phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, hệ thống sản phẩm du lịch. Đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược với các dự án du lịch quy mô lớn, chất lượng đẳng cấp quốc tế để tạo động lực lan tỏa, xây dựng hình ảnh và thương hiệu, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Đầu tư của các tập đoàn như Vingroup, Sun Group, FLC... tại nhiều địa bàn du lịch trọng điểm như Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... vừa góp phần phát huy lợi thế cạnh tranh về tài nguyên, đồng thời hình thành hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại.

Sự gia tăng các khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng với nhiều khách sạn có quy mô và chất lượng quốc tế (4-5 sao) đã góp phần tăng cường năng lực, khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng cao và hiện đại.

Theo Hà Vũ

Vneconomy

Trở lên trên