MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dữ liệu cá nhân bị mua bán tràn lan: Hậu quả là những cuộc gọi lừa đảo

25-03-2023 - 14:15 PM | Kinh tế số

Dữ liệu cá nhân bị mua bán tràn lan: Hậu quả là những cuộc gọi lừa đảo

Những thông tin cá nhân bị mua bán trái phép tràn lan trên mạng không chỉ gây ra phiền phức mà còn nhiều hệ lụy tiêu cực đã xảy ra.

Dữ liệu cá nhân bị mua bán tràn lan- Hậu quả là những cuộc gọi lừa đảo - VTV.VN

Nhức nhối vấn nạn lộ lọt thông tin các nhân

Theo thông tin mới nhất từ các cơ quan chức năng, nước ta hiện nay có 72,1 triệu người sử dụng internet, tương đương hơn 73,2% dân số. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới.

Với một thị trường như vậy, việc kinh doanh mua bán dữ liệu cá nhân được ví là một "mỏ vàng" để nhiều người khai thác. Cũng bởi vậy mà hiện tượng đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân đã diễn ra phổ biến, tràn lan trong thời gian vừa qua.

Hệ quả là người sử dụng internet đã trở thành một món hàng, thậm chí là món mồi cho kẻ xấu. Những hành vi xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân, vi phạm pháp luật đã diễn ra từ việc mua bán dữ liệu cá nhân. Và ai cũng có thể là nạn nhân của vấn nạn nhức nhối này.

Dữ liệu cá nhân bị mua bán tràn lan: Hậu quả là những cuộc gọi lừa đảo - Ảnh 1.

Nhiều hành vi xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân, vi phạm pháp luật đã diễn ra từ việc mua bán dữ liệu cá nhân.

Tham gia chương trình Sự kiện và bình luận, Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an nhấn mạnh, thực trạng xâm phạm dữ liệu cá nhân và gây hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.

"Về nguyên nhân gây ra tình trạng lộ dữ liệu cá nhân có thể kể đến như ý thức và nhận thức của người sử dụng chưa coi trọng dữ liệu cá nhân của mình. Nhiều người dân công khai chia sẻ công khai thông tin của bản thân và người thân lên mạng xã hội mà không có biện pháp bảo vệ. Thứ hai, một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sở hữu dữ liệu khách hàng trong quá trình thu thập, khai thác, lưu trữ áp dụng biện pháp bảo vệ chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở để lọ lọt dữ liệu thông tin cá nhân. Thực tế đã xảy ra những vụ việc là nhân viên công ty, doanh nghiệp sau khi kết thúc công việc công ty đó và chuyển sang công ty khác lợi dụng vị trí của mình tiếp cận tệp thông tin khách hàng để rao bán và trục lợi. Nguyên nhân thứ 3 là do Việt Nam có nhiều quy định bảo vệ thông tin cá nhân nhưng lại nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật và thiếu công cụ pháp lý chuyên sâu. Chế tài xử lý vẫn còn thiếu và chưa đủ sức răn đe" - Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi phân tích.

Về hậu quả của việc lọ lọt thông tin cá nhân, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc An ninh mạng, Tập đoàn Công nghệ BKAV cho biết: "Khi lọ lọt thông tin cá nhân sẽ bị các nhóm tội phạm thu thập, sử dụng nhiều mục đích thương mại như quảng cáo sản phẩm khiến chúng ta bị làm phiền. Nguy hiểm hơn là bị sử dụng trong các mục đích như lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, chiến đoạt tiền của người dân. Họ còn có thể dùng thông tin đó để gọi điện đe dọa, ảnh hưởng tinh thần, sức khỏe của mình và người thân".

Gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều những vụ việc lừa đảo qua mạng và điện thoại, bắt nguồn từ việc các nhóm tội phạm có trong tay dữ liệu cá nhân của người dân như các cuộc gọi báo con đang cấp cứu tại bệnh viện, cần chuyển tiền phẫu thuật gấp. Mới đây nhất là chiêu thức gọi phụ huynh yêu cầu trả nợ cho con.

Từ những vụ việc gần đây, Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi nhấn mạnh: "Các đối tượng phạm tội để thực hiện các hành vi đã có được những thông tin rất cụ thể của học sinh, phụ huynh để tiến hành. Việc lộ thông tin cá nhân là điều kiện để các đối tượng vi phạm pháp luật. Để phòng ngừa tình trạng như này, phụ huynh học sinh và nhà trường phải nâng cao ý thức bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân con em mình. Ở những vụ việc này, có thể do phụ huynh hoặc nhà trường đăng danh sách liên quan đến học sinh công khai lên web hoặc hội nhóm. Đây là kẻ hở để tội phạm khai thác thông tin dữ liệu cá nhân. Để bảo vệ dữ liệu này, phụ huynh và nhà trường cần có các biện pháp bảo mật thông tin tốt hơn".

Hàng tỉ thông tin khách hàng đang bị rao bán

Tình trạng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép tràn lan đang nở rộ, diễn ra công khai, trắng trợn trên không gian mạng, và thực tế là đã gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Đáng nói là tình trạng này không chỉ diễn ra đơn lẻ giữa cá nhân với cá nhân, mà còn có sự tham gia của các công ty, tổ chức, doanh nghiệp. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã liên tiếp triệt phá nhiều đường dây mua bán dữ liệu của cá nhân, tổ chức.

1 trong những nhóm kín mua bán dữ liệu cá nhân trên mạng xã hội với hơn 18.000 thành viên. Các thông tin được phân loại rồi mới rao bán. Từ bất động sản, tài chính, ngân hàng, làm đẹp, sức khỏe đến thông tin những người có ô tô, những người có thu nhập trên 10 tỷ… cái gì cũng có. Những tài khoản bán đều là ẩn danh, không sử dụng ảnh và thông tin thật.

Dữ liệu cá nhân bị mua bán tràn lan: Hậu quả là những cuộc gọi lừa đảo - Ảnh 2.

Dữ liệu cá nhân bị mua bán tràn lan: Hậu quả là những cuộc gọi lừa đảo - Ảnh 3.

Dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép tràn lan đang nở rộ, diễn ra công khai, trắng trợn trên không gian mạng

Có nhiều hội nhóm như vậy, mua bán thông tin từ đơn giản đến phức tạp, chung chung đến chị tiết càng khó có được thì càng đắt. Từ vài nghìn đồng đến vài chục triệu đồng 1 gói dữ liệu.

Trong giao dịch mua bán đối tượng thường sẽ ghi 1 nội dung chuyển khoản khác chẳng hạn như mua quần áo để gây khó khăn cho việc xác minh dấu hiệu tội phạm của lực lượng chức năng.

Lực lượng an ninh mạng, Bộ Công an từ những nguồn tin ban đầu, những trang web có dấu hiệu mua bán dữ liệu cá nhân, tiếp tục làm rõ hành vi của các đối tượng.

Tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân không chỉ diễn ra đơn lẻ, giữa cá nhân với cá nhân mà còn có sự tham gia của các công ty, tổ chức, doanh nghiệp.

Năm ngoái Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ triệt phá 3 chuyên án, 11 bị can bị khởi tố trong đường dây mua bán dữ liệu cá nhân trên không gian mạng.

Đây là những đường dây có quy mô trong cả nước, dữ liệu nhạy cảm như định vị điện thoại, lượng truy cập các trang mạng của từng cá nhân. Hàng tỉ thông tin khách hàng trong ngành điện lực, giáo dục, ngân hàng, đăng ký kinh doanh, bảo hiểm, hộ khẩu, dữ liệu viễn thông, thuê bao điện thoại, bất động sản... để rao bán.

Việc buôn bán dữ liệu cá nhân có hệ thống, có tổ chức, có khả năng cập nhật dữ liệu, trích xuất dữ liệu theo yêu cầu người mua.

Ban hành Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề cấp thiết

Việc mua bán dữ liệu cá nhân trên không gian mạng đang là hành vi xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân, vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, ở nước ta, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề khó, mới chưa qua thực tiễn kiểm nghiệm, tốc độ phát triển công nghệ thông tin ở nước ta quá nhanh. Trước những hệ lụy đã và đang gây ra với xã hội, rất cần sớm có một chế tài để bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng cũng như một chế tài đủ mạnh để răn đe vi phạm.

Dữ liệu cá nhân bị mua bán tràn lan: Hậu quả là những cuộc gọi lừa đảo - Ảnh 4.

Công ty VNG từng để lộ hơn 163 triệu tài khoản khách hàng.

Dữ liệu cá nhân bị mua bán tràn lan: Hậu quả là những cuộc gọi lừa đảo - Ảnh 5.

Công ty Thế giới di động và Điện máy xanh để lộ hơn 5 triệu email và hàng chục nghìn thông tin thẻ thanh toán như Visa, thẻ tín dụng của khách hàng…

Chỉ vì sơ suất, không ít công ty tổ chức đã vô tình để tin tặc chiếm đoạt được dữ liệu cá nhân. Nhưng cũng không ít trường hợp các cá nhân chủ động bán dữ liệu.

Chỉ trong 2 năm từ năm 2019 đến năm 2020, Bộ Công an đã phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan bán dữ liệu cá nhân.

Quy định pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân đã có một số chế tài xử phạt với những hành vi vi phạm bảo vệ thông tin cá nhân nhưng chưa có quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo Bộ Công an, việc mua bán dữ liệu cá nhân dưới 2 hình thức chính. Một là, các doanh nghiệp, công ty kinh doanh dịch vụ thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng, cho phép các đối tác thứ ba tiếp cận thông tin này nhưng không yêu cầu, quy định chặt chẽ, để đối tác thứ ba chuyển giao, buôn bán cho các đối tác khác. Thứ hai, các doanh nghiệp chủ động thu thập thông tin cá nhân của khách hàng, hình thành kho dữ liệu cá nhân, phân tích, xử lý để kinh doanh, buôn bán.

Việc lộ lọt thông tin cá nhân đang là vấn đề đáng báo động. Do đó, việc ban hành Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề cấp thiết, nhất là khi đất nước ta đang đẩy mạnh yêu cầu phát triển của Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Tham gia vào không gian mạng, vào quá trình phát triển của đất nước, thì mỗi cá nhân rất cần được bảo vệ.

Bên cạnh nêu cao ý thức của người dân về bảo vệ thông tin cá nhân của chính mình, rất cần một hành lang pháp lý hoàn thiện hơn, mạnh tay hơn để xử lý vi phạm, nhất là hiện tượng mua bán dữ liệu dữ liệu cá nhân. Những hành vi mua bán thông tin cá nhân cần phải được xử lý mạnh mẽ, nghiêm minh hơn nữa.

Theo PV

VTV

Trở lên trên