Dù phục hồi doanh thu sau dịch, Taseco Airs vẫn bị cảnh báo khả năng bị hủy niêm yết
Nếu năm 2022 Công ty không thoát khỏi tình trạng này thì cổ phiếu sẽ thuộc dạng bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định khi có 3 năm thua lỗ liên tục.
- 11-09-2022Những bài học về phân tích báo cáo tài chính nhìn từ vụ việc ông Trịnh Văn Quyết nâng khống vốn điều lệ FAROS
- 11-09-2022SSI: Ngành cảng biển và vận tải dõi theo tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu
- 11-09-2022Shark Bình ở Shark Tank mùa 5: Cam kết đầu tư hàng chục tỷ đồng vào 7 thương vụ, lùm xùm tố startup "đào mỏ"
CTCP dịch vụ hàng không Taseco (Taseco Airs, mã chứng khoán AST) vừa bị Sở GDCK Tp.HCM (HoSE) lưu ý khả năng bị hủy niêm yết cổ phiếu do Công ty đã có 2 năm liên tiếp 2020-2021 thua lỗ. Đồng thời, lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2022 cũng là số âm.
Cụ thể, Taseco Airs lỗ 49 tỷ đồng trong năm 2020 và lỗ tiếp 118 tỷ đồng trong năm 2021. Sang nửa đầu năm 2022, doanh thu tăng gần gấp đôi lên 202 tỷ đồng, song Taseco Airs vẫn báo lỗ 7,5 tỷ đồng.
Như vậy, nếu năm 2022 Công ty không thoát khỏi tình trạng này thì cổ phiếu sẽ thuộc dạng bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định khi có 3 năm thua lỗ liên tục.
Hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tại ga hàng không, giống như các doanh nghiệp hàng không khác, Taseco Airs đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Giải trình về KQKD, ban lãnh đạo Taseco Airs cho biết thị trường hàng không từng bước phục hồi nhưng hàng không quốc tế hồi phục chậm, không như kỳ vọng. Đồng thời sức mua của khách hàng sụt giảm khiến hoạt động của công ty khởi sắc trở lại nhưng vẫn chưa đạt được mức trước khi xảy ra đại dịch.
Ban lãnh đạo kỳ vọng việc từng bước khôi phục các đường bay quốc tế cùng những tín hiệu tích cực của thị trường dịch vụ hàng nội địa, KQKD Taseco Airs các tháng tiếp theo sẽ được cải thiện mạnh.
Được biết, Taseco Airs hiện sở hữu chuỗi dịch vụ phi hàng không trải dài trên khắp các sân bay quốc tế lớn của cả nước với ba nhóm chính, bao gồm: Dịch vụ kinh doanh thương mại tại các sân bay (bách hóa – đồ lưu niệm, nhà hàng, cafe & fastfood, quảng cáo) với chuỗi cửa hàng mang thương hiệu Lucky; dịch vụ hỗ trợ du khách (đón tiễn, thông tin du lịch,…) và dịch vụ khách sạn với mô hình chuỗi khách sạn À La Carte. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có công ty liên kết kinh doanh suất ăn hàng không và dịch vụ khách sạn.
Trước khi đại dịch Covid xảy ra, Taseco Airs kinh doanh thuận lợi, liên tục mở rộng mạng lưới, đưa số lượng địa điểm kinh doanh tăng từ 54 lên 82 tính đến cuối 2021. Giá bán các sản phẩm tại sân bay thường cao hơn bên ngoài và lượng khách lưu chuyển đông là các yếu tố đem lại doanh thu tốt cho doanh nghiệp này trước dịch. Trong mảng cafe & fastfood, thực tế giá bán tô phở, chai nước suối ở sân bay thường cao gấp 2 - 3 lần so với bên ngoài.
Năm 2020, Taseco Airs mở thêm lĩnh vực kinh doanh mới là phòng chờ thương gia (VIP Lounge). Mảng này hiện mang về nguồn thu khá tốt cho Công ty.
Trở lại với tình hình kinh doanh hiện tại, năm 2022 Taseco Airs đặt mục tiêu 633 tỷ doanh thu và 23,5 tỷ LNTT. Công ty cho biết sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh với việc mở thêm cửa hàng mới tại các sân bay hiện có và sân bay mới (nhà ga quốc tế Phú Bài, sân bay quốc tế Long Thành); phát triển đa dạng các dịch vụ mới hay tìm kiếm cơ hội M&A để phát triển thêm vị trí kinh doanh mới.
Nhịp sống thị trường