MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự thảo luật đầy tâm tư của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đem lại những lợi ích gì cho DNNVV?

Số phận của dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ được quyết định trong sáng nay (12/6). Tâm tư của đơn vị làm luật - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã nêu nhiều lần trước đó, giờ chỉ còn phụ thuộc vào nút nhấn của các đại biểu Quốc hội.

Doanh nghiệp được hưởng gì từ Luật?

Trao đổi câu chuyện DNNVV sẽ được gì với dự thảo Luật này, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam đã liệt kê ra những điểm trọng yếu. Cụ thể, Luật đã có biện pháp hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiêp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi liên kết; Luật đã tạo được điều kiện huy động được nguồn vốn ngoài ngân sách.

Ông Nam đặc biệt nhấn mạnh, dự thảo cũng chính là một khung pháp lý quan trọng khiến cho DNNVV có quyền cất lên tiếng nói của mình, để kiến nghị khi cần.

Trước đó, khi giải trình trước Quốc hội chiều 23/5, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV lấy trọng tâm là phục vụ doanh nghiệp, không coi đó là đối tượng quản lý như trước đây.

Bộ trưởng cho biết Luật tập trung về 7 nội dung hỗ trợ chung với tinh thần hỗ trợ cho các tổ chức trung gian để các tổ chức này hỗ trợ lại cho các doanh nghiệp nhỏ chứ không mang tiền tươi cung cấp cho bất cứ doanh nghiệp nào.

Luật cũng đưa ra khung chung, nguyên tắc chung để đơn giản hoá các thủ tục về thuế và kế toán, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Luật cũng khuyến khích các ngân hàng hỗ trợ cho các DNNVV trong việc tiếp cận tín dụng. Bên cạnh đó, Luật cũng đưa ra 3 quỹ giúp doanh nghiệp có điều kiện nhận vốn vay trong sản xuất. Hiện 2/3 quỹ đã hoạt động, gồm: Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và Quỹ Bảo lãnh tín dụng.

Quỹ còn lại, vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung là Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, nhằm cổ vũ cho các doanh nghiệp có những phát kiến, sáng tạo mới trong sản xuất, kinh doanh.

Ngay tại nghị trường, Bộ trưởng Dũng đã thốt lên “Xin Quốc hội chấp nhận cho” khi nói về Quỹ đầu tư khởi nghiệp này.

Số phận của dự thảo Luật sẽ như thế nào?

Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc nhận xét với rằng đây là một đạo luật rất cần thiết cho phát triển kinh tế, trực tiếp cho phát triển doanh nghiệp, trong đó có cộng đồng DNNVV.

Sự cần thiết này đã được Chính phủ nêu trong Tờ trình Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra khẳng định và được cộng đồng DNNVV rất ủng hộ.

Tuy nhiên, ông Phúc thẳng thắn nói rằng đây là luật khó, có nhiều vướng mắc đến các Luật khác, do đó, Luật vừa ban hành để vừa có hỗ trợ đặc thù với DNNVV, đồng thời phải phù hợp với hệ thống luật chung.

“Tôi thấy rằng khi bàn đến tính đột phá của Luật này để hỗ trợ cộng đồng DNNVV thì ai cũng nhất trí, nhưng khi động đến các luật có liên quan như các luật liên quan đến thuế, kế toán và lĩnh vự tài chính... thì các cơ quan có liên quan hầu như không muốn Luật này làm thay đổi quy định hiện hành của các luật liên quan. Muốn đột phá, muốn khác biệt, nhưng không muốn thay đổi”, ông Phúc nói.

Bên cạnh đó, như những gì đã diễn ra trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV hôm 23/5, các đại biểu đã liên tục đưa ra câu hỏi về tính khả thi của Luật: Liệu có tạo ra được điểm mới để các DNNVV yên tâm phát triển? Những nguồn lực được phân bổ như thế nào mới hợp lý? Hay nếu mở rộng chính sách ưu đãi có làm ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh còn nhiều khó khăn hay không…

Là một dự luật quan trọng, nằm trong tổng thể định hướng của Chính phủ nhằm hỗ trợ, thúc đẩy khối kinh tế tư nhân, Luật Hỗ trợ DNNVV đang nhận được sự chú ý lớn cũng như sự cân nhắc cẩn trọng từ phía các đại biểu Quốc hội trước khi nhấn nút, thông qua hoặc không trong sáng nay. Và giả sử nếu được chấp nhận, như Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông từng tâm sự: “Đấy sẽ là món quà lớn cho doanh nghiệp”, thông qua đó góp thêm động lực đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả năm 2020.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên