MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự thảo Luật lao động sửa đổi: Nguy cơ làm giảm sức cạnh tranh nền kinh tế

Một số chuyên gia đánh giá, Dự thảo Luật Lao động sửa đổi tồn tại nhiều bất cập như làm giảm nguy cơ cạnh tranh của nền kinh tế thông qua các quy định cứng nhắc về giờ làm thêm, tiền lương.

Tư duy làm luật lạc hậu

Ngày 18/9, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo Dự thảo Luật Lao động sửa đổi - Những tác động và bất lợi và kiến nghị. Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, đánh giá, dự thảo Luật Lao động nhìn quá hẹp, chỉ hướng vào người lao động (NLĐ) trong các doanh nghiệp (DN). Trong khi đó, NLĐ trong các DN của Việt Nam hiện nay chỉ chiếm khoảng 40% tổng lực lượng lao động. Dự thảo luật phải tính tổng thể 50 triệu NLĐ chứ không phải nhìn nhóm NLĐ ăn lương trong các DN.

Theo ông Cung, cách mạng công nghiệp 4.0 khiến quan hệ lao động ngày càng thay đổi. Số người tự tạo việc làm ngày càng tăng, nhiều công việc được tạo ra trên nền tảng công nghệ. Trong khi đó, tư duy xây dựng Luật Lao động lạc hậu so với thực tế.

“Làm luật theo tư duy nền kinh tế bao cấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Với cách làm luật này, người hưởng nhiều nhất là thanh tra Bộ Lao động, vì kiểu gì DN cũng vi phạm”, ông Cung nói.

TS Vũ Thành Tự Anh, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng, Dự thảo Luật Lao động có tư duy bảo thủ, lạc hậu, độ lùi so với Luật Lao động năm 2012. Việt Nam đang phát triển nền kinh tế thị trường, trong đó, thị trường lao động là đầu vào cơ bản của nền kinh tế nhưng theo dự thảo Luật, chúng ta can thiệp quá sâu, quá chi tiết vào quan hệ giữa NLĐ và chủ sử dụng lao động như quy định số giờ làm việc…

“Cách xây dựng điều khoản cụ thể không phản ánh đời sống kinh tế thực sự của DN. Đừng nhìn góc độ đối kháng giữa 2 nhóm này. Nhà nước cần ra chính sách ở các luật theo hướng làm sao để hợp đồng lao động giữa NLĐ và chủ sử dụng LĐ được thực thi chứ không phải ngồi nghĩ thay NLĐ và giới chủ về giờ làm thêm và tiền lương”, ông Tự Anh kiến nghị.

Theo vị chuyên gia này, Dự thảo Luật Lao động càng quy định chặt chẽ về giờ làm thêm, tiền lương giới chủ và NLĐ sẽ tìm cách lách và gây ra chi phí không đáng có cho nền kinh tế. Điều này cũng khiến DN tăng chi phí sử dụng lao động và tăng chi phí tuân thủ. Dự thảo Luật  tiếp tục làm xói mòn lợi thế so sánh của Việt Nam, thậm chí có nguy cơ làm tổn hại năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đại diện cho chủ sử dụng lao động, lãnh đạo Hiệp hội Lương thực thực phẩm, cho rằng, nếu Dự thảo Luật Lao động được thông qua, DN đành phải lách luật, biến mình thành bất hợp pháp. Hiệp hội ngành nghề mong muốn kiến nghị xin điều chỉnh sửa đổi bất cập. Đừng ban hành luật để người sử dụng lao động phải đi đối phó với chính quyền.

Quy định về lương lạc hậu, BHXH vẫn còn góc tối?

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ LĐ TB&XH), cho rằng, mục tiêu của Luật Lao động là đảm bảo quyền NLĐ công bằng, bình đẳng. Định nghĩa lao động là các hoạt động của NLĐ không bị pháp luật ngăn cấm nhưng trong dự thảo luật gắn vào quan hệ giữa người làm công ăn lương. Điều này khiến phạm vi của Dự thảo Luật Lao động bị thu hẹp. Dự thảo Luật Lao động đã loại bỏ nhiều đối tượng như viên chức nhà nước, loại trừ lao động vị thành viên.

“Dự thảo Luật Lao động cần thông thoáng, tạo ra bình đẳng với những khu vực trước tới nay không được đưa vào. Đồng thời, phải cân bằng giữa giới chủ và NLĐ. Nếu Luật Lao động không thông thoáng sẽ tạo lên rào cản khiến NLĐ và giới chủ vượt rào”, bà Hương đánh giá.

Theo bà Hương, nội dung về tiền lương trong Dự thảo Luật Lao động lạc hậu. Theo đó, dự thảo luật vẫn gắn lương tối thiểu với nhiều vai trò như tăng năng suất lao động và tính lương tối thiểu theo tháng. Trong nền kinh tế thị trường, nên tính lương tối thiểu theo giờ. Tính lương tối thiểu theo tháng không có giá trị gia tăng theo luật hiện hành, cản trở việc linh hoạt hoá thị trường lao động. Đồng thời không bảo vệ được đối tượng NLĐ là người giúp việc, lao động bán thời gian.

“Nhà nước cần ra chính sách ở các luật theo hướng làm sao để hợp đồng lao động giữa NLĐ và chủ sử dụng LĐ được thực thi, chứ không phải ngồi nghĩ thay NLĐ và giới chủ về giờ làm thêm và tiền lương”. TS Vũ Thành Tự Anh, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright


Theo Quỳnh Nga

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên