MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự thảo thông tư của NHNN: Ai được cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ?

20-04-2023 - 16:07 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo dự thảo thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc áp dụng chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chỉ được thực hiện trong thời gian ngắn (hết 31-12-2023).

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, về cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, dự thảo Thông tư quy định: TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP) trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và đáp ứng đầy đủ 7 điều kiện.

Thứ nhất, khoản nợ phát sinh trước ngày Thông tư này có hiệu lực và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023.

Thứ ba, được TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng.

Thứ tư, khách hàng được TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ khi được cơ cấu lại.

Thứ năm, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.

Thứ 6, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) được xác định phù hợp với mức độ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của khách hàng, không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Thứ 7, việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo Thông tư này được thực hiện từ ngày Thông tư có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2023.

NHNN yêu cầu các TCTD phải ban hành quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư này để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống, trong đó quy định cụ thể 3 nội dung.

Thứ nhất, tiêu chí xác định khoản nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư này;

Thứ hai, trình tự, thủ tục, phân công, phân cấp, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm bảo đảm nguyên tắc cá nhân, bộ phận quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ không là cá nhân, bộ phận phê duyệt cấp tín dụng, trừ trường hợp việc cấp tín dụng do Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc/Giám đốc, ngân hàng mẹ (đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài) thông qua.

Trường hợp việc xét duyệt cấp tín dụng và xét duyệt cơ cấu lại thời hạn trả nợ thực hiện thông qua cơ chế hội đồng thì Chủ tịch Hội đồng xét duyệt cơ cấu lại thời hạn trả nợ không phải là Chủ tịch Hội đồng xét duyệt cấp tín dụng và ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng xét duyệt cơ cấu lại thời hạn trả nợ không phải là thành viên của Hội đồng xét duyệt tín dụng;

Thứ ba, tần suất rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định pháp luật; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Các quy định trên đây phải đảm bảo rõ ràng, thống nhất, không đặt thêm nhiều điều kiện, thủ tục phức tạp gây khó khăn khi triển khai chính sách hỗ trợ này.

NHNN chỉ ra một số tác động tiêu cực của chính sách này, song khẳng định việc áp dụng chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chỉ được thực hiện trong thời gian ngắn (hết 31-12-2023); đồng thời các TCTD sẽ phải thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ theo lộ trình (trích lập 100% như trường hợp chuyển nhóm nợ sau khi cơ cấu). Do vậy, việc thực hiện chính sách này vẫn đảm bảo an toàn trong hoạt động của hệ thống TCTD, đồng thời giúp khách hàng có thời gian để tháo gỡ khó khăn, sắp xếp, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp và có thời gian thu xếp nguồn tiền trả nợ TCTD, phù hợp trong điều kiện thực tế hiện nay.

Kết quả cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020 của NHNN

Đến cuối tháng 6-2022 (thời điểm kết thúc chính sách), các TCTD đã thực hiện: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế là 722.334 tỉ đồng với 1.090.725 khách hàng; miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế là 92.425 tỉ đồng với 561.989 khách hàng.

Đến cuối tháng 2-2023: Dư nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ còn 84.381 tỉ đồng; Dư nợ được miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm no còn 9.946 tỉ đồng.

Theo Dương Ngọc

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên