Dự trữ cà phê thế giới vụ 2017/18 có thể rơi xuống mức thấp nhất 5 năm
Đây là dự báo được đưa ra trong báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
- 28-12-2017Cà phê Trung Quốc nhập mạnh vào Việt Nam
- 21-12-2017Giá thấp, cà phê Việt Nam vẫn gặp khó trong vài tháng tới
- 14-12-2017Rabobank dự kiến thị trường cà phê toàn cầu thặng dư 4,1 triệu bao trong niên vụ 2018/19
Trong báo cáo mới nhất vừa công bố hồi tháng 12/2017, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2017/18 sẽ giảm 600.000 bao (1 bao = 60 kg) so với niên vụ trước xuống 159,9 triệu bao do sản lượng giảm ở Brazil mặc dù tăng ở Việt Nam, kéo theo xuất khẩu sụt giảm. Tiêu thụ cà phê toàn cầu được dự báo ở mức 158,5 triệu bao, trong khi tồn trữ cuối vụ sẽ xuống mức thấp nhất 5 năm là 29,3 triệu bao.
Tại những nước sản xuất và xuất khẩu chủ chốt, sản lượng arabica của Brazil có thể sẽ giảm 6,8 triệu bao xuống 38,8 triệu bao khi cây cà phê vào chu kỳ cho sản lượng thấp (2 năm một lần), nhất là ở các bang Minas Gerais và Sao Paulo. Tuy nhiên, sản lượng robusta dự đoán sẽ hồi phục trở lại khi tăng 1,9 triệu bao lên 12,4 triệu bao.
Vụ trước, sản lượng robusta Brazil đã giảm xuống thấp nhất 7 năm vì thời tiết nắng nóng và khô hạn ở Espirito Santo, nơi trồng cà phê robusta chủ chốt của Brazil. Như vậy, tổng sản lượng cà phê Brazil ước tính sẽ giảm 4,9 triệu bao xuống 51,2 triệu bao. Với mức tiêu thụ nội địa dự đoán tăng lên kỷ lục cao 22,2 triệu bao, tồn trữ cuối vụ sẽ giảm 1/3 xuống chỉ 2,6 triệu bao, kết quả là xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất 5 năm.
Sản lượng của Việt Nam được USDA dự báo sẽ tăng 3,2 triệu bao lên kỷ lục 29,9 triệu bao nhờ thời tiết thuận lợi. Mặt khác, giá cà phê cao trong vụ trước cũng giúp người trồng cà phê có điều kiện tài chính để tăng đầu tư cho cây, làm tăng năng suất. Diện tích trồng cà phê Việt Nam niên vụ này dự báo sẽ tương tự như vụ trước, với trên 95% sản lượng vẫn là robusta. USDA dự báo cả năng suất tăng, nguồn cung, xuất khẩu và tiêu thụ cà phê nội địa của Việt Nam sẽ đều tăng.
Sản lượng của Trung Mỹ và Mexico dự đoán sẽ tăng 600.000 bao lên 19,4 triệu bao, mặc dù một số nước ở khu vực này vẫn đang phải chật vật giải quyết dịch bệnh gỉ lá đã kéo dài và ảnh hưởng tới năng suất trong suốt 5 năm qua. Sản lượng dự báo sẽ hồi phục ở Costa Rica, Hongduras và Nicaragua, nhưng sẽ giảm ở El Salvador, Guatemala và Mexico do dịch bệnh. Xuất khẩu cà phê của khu vực này dự báo sẽ vững ở mức 16,2 triệu bao như niên vụ trước. Khoảng 40% xuất khẩu cà phê Trung Mỹ và Mexico tới thị trường Mỹ, còn 35% tới Liên minh châu Âu.
Sản lượng của Colombia dự báo vững ở 14,7 triệu bao trong bối cảnh thời tiết thuận lợi. Trong thập kỷ qua, năng suất cà phê nước này đã tăng gần 30% chủ yếu do tăng mật độ cây trồng và chương trình cải tiến của ngành theo đó tăng cường trồng những giống kháng bệnh gỉ lá. Việc tái canh cây cà phê – nằm trong chương trình này – đã giúp giảm tuổi trung bình của cây cà phê từ 15 năm xuống chỉ còn 7 năm hiện nay. Xuất khẩu cà phê hạt từ thị trường này, chủ yếu sang Mỹ và Liên minh châu Âu, dự báo sẽ ổn định ở 12,6 triệu bao.
Trong những thị trường tiêu thụ chủ chốt, nhập khẩu của Liên minh châu Âu dự báo giảm 200.000 bao xuống 40 triệu bao và chiếm trên 40% tổng nhập khẩu cà phê nhân trên toàn thế giới. Những nước cung cấp chủ chốt cho thị trường này sẽ là Brazil (33%), Việt Nam (25%), Honduras (7%) và Colombia (7%). Dự trữ cuối niên vụ tại EU dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống 10,5 triệu bao, mức thấp nhất 5 năm.
Tại Mỹ – thị trường nhập khẩu cà phê nhân lớn thứ 2 thế giới tính theo khối lwọng, dự báo vụ 2017/18 cũng sẽ giảm lượng nhập khẩu đi 800.000 bao so với vụ trước xuống 25 triệu bao. Những nước chính cung cấp cà phê cho Mỹ sẽ là Bazil (27%), Colombia (20%) và Việt Nam (16%). Dự trữ cuối vụ ở Mỹ dự báo sẽ giảm 600.000 bao xuống 6,6 triệu bao.