MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự trữ ngoại tệ tăng: Vừa mừng, vừa lo

05-08-2016 - 14:54 PM | Tài chính - ngân hàng

Dự trữ ngoại tệ (DTNT) đạt mức cao nhất từ trước đến nay là một trong những điểm sáng trong tình hình KTXH 6 tháng đầu năm mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày trước Quốc hội khóa XIV.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, dự trữ ngoại tệ tăng trong bối cảnh hiện nay cũng cho thấy một số vấn đề của nền kinh tế Việt Nam.

Báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô quý III/2016 của Ngân hàng HSBC dự tính quy mô dự trữ ngoại tệ của Việt Nam ở khoảng 33,6 tỉ USD trong quý I/2016. Tính đến trung tuần tháng 6.2016, theo con số từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), với quy mô mua vào tới khoảng 8 tỉ USD trong 5 tháng đầu năm, dự trữ ngoại hối quốc gia đã cải thiện rõ rệt, tăng lên khoảng 38 tỉ USD.

Xem xét các chỉ tiêu có thể thấy một số nguyên nhân chính khiến DTNT của Việt Nam lên mức cao, đó là việc gia tăng nguồn cung ngoại tệ từ các luồng vốn vào. Thêm vào đó, dự trữ ngoại tệ tăng cao trong 7 tháng đầu năm 2016 trước hết xuất phát từ sự gia tăng nguồn cung ngoại tệ từ các luồng vốn vào quan trọng của cán cân thương mại như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối...

Theo Tổng cục Thống kê thì FDI từ đầu năm đến thời điểm 20.7.2016 thu hút 1408 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 8695,2 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng năm nay ước tính đạt 8,6 tỉ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Ngoài ra ngoại tệ chảy vào nước ta còn xuất phát từ kiều hối, ngoại tệ do cá nhân mang từ nước ngoài về, nguồn ngoại tệ do khách du lịch nước ngoài chi trả tại Việt Nam, tiền lương của người Việt Nam làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài. Trong đó, kiều hối là nguồn thu ngoại tệ quan trọng nhất. Với chính sách tự do hoá các giao dịch vãng lai, nguồn kiều hối chảy về nước liên tục gia tăng qua các năm vừa qua. NHNN - chi nhánh TPHCM cho biết trong 6 tháng đầu năm 2016, có khoảng 2,1 tỉ USD kiều hối chuyển về địa bàn TPHCM, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2015. Con số này là dấu hiệu cho thấy năm 2016, Việt Nam có thể vẫn tiếp tục là một trong những quốc gia có lượng kiều hối cao.

Dân đang bán USD ra

Lạm phát thấp, tỉ giá ổn định và giảm nhẹ, chính sách chống đô la hóa... là một nguyên nhân quan trọng khiến người dân, tổ chức bán ra ngoại tệ.

Theo Tổng cục Thống kê thì lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng chỉ tăng 1,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2015. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7.2016 giảm 0,21% so với tháng trước; giảm 1,02% so với tháng 12.2015. Tuy giá vàng tháng 7.2016 tăng 10,99% so với cùng kỳ năm trước nhưng về cơ bản không có những cơn sốt trên diện rộng và liên tục nên nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu chính thức và nhập lậu không cao như những năm trước.

Quy định lãi suất tiền gửi ngoại tệ 0%/năm đã khiến người dân và doanh nghiệp bán ra ngoại tệ để chuyển đổi sang VND hưởng LS cao hơn.

Cầu thấp, tăng dự trữ làm gì?

Mặc dù bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc NHNN nói: “Tăng dự trữ ngoại hối có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với vấn đề sẵn sàng can thiệp thị trường ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, phục vụ cho mục đích về phát triển KTXH, an ninh quốc phòng”. Tuy nhiên, việc tăng dự trữ ngoại tệ lên mức cao nhất của VN hiện nay cũng cũng cho thấy nền kinh tế suy yếu, hấp thụ vốn (trong đó có vốn ngoại tệ) kém.

Nhập khẩu (mà trên 90% là nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất) giảm cũng là một nguyên nhân khiến cầu ngoại tệ thấp. Tính chung 7 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 95,03 tỉ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,4%).

Xuất nhập khẩu là thước đo quan trọng về mức độ mở cửa của nền kinh tế, đồng thời nó cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến quy mô dự trữ ngoại hối của quốc gia. Một quốc gia có cán cân thương mại càng thặng dư thì khả năng tích luỹ ngoại hối càng cao, nhưng với Việt Nam thì nguyên nhân chủ yếu nguồn DTNT tăng vừa qua chủ yếu là do tăng các luồng vốn vào.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia tài chính đang e ngại về quy mô lượng tiền đồng mà NHNN đã bơm ra để mua DTNT. Không có số liệu cập nhật, đầy đủ về số lượng tiền bơm ra-hút về. Tuy nhiên có lẽ số hút về chỉ là một phần số bơm ra vì NHNN còn phải nới lỏng tiền tệ để giữ lãi suất tiền đồng không tăng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ về lạm phát tăng cao trở lại khi giá cả trên thế giới (đặc biệt giá dầu) tăng trở lại.

Theo Lan Hương

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên