Đũa gỗ mới mua về luộc ra màu màu nâu có sao không? Chuyên gia đưa ra giải thích gây bất ngờ
Nhiều người khi mua đũa gỗ về thường đem luộc để vệ sinh vật dụng. Nhưng khi vệ sinh, nước luộc đũa chuyển sang màu nâu hoặc đỏ nâu, hiện tượng này có đáng lo ngại không?
- 29-05-2023Mẹo phân biệt đũa gỗ tự nhiên và đũa nhuộm phẩm màu
- 08-04-2022Sự thật chuyện đũa gỗ, thớt gỗ bị nấm mốc có chất gây ung thư kịch độc, ăn vào sẽ bị ung thư gan
Nhắc tới những vật dụng quen thuộc trong căn bếp của các gia đình Việt, không thể không kể tới những đôi đũa. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại đũa được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như đũa tre, đũa inox, đũa sợi thuỷ tinh... Tuy nhiên, loại đũa được xem là truyền thống nhất và vẫn được nhiều gia đình ưa chuộng sử dụng nhất, vẫn là đũa gỗ.
Mới đây trên các diễn đàn về đồ nhà bếp, xuất hiện một chủ đề về đôi đũa gỗ nhận được nhiều ý kiến thảo luận. Cụ thể, chủ đề này xoay quanh việc luộc đũa gỗ khi mới mua về. Trong một video, người dùng này luộc đũa mới mua về nhưng nước luộc dần đổi sang màu nâu hoặc nâu đỏ.
Bên dưới phần bình luận, nhiều người tỏ ra lo ngại liệu đây có phải chất bẩn, chất độc hại từ đũa phai ra, hay là do đũa kém chất lượng. Một người dùng với tài khoản H.M còn chia sẻ, cô cũng là một người luộc đũa gỗ khi mới mua về. Kết quả sau 5 phút thấy nước luộc chuyển màu, cô đã sợ hãi và vứt đũa đi.
Vậy thực hư của hiện tượng nước luộc đũa chuyển màu là thế nào? Hiện tượng này có thật sự đáng lo ngại như nhiều người nghĩ hay không?
Chuyên gia đưa ra lời giải thích
Việc luộc với nước sôi ở nhiệt độ cao được xem là giúp vệ sinh vật dụng một cách triệt để, tiêu diệt mọi vi khuẩn vẫn còn tồn tại trên vật dụng. Với việc luộc đũa cũng tương tự như vậy. Các chuyên gia đánh giá, khi luộc đũa mà nước luộc chuyển sang màu nâu hoặc nâu đỏ, thậm chí nổi váng lên bề mặt nước, người dùng không nên quá lo lắng hay hoảng sợ.
Theo Tiến sĩ Ngô Quốc Quyền, Viện Hoá học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chia sẻ trên Sức khoẻ & Đời sống, hiện nay các loại đũa gỗ công nghiệp ít nhiều đều được sơn một lớp bảo vệ chống ẩm mốc. Trong quá trình luộc, lớp này có thể bị tách ra, hoà với nước, từ đó mới khiến nước đổi màu chứ không phải do chất độc hại hay chất bẩn nào trong đũa.
Vì vậy nếu gia đình có thói quen luộc đũa gỗ mới khi mua về và thấy hiện tượng nước đổi màu và váng, khi nước sôi, có thể lấy đũa ra, rửa lại với nước sạch và sử dụng như bình thường. Việc vứt đũa đi là lãng phí.
Cách vệ sinh và bảo quản đũa gỗ tránh ẩm mốc
Như đã nói ở trên, đũa gỗ là sự lựa chọn phổ biến của nhiều gia đình Việt bởi giá thành hợp lý, dễ sử dụng. Tuy nhiên, gỗ lại là một chất liệu khá đặc thù. Đũa gỗ dễ bị ẩm mốc, mối mọt, sản sinh vi khuẩn hay bị nứt vỡ, cong vênh. Chính vì vậy, người dùng cần lưu ý một vài điều trong quá trình sử dụng, vệ sinh và bảo quản để đũa gỗ được lâu bền hơn.
Đầu tiên khi mới mua đũa về, không nhất thiết phải luộc đũa. Thay vào đó, người dùng có thể chỉ cần rửa đũa với nước rửa bát, sau đó phơi đũa ra ánh nắng mặt trời. Nhiệt độ cao của ánh nắng mặt trời sẽ tiêu diệt những vi khuẩn đang ẩn nấp, tồn đọng trong đũa. Việc này không chỉ cần thực hiện khi mua đũa về mà tốt nhất người dùng nên duy trì thường xuyên, sau mỗi lần rửa đũa. Trong trường hợp thời tiết âm u, không có nắng hay trời tối, người dùng có thể lựa chọn phơi đũa ở vị trí thoáng mát hoặc hơ đũa qua lửa.
Khi mới mua về, người dùng chỉ cần rửa với nước sạch rồi đem phơi khô đũa dưới ánh nắng mặt trời (Ảnh minh hoạ)
Trong quá trình sử dụng, hạn chế tối đa việc đũa gỗ tiếp xúc với nước, độ ẩm quá lâu. Ví dụ như sau khi dùng xong, không nên ngâm đũa lâu trong nước. Khi ngâm đũa gỗ lâu trong nước, lượng dầu mỡ cùng thức ăn thừa còn góp phần khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào đũa hơn. Đây cũng chính là khoảng thời gian đũa gỗ dễ bị nhiễm vi khuẩn, từ đó dẫn đến ẩm mốc nhất.
Khi rửa đũa, người dùng hãy chà xát nhẹ nhàng, có thể dùng những chất tẩy rửa tự nhiên như chanh, sả, bưởi để an toàn, thân thiện hơn với đũa. Với những gia đình sử dụng máy rửa bát, tốt nhất không nên cho đũa vào thiết bị để làm sạch mà nên rửa bằng tay.
Cuối cùng là công đoạn cất, bảo quản đũa. Các khay, ống đựng đũa cũng là một trong những nguyên nhân khiến đũa có thể bị ẩm mốc. Hãy thường xuyên vệ sinh khu vực nay, lau sạch và khô, đảm bảo không còn nước tồn đọng bên trong.
Các chuyên gia đưa ra thêm lời khuyên rằng, khi đũa xuất hiện tình trạng nứt vỡ, cong vênh hay bất kỳ vết ấm mốc nào, người dùng cần bỏ ngay chứ không tiếp tục sử dụng. Bên cạnh đó, nếu đũa không xuất hiện những dấu hiệu trên, cũng nên định kỳ thay thế bộ đũa gỗ khoảng 4-6 tháng/lần.
Đời sống & pháp luật