Dừng cho vay tuần hoàn: Ngân hàng có gặp khó?
Về bản chất, cho vay tuần hoàn không phải là một phương thức cho vay, tức là không phải là cho vay từng lần hay cho vay hạn mức hay các hình thức cho vay khác đã được pháp luật quy định.
- 23-09-2016Cảnh báo tình trạng ngân hàng cho vay vượt quá giá trị tài sản bảo đảm
- 19-09-2016Ngân hàng Nhà nước quyết chặn cho vay tuần hoàn
- 08-09-2016Lãi suất cho vay đã tương đối hợp lý?
Theo quy định mới tại Công văn số 6960/NHNN-TTGSNN ngày 16/09/2016, các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài dừng thực hiện việc cho vay mới để trả nợ trước hạn và/hoặc cấp tín dụng theo hình thức cho vay tuần hoàn (rollover) tại TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo đúng nội dung tại Công văn 7059/NHNN-TTGSNN ngày 26/09/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, cho vay tuần hoàn đã từng được đề cập đến tại Công văn số 3470/NHNN-TTGSNH ngày 11/6/2012, trong đó các ngân hàng được phép tiến hành ký kết hợp đồng cho vay tuần hoàn cho đến khi NHNN ban hành quy định mới về cho vay của ngân hàng cho khách hàng. Sau đó, đến ngày 26/9/2014, NHNN đã không cho phép các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tái tục một phần hay toàn bộ khoản nợ gốc đã cho vay. Đến ngày 16/09/2016, NHNN đã ra Công văn 6960 để nhắc nhở thực hiện nghiêm túc Công văn 7059 trước đó về dừng cho vay tuần hoàn.
Khái niệm về cho vay tuần hoàn liệu có mới?
Hiện nay, pháp luật Việt Nam không có định nghĩa chính thức nào về cho vay tuần hoàn, tuy nhiên theo khái niệm này trên thế giới, cho vay tuần hoàn (rollover loan) là khoản vay mà TCTD cho phép người vay, sau một thời gian vay cụ thể, được tiếp tục nợ tiền vay sau ngày trả nợ khoản vay quy định trên hợp đồng tín dụng và người vay đồng ý trả lãi suất ở mức lãi suất mới với kỳ hạn mới cụ thể theo thoả thuận giữa khách hàng và TCTD.
Quy định về cho vay tuần hoàn thực ra là không mới nếu so với quy định tại Điều 22 về điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và lãi, gia hạn trả nợ gốc và lãi trong Quy chế 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 về cho vay của TCTD đối với khách hàng của NHNN. Theo quy định này, trường hợp khách hàng không trả được nợ gốc đúng kỳ hạn đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng và có văn bản đề nghị thì TCTD xem xét cho điều chỉnh kỳ hạn trả nợ. Thời hạn gia hạn nợ đối với cho vay ngắn hạn tối đa bằng 12 tháng, đối với cho vay trung hạn và dài hạn tối đa bằng 1/2 thời hạn cho vay đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng. Trường hợp khách hàng đề nghị gia hạn nợ quá các thời hạn này do nguyên nhân khách quan và tạo điều kiện cho khách hàng có khả năng trả nợ, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc (Giám đốc) TCTD xem xét quyết định và báo cáo ngay NHNN sau khi thực hiện.
Do đó, cho vay tuần hoàn có thể được hiểu là các hình thức cho vay đã được quy định tại Điều 16 về phương thức cho vay trong Quy chế cho vay 1627, bao gồm như: cho vay từng lần, cho vay theo hạn mức, cho vay theo hạn mức thấu chi… nhưng khách hàng không trả nợ gốc khi đến kỳ hạn trả nợ và được TCTD gia hạn hay tái tục một phần hay toàn bộ khoản nợ vay với kỳ hạn mới và lãi suất vay mới. Từ đó, chúng ta hiểu rằng, đây chính là hình thức mà NHNN quy định dừng cho vay trong Công văn 6960.
Ngân hàng có gặp khó khăn khi chọn phương thức cho vay?
Về bản chất, cho vay tuần hoàn không phải là một phương thức cho vay, tức là không phải là cho vay từng lần hay cho vay hạn mức hay các hình thức cho vay khác đã được pháp luật quy định. Cho vay theo hạn mức tín dụng là hình thức mà TCTD và khách hàng xác định và thoả thuận một hạn mức tín dụng duy trì trong một khoảng thời gian nhất định. Trong khi đó, cho vay từng lần là mỗi lần vay vốn khách hàng và TCTD thực hiện thủ tục vay vốn cần thiết và ký kết hợp đồng tín dụng.
Khác với loại vay thông thường, khi cho vay hạn mức, ngân hàng có thể xác định kỳ hạn nợ của từng khế ước vượt quá thời hạn được cấp hạn mức và khống chế theo hạn mức tín dụng. Cho vay hạn mức được áp dụng cho khách hàng có nhu cầu vay vốn thường xuyên, phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu cho việc bổ sung tài sản lưu động của doanh nghiệp và được ngân hàng tín nhiệm.
Với hình thức này doanh nghiệp chỉ cần ký hợp đồng 1 lần, doanh nghiệp sẽ có một hạn mức cho cả năm, do đó giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và có thể sử dụng vốn vay kịp thời nhất, có hiệu quả nhất, cho hoạt động kinh doanh của mình. Do đó, khi khách hàng vay theo hình thức này mà thực hiện hoàn trả nợ cho ngân hàng theo các khế ước đã ký với ngân hàng và/hoặc thực hiện vay tiếp các khế ước khác với chu kỳ kinh doanh mới thì ngân hàng hoàn toàn được quyền cho vay theo hình thức cấp hạn mức mà không vi phạm Công văn 6960 của NHNN.
Đối với cho vay từng lần, khi đến thời hạn trả nợ gốc, khách hàng phải tiến hành trả nợ và tất toán hợp đồng cũ thì sẽ được ngân hàng cho vay tiếp theo một hợp đồng tín dụng mới bình thường. Thậm chí, khi trong thời hạn của hợp đồng tín dụng cũ, khi khách hàng có nhu cầu vay vốn để đáp ứng cho một phương án kinh doanh mới và đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn của ngân hàng thì ngân hàng vẫn có thể phê duyệt và giải ngân cho khách hàng theo hợp đồng tín dụng mới mà vẫn tuân theo Công văn 6960.
Bên cạnh đó, vì mục đích của Công văn 6960 là nhằm nâng cao tính minh bạch về nợ xấu và hạn chế tình trạng nợ xấu chạy vòng vòng trong hệ thống các TCTD, nên khi mà TCTD có quy trình quản trị tín dụng tốt thì hai hình thức cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành, sử dụng thẻ tín dụng và cho vay theo hạn mức thấu chi là không vi phạm quy định của NHNN về cho vay tuần hoàn.
Điều đó có nghĩa là, với ngân hàng phát hành thẻ tín dụng cho khách hàng, khi đến kỳ hạn trả nợ của khoản tiền mà khách hàng đã vay trong hạn mức của thẻ tín dụng thì ngân hàng phải có biện pháp để thu hồi nợ đúng hạn để không phát sinh nợ xấu. Tương tự với trường hợp cho vay thấu chi, khi ngân hàng cho vay thấu chi không vì mục đích để trả cho món nợ cũ thì lúc đó cả 2 hình thức cho vay này không vi phạm Công văn 6960.
Vậy ngân hàng cần làm gì ?
Qua các phân tích ở trên, rõ ràng là quy định vừa mới ban hành của NHNN trong Công văn 6960 không nhằm mục đích là dừng lại các phương thức cho vay hiện nay đang quy định trong Quy chế cho vay 1627. Tuy nhiên, nhằm đáp ứng đúng tinh thần của Công văn 6960, các ngân hàng cần:
Rà soát lại toàn bộ các quy trình cũng như các sản phẩm cho vay hiện đang được sử dụng tại ngân hàng và chỉnh sửa nếu cần thiết nhằm tạm thời loại bỏ các quy trình hay sản phẩm có liên quan đến cho vay tuần hoàn cho đến khi có quy định mới của NHNN. Nâng cao quản trị rủi ro tín dụng và đặc biệt tăng cường giám sát hoạt động sau cho vay cũng như tích cực thu hồi nợ. Báo cáo lên Hiệp hội ngân hàng hay các cơ quan có liên quan của NHNN những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Công văn 6960.