MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng chủ quan với những khoản vay đảm bảo bằng tiền gửi hay ký quỹ 100%

08-05-2020 - 13:49 PM | Tài chính - ngân hàng

Khi cấp tín dụng cho hồ sơ có đảm bảo bằng tiền gửi hay ký quỹ 100%, nhiều cán bộ có tâm thế chủ quan, làm tờ trình qua loa, đại khái, không chú ý và phân tích nhiều đến năng lực tài chính, mục đích, phương án cấp tín dụng,… vì nghĩ nếu có rủi ro xảy ra thì tài sản bảo đảm sẽ đủ để thu hồi.

Nhận được hồ sơ với khoản vay có đảm bảo bằng tiền gửi hay ký quỹ 100%, cán bộ ngân hàng nghĩ quá “lành” và bắt tay triển khai ngay. Liệu có chắc độ an toàn của khoản vay ấy là tuyệt đối và không có rủi ro? Với kinh nghiệm công tác nhiều năm trong ngân hàng, tác giả xin chia sẻ một số vấn đề cần lưu ý sau nhằm giúp cán bộ tín dụng tránh những sai phạm tác nghiệp.

Một là, thực hiện đầy đủ quy trình thẩm định hồ sơ như một khoản vay thông thường

Khi cấp tín dụng cho hồ sơ có đảm bảo bằng tiền gửi hay ký quỹ 100%, nhiều cán bộ có tâm thế chủ quan, làm tờ trình qua loa, đại khái, không chú ý và phân tích nhiều đến năng lực tài chính, mục đích, phương án cấp tín dụng,… vì nghĩ nếu có rủi ro xảy ra thì tài sản bảo đảm sẽ đủ để thu hồi.

Tuy nhiên, với một ví dụ cụ thể như sau sẽ thay đổi suy nghĩ cuả bạn: Công ty A mượn 10 tỷ đồng của khách hàng B nộp vào tài khoản của công ty với lý do muốn chứng minh năng lực tài chính với ngân hàng, hứa sẽ trả cho anh B một khoản lãi phù hợp. Để đảm bảo an toàn, hai bên nghĩ ra cách đăng ký mọi giao dịch liên quan tài khoản tiền gửi công ty tại ngân hàng với hai chữ ký (một của anh B – vai trò Phó Giám đốc và một của giám đốc – vai trò người đại diện theo pháp luật công ty A). Như vậy, mọi giao dịch rút tiền mặt, thanh toán chuyển khoản theo ủy nhiệm chi từ tài khoản này của công ty phải có đủ hai chữ ký nêu trên. Để an tâm hơn, anh B đăng ký thêm dịch vụ SMS banking để mọi phát sinh tài khoản sẽ được báo ngay về số điện thoại cá nhân của mình. 

Với tính toán từ trước, công ty A đến chi nhánh ngân hàng này ở tỉnh khác gửi hồ sơ xin cấp bảo lãnh thanh toán giá trị đúng bằng 10 tỷ đồng cho một hợp đồng mua bán hàng hóa và tất nhiên tài sản bảo đảm cho khoản bảo lãnh là khoản ký quỹ với tỷ lệ 100% bằng tiền trên tài khoản công ty tại chính ngân hàng. Sau khi check tài khoản thấy đủ số tiền bảo đảm, kiểm tra hồ sơ pháp lý vay vốn của công ty đầy đủ, cán bộ tín dụng trình phát hành thư bảo lãnh với thời hạn hiệu lực là 30 ngày. 

Đúng 27 ngày sau khi phát hành, Bên nhận bảo lãnh gửi đề nghị thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cùng hồ sơ chứng minh đến ngân hàng. Kiểm tra thấy hồ sơ hợp lệ, xác nhận lại với công ty A là không có khả năng thanh toán nên ngân hàng đã khấu trừ tiền ký quỹ để chuyển cho Bên nhận bảo lãnh. Lúc này, tin nhắn SMS gửi đến điện thoại của anh B, tá hỏa anh vội đến ngân hàng thì được biết toàn bộ sự việc và tài khoản đã trống rỗng sau khi ngân hàng xử lý tiền ký quỹ. Bắt đầu từ đây là sự tranh chấp quyết liệt giữa ngân hàng và anh B. Chưa xét đến thực trạng pháp luật ngân hàng đúng hay anh B đúng nhưng việc kiện cáo ra tòa án rất phiền hà và giảm uy tín của ngân hàng, đồng thời trách nhiệm của cán bộ tín dụng cũng sẽ được đưa ra làm rõ.

Bài học rút ra là, nếu ngay từ đầu cán bộ tín dụng cẩn trọng hơn trong việc xem xét khoản bảo lãnh (như đặt nghi vấn tại sao công ty A mở tài khoản tại chi nhánh này mà đến chi nhánh khác đề nghị cấp bảo lãnh, liên hệ với chi nhánh giao dịch ban đầu để kiểm tra lại khách hàng, thẩm định kỹ năng lực kinh doanh, mục đích và phương án cấp bảo lãnh,…) thì có thể sẽ không dẫn đến tình huống trên.

Hai là, kiểm tra kỹ thẩm quyền ký hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm

Đối với khoản vay của khách hàng cá nhân, thông thường sổ tiết kiệm dùng làm tài sản bảo đảm chỉ đứng tên một người nhưng hợp đồng vay vốn và cả hợp đồng bảo đảm đều cần thêm chữ ký của vợ/chồng nếu khách hàng đã kết hôn. Đặc biệt, nếu vợ/chồng đã ly dị hoặc chết thì cần xác định rõ đây là tài sản chung/riêng trong thời kỳ hôn nhân và quyền thừa kế thế nào.

Đối với khoản vay của khách hàng doanh nghiệp, tùy theo loại hình công ty thì cần kiểm tra thẩm quyền ký hợp đồng bảo đảm tiền gửi và yêu cầu cung cấp hồ sơ chứng minh phù hợp. Lỗi chủ quan của nhiều cán bộ tín dụng thường phạm phải là nhìn thấy hợp đồng tiền gửi do giám đốc – người đại diện pháp luật của công ty ký thì mặc nhiên hợp đồng bảo đảm bằng chính khoản tiền gửi này cũng sẽ do vị giám đốc này ký. Để xác thực quyền ký hợp đồng bảo đảm cần kiểm tra kỹ tại Điều lệ hoạt động của doanh nghiệp, chẳng hạn rất nhiều trường hợp quy định giám đốc công ty được vay vốn dưới 5 tỷ đồng nhưng dùng tài sản của công ty để thế chấp/cầm cố từ 3 tỷ đồng trở lên phải được Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên phê duyệt đồng ý, như vậy nếu công ty này dùng khoản tiền gửi 3 tỷ đồng để bảo đảm 100% cho khoản vay mà không có văn bản chấp thuận của Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên thì hiển nhiên hợp đồng bảo đảm vô hiệu.

Hiện nay, để giảm thiểu rủi ro về mặt thẩm quyền ký kết hợp đồng bảo đảm, sau khi rà soát các nội dung tại Điều lệ hoạt động, một số ngân hàng thường yêu cầu công ty cung cấp Nghị quyết và Biên bản họp của Hội đồng thành viên (đối với công ty TNHH từ hai thành viên trở lên) hoặc của Hội đồng quản trị (đối với công ty cổ phần) với nội dung thể hiện rõ loại tài sản thế chấp/cầm cố, giá trị, tên ngân hàng nhận bảo đảm và đồng ý ủy quyền cho giám đốc – người đại diện pháp luật của công ty thực hiện ký kết hợp đồng vay vốn, hợp đồng bảo đảm và các văn kiện tín dụng liên quan.

Ba là, thận trọng với khoản bảo đảm 100% bằng tiền gửi tại ngân hàng khác

Tôi đã hỏi không ít các đồng nghiệp cùng ngành và đều được trả lời: khi nhận bảo đảm khoản vay của khách hàng là Sổ tiết kiệm/Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng khác thì sẽ đề nghị ngân hàng phát hành xác nhận phong tỏa đối với Sổ tiết kiệm/Hợp đồng tiền gửi đó; sau khi có văn bản xác nhận của đối tác vậy là cứ yên tâm khoản nợ đã được bảo đảm chắc chắn và ngân hàng của mình được ưu tiên xử lý thu hồi nợ trong trường hợp phát sinh rủi ro. Nhưng bạn có biết rằng, ngân hàng phát hành có thể xử lý khoản tiền gửi này nếu chính khách hàng đó có nợ xấu tại ngân hàng họ, bất chấp tiền lệ về "quyền ưu tiên" của ngân hàng bạn.

Thực chất việc xác nhận phong tỏa của ngân hàng phát hành chỉ là tiền lệ hợp pháp của ngành ngân hàng với ý nghĩa hỗ trợ nhau trong công tác cho vay, về pháp lý nếu khách hàng vay vốn và không trả nợ đúng hạn thì theo hợp đồng tín dụng đã ký với nội dung ngân hàng có quyền xử lý bất kỳ tài sản nào của khách hàng mà ngân hàng đang nắm giữ thì ngân hàng phát hành vẫn được quyền ưu tiên hơn so với ngân hàng của bạn.

Do vậy, để tránh rủi ro, ngân hàng phải lựa chọn thật kỹ đối tác dựa trên uy tín của ngân hàng phát hành, giới hạn giá trị cho vay phù hợp và đặc biệt khi nhận bảo đảm tiền vay nên bổ sung thêm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm.

Thanh Nga

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên