MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng chủ quan với những vết bầm bất thường trên cơ thể, 7 vấn đề sức khỏe này có thể liên quan

09-03-2020 - 05:33 AM | Sống

Thông thường, tình trạng bầm tím dưới da sẽ biến mất sau một vài tuần, tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu dễ nhầm lẫn với những chỉ dấu của các bệnh lý nguy hiểm.

Vết bầm tím thường là một chấn thương da phổ biến hoặc là kết quả của việc các mạch máu vận chuyển máu qua lại giữa tim, các mô và cơ quan của cơ thể bị vỡ. Mạch máu bị vỡ do tổn thương hay suy yếu khiến hồng cầu thoát ra khỏi thành mạch và thoái hóa, gây nên các mảng bầm đen, vàng, xanh dương mà y học còn gọi là tình trạng xuất huyết trên da.

Thông thường, tình trạng bầm tím dưới da sẽ biến mất sau một vài tuần, tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu dễ nhầm lẫn với những chỉ dấu của các bệnh lý nguy hiểm.

7. Tập thể dục quá mức

Tập thể dục quá mức là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng bầm tím da. Những người tập bài tập mạnh và nâng tạ nhiều có thể vô tình tự làm tổn thương mình, làm vỡ các mạch máu nhỏ gây bầm tím. Việc tập gym quá sức và chơi các môn thể thao có cường độ hoạt động lớn sẽ khiến cơ thể bị va đập, chấn thương dẫn đến những vết rách cực nhỏ trong các thớ sợi cơ bắp, đây là lý do làm xuất hiện những vết bầm tím. Tuy nhiên, những vết bầm này không quá nguy hiểm mà chỉ báo hiệu rằng bạn đang hoạt động quá mức cần thiết.

Ngay cả trẻ em cũng có thể bị bầm tím. Lý do là bởi rất nhiều trẻ em ngày nay thường phải đeo ba lô đi học quá nặng để có thể mang đầy đủ dụng cụ học tập.

6. Uống thuốc

Đừng chủ quan với những vết bầm bất thường trên cơ thể, 7 vấn đề sức khỏe này có thể liên quan - Ảnh 1.

Sử dụng một số loại thuốc ảnh hưởng đến máu có thể dẫn đến sự xuất hiện của những vết bầm tím trên cơ thể. Tùy thuộc vào từng loại thuốc mà nó có thể dẫn đến những mức độ nghiêm trọng khác nhau. Một số loại thuốc nếu dùng nhiều sẽ khiến da bị bầm tím như aspirin, thuốc tránh thai, thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, thuốc chống đông máu, thuốc có chứa sắt hoặc thuốc chống hen trong thời gian dài... Đặc biệt trong số đó, aspirin là loại thuốc phổ biến nhất khiến máu bị loãng và xuất hiện vết bầm trên da.

Vì thế, nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến viêm da do dùng thuốc, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Trong trường hợp xấu, bạn cần phải ngừng dùng thuốc để tránh chảy máu trong.

5. Các bệnh về máu

Trong bệnh ưa chảy máu (haemophilia), máu khó đông và chảy kéo dài, thậm chí một sự va chạm cơ thể nhẹ cũng có thể gây thâm tím một vùng da. Những vết bầm tím không rõ lý do có thể là dấu hiệu ung thư máu hoặc các rối loạn đông máu khác.

Cụ thể, người bị xuất huyết dưới da sẽ xuất hiện nhiều vết nhỏ li ti và bầm tím do máu bị rò rỉ ra ngoài các mao mạch nhỏ. Đối với người bệnh bạch cầu và hội chứng rối loạn đông máu có thể làm tăng nguy cơ chảy máu hoặc tạo các cục máu đông và huyết tắc dưới da, khiến làn da trở nên "kém sắc" bởi các vết thâm tím.

Đừng chần chừ một buổi khám sức khỏe tổng thể, đặc biệt nếu kèm theo các triệu chứng khác như đau và sưng chân, chảy máu nướu, chảy máu cam hoặc xuất hiện các các đốm mao mạch nhỏ trên cơ thể.

4. Thiếu chất dinh dưỡng

Đừng chủ quan với những vết bầm bất thường trên cơ thể, 7 vấn đề sức khỏe này có thể liên quan - Ảnh 2.

Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc chữa lành vết thương và hình thành collagen. Khi cơ thể thiếu hụt vitamin C sẽ khiến các mạch máu nhỏ bị vỡ, kết quả gây bầm tím.

Ngoài ra, thiếu vitamin B12 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất máu, thiếu vitamin K làm giảm đông máu, thiếu vitamin P khiến quá trình sản xuất collagen gặp khó khăn, dẫn đến các mạch máu trở nên mỏng và có thế sinh ra các vết bầm tím thường xuyên.

Vì thế, cân bằng sắt là điều rất quan trọng đối với cơ thể. Dù thiếu hay thừa sắt cũng khiến các mao mạch không được khỏe mạnh. Tuy nhiên, đừng vội mua vitamin ở các hiệu thuốc mà hãy tự kiểm tra cơ thể đang thiếu vitamin gì và cải thiện chế độ dinh dưỡng qua các bữa ăn.

Nguồn vitamin P có trong trà xanh tươi, táo, bí ngô và tỏi. Vitamin K được tìm thấy trong chuối, trứng, các loại hạt và cá béo. B12 chứa trong gan, cá, phô mai và rau diếp.

3. Mất cân bằng nội tiết tố

Các vết bầm tím sẽ không ngừng xuất hiện nếu cơ thể người phụ nữ bị thiếu estrogen. Đây là nguyên nhân làm suy yếu đáng kể các mạch máu và khiến mao mạch dễ bị tổn thương hơn. Theo các chuyên gia, sự mất cân bằng hormone trên có thể là do phái nữ đang trong thời kỳ mãn kinh, đang sử dụng thuốc kích thích tố hoặc đang mang thai.

2. Lão hóa

Đừng chủ quan với những vết bầm bất thường trên cơ thể, 7 vấn đề sức khỏe này có thể liên quan - Ảnh 3.

Khi chúng ta già, việc sản sinh collagen trên da giảm và lớp mỡ bảo vệ da cũng ít đi. Hệ thống mạch máu cũng trở nên yếu dần và các mô mất tính đàn hồi. Sau tuổi 60, con người thường rất dễ bị các vết bầm tím dù chỉ có tác động nhẹ lên da, các vết bầm này xuất hiện chủ yếu ở bắp chân.

1. Bệnh tiểu đường

Nếu cơ thể thường xuyên xuất hiện những mảng da bầm tím, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường. Vết thâm tím xuất hiện do xuất huyết mao mạch bên trong vì mạch máu, da và thần kinh bị suy yếu do đường huyết tăng cao trong máu. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của những vết bầm tím trên da không rõ nguyên nhân.

Các triệu chứng có thể kèm theo là thường xuyên khát nước, các vết thương lâu lành, thường xuyên trong trạng thái mệt mỏi, thị lực kém và có những đốm trắng trên da.

Phân biệt bết bầm tím nguy hiểm và không nguy hiểm

Đừng chủ quan với những vết bầm bất thường trên cơ thể, 7 vấn đề sức khỏe này có thể liên quan - Ảnh 4.

Ngay sau khi bị thương, các vết bầm có màu đỏ bởi đây là màu máu dưới da. Sau một thời gian, cơ thể bắt đầu phá vỡ máu và vết bầm này chuyển thành màu đen, xanh hoặc thậm chí là tím. Trong vòng 5 đến 10 ngày, vùng bị thương sẽ chuyển sang màu vàng hoặc xanh lá. Và giai đoạn cuối cùng là 10-14 ngày sau chấn thương, khu vực này chuyển sang màu nâu và dần dần trở lại làn da ban đầu.

Thông thường, vết bầm mờ dần hoàn toàn trong vòng 2 tuần sau khi bị thương. Vì vậy, nếu vết bầm có màu khác so với những màu được mô tả bên trên hoặc không biến mất sau 2 tuần thì bạn nên đi khám bác sĩ.

Theo Bright Side

Anh Thơ

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên