Đừng để áp lực công việc khiến bạn gục ngã, đây là cách những người bận rộn trên thế giới tái tạo năng lượng để "sống hòa bình" với thứ khó nhằn nhất
Trạng thái kiệt sức vì công việc bắt nguồn từ stress kéo dài rút cạn nguồn năng lực cũng như công suất làm việc vủa bạn. Tình trạng này kéo dài dẫn đến sự kiệt quệ cả về mặt thể lực cũng như trí lực, khiến bạn không thể hoàn thành các yêu cầu cơ bản của công việc.
- 22-10-2018Giải mã nỗi sợ hãi "khó hiểu", thường gặp ở người thành công: Luôn cảm thấy mình không xứng đáng với những gì đã đạt được
- 22-10-201830 tuổi trở đi, nếu có dấu hiệu này cần phải cảnh giác ngay với bệnh gút
Mệt mỏi cực độ xuất hiện ở những người có thời gian làm việc kéo dài cũng như thường xuyên chịu áp lực lớn từ công việc. Nó kéo theo sự kiệt sức, giảm sút trí sáng tạo đi kèm với cái nhìn tiêu cực về công việc, cuộc sống. Những nhà lãnh đạo chịu đựng tình trạng trên thường có biểu hiện tự cô lập, ít giao tiếp. Theo một khảo sát vào năm 2013 của Đại học Harvard, 96% các nhà lãnh đạo cấp cao đều phải vật lộn với tình trạng kiệt quệ nghiêm trọng này.
Vậy, liệu bạn có tò mò về cách những doanh nhân hàng đầu giải quyết tình trạng này? Nếu có, vậy thì dưới đây là cách 5 doanh nhân, lãnh đạo xuất chúng giữ lửa nhiệt huyết để không ngừng bước xa hơn trên con đường sự nghiệp của mình.
Richard Branson
Trong suốt 50 năm làm việc, Richard Branson đã biến một phòng thu nhỏ thành một tập đoàn trị giá tỷ đô. Là người sáng lập Virgin Group, ông điều hành hơn 400 công ty lớn nhỏ và sở hữu khối tài sản ròng lên tới 5,1 tỷ USD. Bên cạnh những con số đáng nể trên, Branson còn tự hào về khả năng cân bằng cuộc sống và công việc của mình - nguyên tắc giúp ông tránh xa tình trạng kiệt quệ cũng như duy trì lòng nhiệt huyết cho công việc.
Trong một bài báo được đăng tải trên LinkedIn, ngoài thời gian dành cho gia đình và công việc, lịch trình của Branson luôn có những ô dành cho đam mê cá nhân, ví dụ như lướt ván thuyền. “Bằng việc tập trung với những vấn đề mà tôi quan tâm, tôi hiếm khi nào cảm thấy cần làm mới bản thân để lấy lại sự tập trung hay nhiệt huyết; thay vào đó, lúc nào tôi cũng cảm thấy tràn trề năng lượng,” Branson viết.
Dưới đây là một vài bí kíp sống lành mạnh được Branson chia sẻ:
- Dậy sớm – tự tạo cho mình thói quen ưu tiên làm việc khó trong lúc bạn cảm thấy năng suất nhất.
- Hạn chế thiết bị điện tử - đừng để đồ vật vô tri kiểm soát bạn, đặc biệt khi bạn là một doanh nhân bận rộn.
- Chơi thể thao – tìm một sở thích giúp bạn tập trung trong cả ngày dài.
- Lên lịch trình – đây chính là bí quyết mà theo Branson chia sẻ, làm nên thành công của Virgin ngày nay.
- Dành thời gian cho những người bạn yêu quý – luôn để dành lịch trình mỗi ngày cho họ, dù chỉ là gặp mặt qua điện thoại hay Skype.
- Thử thách bản thân – luôn thử những điều mới lạ mỗi ngày để xem bạn học được những gì. Hãy biến mỗi ngày thành một cuộc phiêu lưu!
Sheryl Sandberg
Với cương vị người vận hành Facebook, một tác giả, một nhà hoạt động cũng như người mẹ hai con, Sheryl Sandberg là một trong những nhà lãnh đạo nữ truyền cảm hứng nhất trên thế giới. Bà cũng không ngại thừa nhận những khó khăn khi luôn phải mang trên vai trách nhiệm với gia đình cũng như với sự nghiệp quyền lực, thành công của mình.
Sandberg từng gây shock với thói quen rời công ty lúc 5h30 chiều hàng ngày để dùng bữa tối với gia đình. Tuy nhiên, dành thời gian với gia đình không đồng nghĩa với việc dừng bước trên con đường sự nghiệp. Trên thực tế, Sandberg luôn khuyến khích phụ nữ không ngừng làm việc chăm chỉ để với tay đến vị trí lãnh đạo tối cao.
Sandberg luôn tin vào tính cân bằng của sự nghiệp và đời sống cá nhân. Kể cả khi đã ngồi vào chiếc ghế lãnh đạo, bà vẫn luôn duy trì mối quan hệ thân thiết với bạn bè mình. Tình bạn khăng khít chính là chiếc phao cứu sinh của bà trong một loạt những bi kịch dồn dập kéo đến sau cái chết bất ngờ của chồng bà vào năm 2015.
Gần đây, bà tập trung vào xây dựng cộng đồng truyền cảm hứng và không ngừng mở rộng mối quan hệ cá nhân. Giờ đây, mỗi khi gặp khó khăn, bà lại nghĩ về cuộc đời giống như trò trượt tuyết: không nhất thiết phải trượt xuống, chỉ cần quay đầu đúng lúc và tìm kiếm những điểm tựa cho chúng ta sức mạnh.
Jeff Bezos
Nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos, người giàu nhất thế giới, và cũng giống như những doanh nhân khác, ông tập trung vào những gì quan trọng với bản thân. Ông tỏ ra chán ghét khái niệm “cân bằng cuộc sống” và ngụ ý rằng đây là một sự thỏa hiệp. Thay vào đó, ông tin vào sự “hòa hợp cuộc sống”, có nghĩa rằng công việc và sở thích cá nhân là hai phạm trù có sự tương tác nhưng không xâm phạm hay gây tổn hại cho nhau.
“Nếu ở nhà tôi cảm thấy hạnh phúc, khi đi làm tôi cũng tràn đầy năng lượng. Đó là một vòng tròn, không phải là một điểm cân bằng”, Bezos chia sẻ trong buổi phỏng vấn với Mathias Döpfner, CEO của Axel Springer, công ty mẹ của Business Insider. “Chúng ta luôn có một đồng nghiệp, người mà khi vừa bước vào phòng họp thì khí thế và năng lượng đã ngay lập tức bay biến. Tất nhiên, không ai muốn trở thành người như vậy cả. Ai cũng muốn đi làm với nguồn năng lượng cho phép chúng ta đá bay mọi vật cản ngáng đường”.
Để duy trì sự nhiệt huyết, Bezos luôn ăn sáng cùng gia đình và luôn có lịch trình họp hành cụ thể. Ông hạn chế sự phân tâm bằng cách ít sử dụng điện thoại và tránh ôm đồm nhiều việc một lúc. Thay vào đó, ông sẽ hướng sự chú ý vào người đang làm cùng mình và việc ông đang đảm nhận.
Arianna Huffington
Tỷ phú tự thân Arianna Huffington, một tác giả năng suất cũng như một nhà truyền thông có tầm ảnh hưởng, không ngần ngại chia sẻ về sự trải nghiệm của chính mình với sự kiệt quệ trong công việc. Là nhà sáng lập Huffington Post và cũng là một người mẹ đơn thân, bà từng tin rằng sự kiệt quệ về mặt tinh thần, thể xác cũng như stress là cái giá phải trả để có được thành công.
Thế nhưng, sau một lần ngã quỵ tại nơi làm việc và tỉnh giấc trong vũng máu với xương gò má bị vỡ, bà đã nhận ra hồi chuông cảnh tỉnh cho chính cách sống, cách làm việc của mình.
Bà bây giờ vẫn là một người nghiện công việc, là tác giả của cuốn “Tái thiết giấc ngủ”. Bà cũng đã thành lập công ty chuyên về tư vấn sức khỏe mang tên Thrive Global với nỗ lực cung cấp các phương pháp khoa học giải quyết tình trạng stress và kiệt quệ.
Huffington tin rằng giải pháp cụ thể để xây dựng môi trường sống thân thiện – nơi bạn có thể nghỉ ngơi và hồi sức là vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số lời khuyên của bà:
- Đừng cố nghĩ tới công việc 24/7. Hãy tự dựng lên các giới hạn và tắt nguồn điện thoại của bạn đi!
- Đặt một mốc thời gian cụ thể vào đêm để tắt điện thoại và bỏ nó ra ngoài phòng ngủ.
- Ưu tiên ngủ đủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi ngày.
- Ăn uống đầy đủ và nghỉ ngơi xem kẽ trong quá trình làm việc.
Bà cũng khuyến khích dành 5 phút mỗi ngày ngồi thiền, thậm chí có thể kéo dài đến 15 hay 20 phút nếu bạn thích.
Entrepreneur