Đừng để bảo hiểm từ bảo vệ bỗng thành gánh nặng
Bảo vệ tài sản là một trụ cột cực kỳ quan trọng trong quản trị tài chính cá nhân. Trong đó, bảo hiểm chính là một trong những công cụ để đạt được điều đó. Thế nhưng, hiện tại nhiều người vẫn chưa biết cách dùng bảo hiểm để bảo vệ thế nào và bao nhiêu là đủ.
- 18-08-2022Vì sao tình hình trục lợi bảo hiểm vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí ngày càng tinh vi?
- 16-08-2022Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khai thác mới giảm dù số hợp đồng gia tăng
- 08-08-2022Bancassurance từ công việc áp lực nay bỗng hóa nhẹ nhàng trong mắt các banker
Chị Trần Thanh Xuân (32 tuổi), ngụ tại TP.HCM chia sẻ rằng, chị có người thân không may qua đời trong thời gian Covid và để lại người nhà rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì mất đi nguồn thu nhập chính. Điều đó đã khiến chị chú ý nhiều hơn đến việc bảo vệ nguồn thu nhập cũng như sức khỏe của gia đình. Chị cũng tìm hiểu qua rất nhiều loại sản phẩm bảo hiểm, song vì mới tiếp cận lần đầu nên chị chưa biết phải bắt đầu từ đâu.
Chị Nguyễn Thu Thủy (28 tuổi), chủ một cửa hàng quần áo cũng chia sẻ, "mình đến giao dịch tại ngân hàng thì được các bạn nhân viên ngân hàng giới thiệu cho một số sản phẩm bảo hiểm. Lúc trước, gia đình mình mua trực tiếp ở công ty bảo hiểm. Đây là lần đầu mình biết đến ngân hàng có bảo hiểm và cũng định chuyển sang đây để tiện hơn, nhưng nghe khoản phí thì lại khá cao so với bình thường, hợp đồng lại có khoản liên kết đầu tư và từ trước tới nay mình chưa đầu tư nên mình hơi đắn đo".
Theo một số chuyên gja, Tài chính cá nhân có 3 trụ cột chính, bao gồm (1) tạo thu nhập/đầu tư, (2) quản trị dòng tiền và (3) bảo vệ tài sản. Bảo hiểm thuộc vào trụ cột thứ ba và rất cần thiết. Tuy nhiên, một số người lại xem nhẹ việc mua bảo hiểm hay có những trường hợp như chị Xuân và chị Thủy, muốn tham gia nhưng không biết nên phân bổ bao nhiêu thu nhập hoặc cần lưu ý những gì.
Bảo hiểm chỉ nên chiếm một tỷ trọng nhỏ trong thu nhập của cá nhân
Theo chuyên gia Trần Nguyên Đán, Đại học Kinh tế TP.HCM, tùy dòng bảo hiểm mà sẽ có những mức phân bổ khác nhau. Nếu chỉ xét đến các loại phí bảo hiểm rủi ro thuần túy (bảo hiểm không tích lũy) bao gồm tử kỳ, sức khỏe, bệnh hiểm nghèo thì thông thường chỉ chiếm khoảng 5% thu nhập của một người là chấp nhận được.
Còn nếu như tham gia các dòng sản phẩm liên kết đầu tư thì lúc bấy giờ phí phân bổ rủi ro tử vong, bảo hiểm bổ trợ, tai nạn cũng không được vượt quá 5%, còn phần đầu tư thì có thể chiếm 15-20% đều được vì đó là phần đầu tư.
Ở góc nhìn của chuyên gia tư vấn bảo hiểm, ông Trần Mạnh Hoàng Việt (MB Ageas Life) cho rằng, ngân sách dành cho bảo hiểm có thể chiếm khoảng 5-10% trong thu nhập của một cá nhân. Khi mua bảo hiểm cần chú trọng đến tính phù hợp. Nếu mua quá thấp có thể sẽ dẫn đến việc khách hàng có thể không nhận được sự bảo vệ tương xứng với tính mạng, dòng thu nhập và sức khỏe của mình. Ngược lại, nếu tham gia các hợp đồng bảo hiểm có mức phí quá cao, các năm sau khách hàng sẽ khó lòng duy trì được hợp đồng bảo hiểm. Việc không thể duy trì được hợp đồng bảo hiểm là một khoản sử dụng tiền không hiệu quả, và đồng thời nếu khách hàng dừng hợp đồng sớm thì sẽ chịu mức phạt rất cao vì những năm đầu công ty bảo hiểm thu đến 150 trên tổng số 200% phí bảo hiểm của 2 năm.
"Hiện nay, khả năng tiếp cận bảo hiểm nhân thọ không còn quá khó như ngày xưa nữa. Như những người có thu nhập từ 5-6 triệu/tháng – mức thu nhập tối thiểu tại nhiều khu vực, vẫn có hoàn toàn có thể tham gia được bảo hiểm nhân thọ khoảng 6-7 triệu/năm để được bảo vệ. Vấn đề quan trọng hiện tại không phải là thu nhập mà là khách hàng có đủ điều kiện về sức khỏe để tham gia hay không", ông Việt nói thêm.
Cũng cần phải lưu ý rằng bảo vệ tài sản chỉ là 1 trụ cột trong tổng thể bức tranh tài chính cá nhân. Bạn vẫn còn 2 trụ cột là tạo thu nhập/đầu tư và quản trị dòng tiền cần phải quan tâm. Bên cạnh đó, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cũng đã hỗ trợ cho bạn trong việc bảo vệ sức khỏe và dòng thu nhập, và bảo hiểm nhân thọ là một kênh bảo vệ nâng cao và toàn diện hơn, và bạn nên cân nhắc thời điểm tham gia phù hợp hoàn cảnh của mình.
Khi tham gia bảo hiểm thì cần phải lưu ý những gì?
Theo hai chuyên gia, khi tham gia bất kỳ hợp đồng bảo hiểm nào bạn cần phải đặc biệt quan tâm các vấn đề sau: 1) kê khai trung thực; 2) các điều khoản của hợp đồng; và 3) phải lượng trước tình hình tài chính cá nhân của bản thân.
Cụ thể, thứ nhất, về việc kê khai trung thực, luật kinh doanh bảo hiểm có quy định nếu khách hàng kê khai sai thông tin và thiếu trung thực, công ty có quyền từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm. Tư vấn viên cũng có trách nhiệm hướng dẫn khách hàng kê khai cho đúng. Vì thông thường, ít người nào có thể tự mình khai báo các thông tin trong hợp đồng bảo hiểm.
Thứ hai cần phải nắm được các điểm cốt lõi trong hợp đồng, chuyên gia lưu ý đó là: 1) danh mục các sự kiện bảo hiểm được chi trả, 2) danh mục bệnh viện được chi trả; và 3) những trường hợp không được chi trả.
Cuối cùng, bạn phải cân nhắc về tình hình tài chính của mình. Sau khi đã xác định tham gia bảo hiểm, bạn xem nên đây là một khoản mục cần phải duy trì trong dài hạn. Ví dụ như có thể nhìn đây là một khoản để cho thời gian hưu trí, một quỹ khẩn cấp về mặt y tế hay là một quỹ giáo dục dành cho con trong tương lai…
Nếu tham gia các loại bảo hiểm chỉ thuần bảo vệ, khoản chi này chỉ nên chiếm khoảng 5% thu nhập. Đối với trường hợp tham gia các hợp đồng bảo hiểm kết hợp đầu tư, tổng phí (cả khoản đầu tư lẫn bảo vệ) theo khuyến nghị của chuyên gia là không vượt quá 20% thu nhập, nếu hơn mức này nó sẽ trở thành một gánh nặng. Tránh trường hợp nhìn thấy quyền lợi bảo hiểm quá cao hay những vì những lời mời mọc và quà tặng mà "vung tay quá trán". Khi tham gia bất chấp thu nhập, bạn sẽ khó có thể duy trì được hợp đồng lâu dài.
Một sản phẩm ký cam kết với công ty bảo hiểm 15 năm mà bạn chỉ tham gia 1-2 năm điều này chắc chắn sẽ không tốt. Điểm bất lợi đầu tiên là mất tiền. Vì nếu hủy hợp đồng trong 2 năm đầu tiên mức phạt có thể lên 100% phí của hợp đồng. Việc cân đối mức chi cho bảo hiểm với thu nhập còn mang ý nghĩa giúp bạn chọn ra một sản phẩm có mức bảo vệ có tương xứng với dòng thu nhập, sức khỏe và tính mạng của mình.
Bên cạnh đó, nếu có điều kiện, các chuyên gia khuyến nghị nên tham gia nhiều hơn các quyền lợi bảo hiểm. Ví dụ như bảo hiểm tử kỳ chỉ chi trả khi bạn không may qua đời hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn. Những trường hợp như bệnh hiểm nghèo hay bị thương tật 1 bộ phận, bảo hiểm tử kỳ không chi trả. Vì vậy, nếu có điều kiện, hãy tham gia đầy đủ các loại như là bảo hiểm, tử vong, tai nạn, hiểm nghèo.
Cũng cần phải lưu ý rằng có một số loại hình bảo hiểm bệnh hiểm nghèo chỉ giúp bảo vệ cho giai đoạn sau của bệnh. Trong khi đó, giai đoạn đầu việc quyết liệt điều trị là rất quan trọng, song các hợp đồng này lại không bảo vệ cho giai đoạn này. Chính vì thế, bạn phải rất cân nhắc về nhu cầu của bản thân cũng như sản phẩm mình dự định tham gia sẽ thế nào.
Thông thường bảo hiểm là một sản phẩm không phải nhiều người sẽ ý thức được nhu cầu phải có nó và không phải mọi người đều hiểu hết tất cả các điều khoảng bảo hiểm. Vì thế, bạn có thể cân nhắc lựa chọn một tư vấn viên hỗ trợ xây dựng trụ cột tài chính này.
Nhịp Sống Kinh Tế
Sự kiện: Sống trọn vẹn
Xem tất cả >>- Người mua bảo hiểm nhân thọ lưu ý: Đã có sản phẩm bảo hiểm chính có cần mua thêm các gói bổ trợ?
- Xử lý nghiêm ngân hàng 'ép' khách mua bảo hiểm
- Có ngăn được tiền gửi tiết kiệm thành bảo hiểm nhân thọ?
- VPBank tri ân khách hàng với gói bảo hiểm giao dịch trực tuyến
- Khách VIP bảo hiểm thì được hưởng những quyền lợi gì?