Đừng để thị trường 'bén lửa' từ… xăng
Chỉ còn mươi hôm nữa là hết quý I. Thời gian càng trở nên gấp gáp hơn, công việc bộn bề hơn khi người dân cả nước phải căng sức chống đại dịch COVID-19 bước sang năm thứ tư với mức độ lây lan chóng mặt.
- 20-03-2022Hà Nội cấm khai thác không gian ngầm, khu vực nội đô lịch sử
- 20-03-2022Bloomberg: Việt Nam có rủi ro chịu ảnh hưởng mạnh từ khủng hoảng năng lượng và 'bão' giá toàn cầu, chuyên gia đề xuất trợ cấp cho những người nghèo nhất
- 20-03-2022Đóng đủ 20 năm BHXH, đủ tuổi nghỉ hưu, người lao động có được rút BHXH 1 lần không?
Trong nước, Hà Nội lần đầu ghi nhận con số ca nhiễm hằng ngày vượt 30 nghìn ca; cả nước từ 150 đến 160 nghìn ca. Bên ngoài, cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine tác động rất lớn đến an ninh, kinh tế khu vực và thế giới. Những lời dậm dọa, những cái đầu bốc lửa, những toan tính của các cường quốc, các liên minh tay ba, tay tư, khiến các nhà phân tích thời cuộc không thể không lo lắng về nguy cơ của một cuộc Chiến tranh thế giới thứ ba.
Giá xăng dầu tăng, giá vàng nhảy múa, kéo theo giá tiêu dùng nhấp nhổm tăng theo (Ảnh minh hoạ).
Hậu quả nhỡn tiền có thể thấy là giá xăng dầu tăng, giá vàng nhảy múa, kéo theo giá tiêu dùng nhấp nhổm tăng theo. Lại đúng vào trung tuần tháng 3 nước ta hoàn toàn mở cửa du lịch. Mở cửa bầu trời, bây giờ là đến mở cửa mặt đất. Bây giờ là lúc cụm từ “bình thường mới” phải được thực hiện một cách riết dóng, vừa nghiêm túc tuân thủ các quy định phòng chống dịch, vừa khôi phục phát triển sản xuất. Không chỉ có du lịch mà ở tất cả các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giáo dục đều bắt tay vào một thời kỳ tăng tốc, bù lại quãng thời gian đã mất, với tinh thần chủ động, sáng tạo và an toàn.
Đơn cử như chủ trương cho học sinh đi học trực tiếp, ngồi ghế trong lớp chưa nóng chỗ, dịch bùng phát quá mạnh, lại phải quay về học trực tuyến. Từ các thầy cô đến các trò, các bậc phụ huynh xoay như chong chóng. Đơn cử như chủ trương cho F0 không triệu chứng, cho F1 đi làm đã được thực hiện ở nhiều doanh nghiệp. Đúng là chưa có tiền lệ, nhưng những giải pháp sống chung với dịch bệnh hôm nay sẽ là tiền lệ cho ngày mai.
Ở Hà Nội, phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm được mở lại bắt đầu từ tối 18/3. Các nhà hàng ăn uống không phải giới hạn phục vụ đến 21 giờ nữa. Nghĩa là trở lại như cũ nhưng với tinh thần mới, trong tâm thế mới, không một phút chủ quan, xao lãng với dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường.
Cái mới trong cái bình thường được các nhà lãnh đạo diễn đạt dễ hiểu: không được quá hoảng hốt mà bỏ lỡ thời cơ thúc đẩy sản xuất, nhưng cũng không vì kinh tế mà tàn phá môi trường, mà không bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân. Như vậy đáp số của bài toán đã có. Vấn đề là tìm cách giải cho đúng, cho nhanh, cho sáng tạo, phát huy được trí tuệ tập thể và tinh thần dám nghĩ dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, kể cả dám từ chức khi không còn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tháng 3 này chúng ta đã thấy tinh thần chỉ đạo quyết liệt ấy từ Trung ương đến địa phương, từ Chính phủ đến các cấp, các ngành. Trong buổi chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, các đại biểu Quốc hội đã nêu những vấn đề vừa có tính thời sự cấp bách, vừa cơ bản và lâu dài, như: Tiếp tục điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng; xử lý nghiêm sai phạm trong quá trình tổ chức đấu giá đất ở một số nơi có hiện tượng cò đấu giá, quân xanh - quân đỏ lộng hành, thông đồng, dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá.
Dẫn chứng vụ đấu giá đất vàng Thủ Thiêm, kết quả trúng đấu giá bốn lô đất đã tác động đến mặt bằng giá đất, nhà ở, thị trường bất động sản khu vực. Sau khi có thông tin kết quả trúng đấu giá bốn lô đất, giá rao bán đất nền, nhà ở khu vực Thủ Thiêm đã đồng loạt tăng chóng mặt, nhưng giao dịch thì hầu như không có… Qua đây thấy rằng, cần phải sửa đổi Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản, để không còn tình trạng như có người ví von: ở Việt Nam đất đai trở thành nguồn tư bản kếch xù, đẻ ra những tỷ phú qua đêm.
Chủ trương là thế, quyết tâm là thế nhưng xem ra khi thực hiện còn vướng đủ thứ rào cản, thủ tục rườm rà. Đến nay chúng ta đã chính thức mở cửa du lịch ở cả đường bộ, đường biển, đường sắt, đường không, tại tất cả các cửa khẩu. Miễn thị thực cho công dân của 13 quốc gia nhập cảnh Việt Nam không phân biệt hộ chiếu, mục đích nhập cảnh từ ngày 15/3. Đây là giải pháp tích cực nhằm phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ ngành du lịch, tạo đà thuận lợi cho lộ trình mở cửa du lịch quốc tế từ nay đến cuối năm. Thế nhưng, ngay trong ngày đầu mở cửa báo chí phản ánh nhiều khách du lịch nước ngoài khi vừa tới Việt Nam đã thất vọng quay về nước vì không đáp ứng một số yêu cầu của ngành y tế. Nhiều công ty du lịch, chủ khách sạn vẫn dài cổ chờ “văn bản cuối cùng”.
Điệp khúc tăng giá xăng phi mã, giảm nhỏ giọt lại tái diễn. Theo Bộ Công Thương, chúng ta được “hưởng” mức giá thấp hơn giá thế giới là nhờ ở Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Nhà điều hành đã trích từ 500 đến 1.500 đồng một lít xăng, dầu tuỳ loại. Thế nhưng đó là những giải pháp ở tầm vĩ mô, còn trong thực tế thì hiện tượng găm hàng, đóng cửa cửa hàng xăng dầu chờ tăng giá, sản xuất xăng dầu rởm, buôn lậu… trong dịp này đã khiến cho thị trường tăng nhiệt.
Giá xăng, dầu liên tục “leo thang” khiến các doanh nghiệp vận tải lao đao vì không có khách. Ngày 17/3, một số hãng tắc-xi đã đăng ký tăng giá cước từ 5-12%, lý do mà họ nêu ra “đơn giản như đan rổ”: thu nhỏ giọt, chi khổng lồ (!). Gánh nặng cuối cùng đè lên vai người tiêu dùng. Giá thực phẩm, giá xét nghiệm, giá thuốc chữa bệnh vừa “ăn theo” số ca lây nhiễm dịch COVID-19, vừa “ăn theo” giá xăng, tạo nên tâm lý bất an, thậm chí có cả những đồn đoán về thay đổi chính sách giá cả, tiền tệ.
Vì vậy, ở đây không chỉ là chuyện giá xăng mà lớn hơn là chuyện quản lý, chuyện an dân. Cần tiếp tục điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Khi xử lý cần có cách nhìn tổng thể, đồng bộ, đừng loay hoay với một vòng tròn nhỏ mà phá một quy hoạch lớn.
Kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cấp phép, điều hành cung ứng xăng dầu theo cơ chế thị trường, bảo đảm sản lượng sản xuất trong nước và nhập khẩu đáp ứng nhu cầu thực tế tiêu thụ. Tập trung kiểm tra giám sát, quản lý các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, cơ sở bán lẻ xăng dầu, để ngăn chặn tình trạng đục nước béo cò, “chưa đánh mõ đã băm thịt”.
Tháng 3, nhiều câu chuyện nóng. Nhưng đừng để thị trường “bén lửa” từ… xăng.
Nhà đầu tư