Dung hòa đời sống chung cư và tình yêu cây cỏ
Gia chủ luôn quan niệm nhà là để gắn bó cả đời nên quyết không làm qua loa trong bất kỳ khâu sửa lại nhà cũ.
- 24-10-2023Hồ Ngọc Hà đăng ảnh được "đắp vàng" sau khi dự lễ cưới Thanh Hằng, sắp sửa bùng nổ tại Hà Nội ở sự kiện khủng!
- 24-10-2023Gia thế chàng trai lớp 11 mang túi thiết kế lên Shark Tank: Em của BTV thời tiết Mai Ngọc, trụ sở DN đặt tại biệt thự Vinhomes
- 24-10-2023KTS “căng não” thiết kế dãy phòng trọ có lối thoát hiểm, thông gió trời: 4 tháng quay lại thấy kết quả bất ngờ!
Với nhiều người, nhà không chỉ để ở mà còn là không gian ấm áp và gắn kết các thành viên. Cũng vì thế, sau thời gian dài sinh sống, họ sẵn sàng đầu tư “mạnh tay" cải tạo lại nhà cửa, nhằm mang đến tổ ấm bình yên và đầy đủ tiện nghi.
Đó cũng là trường hợp của vợ chồng anh Doãn Trang (50 tuổi) vừa sửa lại thành công căn nhà nằm ở quận 7, TP.HCM với tổng chi phí 1,4 tỷ đồng. Nhớ lại quá trình cải tạo nhà, gia chủ cho hay: “Quan trọng là khi quyết định sửa nhà, mình cố gắng làm một lần chỉn chu để sau ít nhất 20 năm, nhà vẫn còn nguyên giá trị. Chứ đừng làm theo lối suy nghĩ sửa xong vài năm, gia chủ không thích có thể làm lại. Bởi khi đó, chúng ta không chỉ hao tốn tiền bạc và công sức, mà nhà còn luôn trong tình trạng manh mún và tạm bợ".
Được biết, hiện trạng ban đầu của nhà anh Doãn Trang gồm 3 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 phòng bếp và 3 toilet. Căn nhà 142m2 có diện tích tương đối rộng rãi cho gia đình 4 người, song tồn tại hạn chế về không gian sống.
Đầu tiên, chúng có nhiều tường ngăn cách giữa các phòng, khiến không gian sống dễ bị bí và hạn chế sự tương tác giữa thành viên.
Anh Doãn Trang chia sẻ: “Nhà cũ có nhiều phòng, được ngăn cách dày đặc bởi những bức tường. Khi về nhà, ai ở phòng nấy nên bố mẹ, cũng như con cái không có dịp nhìn thấy mặt nhau, không biết ai đang làm gì ở đâu. Cuối tuần, đại gia đình mình muốn sum họp nhưng thiếu không gian sinh hoạt chung rộng rãi. Đa phần là mỗi người ngồi một góc hoặc tụ tập thành từng nhóm nhỏ 2-3 người".
Mặt khác, dù vợ chồng là người yêu thiên nhiên, nhưng gia đình anh Doãn Trang không thể tìm thấy không gian phù hợp trong nhà để trồng cây xanh.
“Ban công nhà mình chật, không thích hợp trồng cây. Còn trong nhà, mình có rất ít vị trí đặt được chậu cây, chủ yếu là góc tường. Tuy nhiên, nếu trồng cây ở đó thì cây đơn độc, dễ chết", anh Doãn Trang lý giải.
Tìm hiểu kỹ điểm yếu của căn nhà, sau đó vợ chồng anh Doãn Trang và đội ngũ kiến trúc sư mới bắt tay vào cải tạo. Gia chủ luôn tâm niệm: Tiêu chí khi sửa không gian sống là thành viên đều có góc riêng tư, song tất cả đều có thể thuận lợi kết nối.
Cũng vì thế, anh đã đập 90% vách ngăn giữa các phòng, cải tạo nhà theo hướng mở để tạo nên những khoảng không gian rộng. Một mặt, căn hộ 3 phòng ngủ được cải tạo thành 2 phòng ngủ. Mặt khác, anh nới rộng diện tích phòng sinh hoạt chung để biến khu vực này trở thành nơi thư giãn và trò chuyện lý tưởng giữa cha mẹ, con cái.
Để tạo nên một không gian dung dị nhưng tinh tế, gia chủ ưu tiên lựa chọn nội thất có tông màu ấm áp và không cầu kỳ họa tiết. Một vài nét chấm phá uốn lượn từ các món đồ và chi tiết trong nhà giúp tạo cảm giác mềm mại, thú vị và nhẹ nhàng hơn cho tổng thể không gian.
Bên cạnh đó, điểm nhấn lớn nhất trong căn nhà là đi đến đâu cũng thấy màu xanh mát từ cây cỏ. Trong nhà anh Doãn Trang, chậu cây được trồng thành nhóm, rải rác từ ban công đến vào sâu trong nhà, giúp làm mờ đi ranh giới giữa con người và thiên nhiên.
Nói về những mảng màu xanh trong nhà, anh Doãn Trang cho hay gia đình đã nghiên cứu kỹ để lựa chọn giống cây phù hợp. “Mỗi hạt giống đều có đặc trưng khác nhau, nên mình cần tìm hiểu trước khi chọn cây trồng ở nhà. Có loại chỉ cần chút ánh sáng là sống tốt, nhưng cũng có loại cần ánh sáng mặt trời. Nhìn chung, gia chủ nên lựa chọn đa dạng các loại cây để tránh làm nhà ở bị tẻ nhạt”, anh chia sẻ.
Sau cùng, anh đưa ra những lời khuyên cho những ai đang có ý định cải tạo nhà là cần thống nhất quan điểm của tất cả thành viên. Bởi cốt lõi của việc sửa lại không gian sống là mang đến sự thoải mái cho gia đình.
“Nếu muốn cải tạo nhà, cơ bản mọi người nên ngồi lại cùng thảo luận để thống nhất sở thích chung. Cha mẹ phải tôn trọng ý kiến con cái vì những đứa trẻ cũng sống trong căn nhà này cho đến khi trưởng thành.
Ngoài ra, tốt hơn là có nhà thiết kế ngồi bàn bạc cùng gia đình. Họ sẽ lên mẫu thiết kế cụ thể, chẳng hạn phối cảnh 3D, có điều chỉnh cho đến khi tất cả cùng thống nhất ý tưởng nhà ở. Trong quá trình nói chuyện với đội ngũ thiết kế, mình luôn nghĩ nhà là công trình gắn bó cả đời, nên cần bỏ suy nghĩ làm tạm bợ, sửa cho có", anh Doãn Trang bày tỏ.
Phụ nữ số