MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng hoang phí

Trong năm 2016, tổng số xe công được sắm mới là 2.200 chiếc với tổng nguyên giá khoảng 2.000 tỉ đồng, trong đó hơn 1.100 xe có giá bình quân 1,2 tỉ đồng/chiếc. Con số trên thật kinh khủng trong tình hình ngân sách eo hẹp như hiện nay.

Xe công là câu chuyện dài và luôn gây nhức nhối mỗi khi đề cập. Nhức nhối bởi đây là số tài sản quá lớn được sắm từ tiền của người dân và càng ngày nó càng sinh sôi nảy nở. Không phải vô cớ mà người dân luôn thấy phản cảm khi nhìn cán bộ mới nhậm chức thì vội được sắm xe mới. Chiếc xe như là một bằng chứng xác định cho vị trí "đầy tớ của dân" mà người sử dụng muốn phô trương. Bệnh sắm xe công tiền tỉ của cán bộ đang diễn ra lồ lộ trước mắt bao người, bao cơ quan, kể cả Bộ Tài chính - nơi duyệt kinh phí sắm xe công.

Thật khó hiểu khi Bộ Tài chính cách đây không lâu đã báo động về tình trạng mua sắm, sử dụng xe công tràn lan gây lãng phí và các cơ quan của chính phủ đã bước đầu thực hiện khoán xe công để giảm gánh nặng cho ngân sách. Người dân hồ hởi ủng hộ chủ trương trên nhưng nay nhìn vào con số xe công được sắm ai cũng không khỏi chạnh lòng. Một chủ trương đúng đắn vừa được đưa ra nhưng đã sớm bị nhiều địa phương "quên" và không ít cán bộ xem việc giảm xe công như chẳng dính dáng đến mình. Nỗ lực giảm xe công có vẻ đã không mấy tác dụng đối với nhiều cán bộ.

Xe công chỉ là một câu chuyện hoang phí diễn ra ở nhiều lĩnh vực. Cách đây không lâu, Chính phủ đã bác các dự án xây quảng trường, cổng chào của nhiều tỉnh, thành vì lãng phí quá lớn. Chính phủ cũng kiên quyết chấn chỉnh các tỉnh lãng phí tiền bạc của người dân vào những công trình này. Thế nhưng chỉ qua một thời gian ngắn, chủ trương trên đã bị nhiều địa phương bỏ qua, nhiều công trình hoành tráng tốn cả đống tiền vẫn mọc lên. Ví dụ gần đây nhất là công trình cổng chào của tỉnh Quảng Ninh, được khánh thành vào cuối tháng 4-2017 với chi phí lên đến gần 200 tỉ đồng hoặc một số nơi vẫn đang chuẩn bị xây dựng trụ sở to lớn dù trụ sở hiện tại vẫn còn sử dụng rất tốt.

Tất nhiên, các cơ quan liên quan có đủ lý do giải thích cho việc chi tiền không chùn tay của mình. Nhưng dù lý do gì đi nữa vẫn rất đau xót trong mắt người dân. Trong tình trạng nợ quốc gia còn cao, đời sống người dân còn chật vật thì việc sắm sửa, chi bạo đầu tư như trên đã cho thấy việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được nhiều cán bộ quán triệt.

Năng lực của cán bộ, tầm vóc của quốc gia không phải được đánh giá qua những đội xe đắt tiền hay những tòa nhà hoành tráng mà chi phí xây nó bằng ngân sách cả năm của một tỉnh. Những giá trị trên được đo chính xác một góc rất nhỏ, đó chính là chén cơm của người dân. Cán bộ hãy nhìn vào đó mà làm việc để thấy trách nhiệm của mình đến đâu.

Tiền của người dân đóng góp vào ngân sách quốc gia thấm đẫm công sức cần lao. Nên xin đừng hoang phí và phải được đầu tư phục vụ lại cho người dân, kể cả đó là tiền để trả lương cho cán bộ.

Theo Phạm Hổ

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên