Đừng hỏi "Nghỉ việc hay nên làm tiếp?", hãy tự chất vấn bản thân "Có đang thực sự làm việc hay không?"
Bạn nhìn sang đám bạn bè xung quanh mình và bỗng thấy ghen tị với chúng nó. Đứa thì chả cần làm gì đã có chồng nuôi. Đứa thì làm quản lý ở công ty lớn ai cũng biết. Đứa thì việc làm lương cao mà vẫn được nghỉ cuối tuần đi chơi với người yêu. Và thế là bạn thấy thật ghét công việc hiện tại của mình.
Tôi gặp nhiều trường hợp, bạn của tôi cũng có mà các bạn tôi từng tư vấn giúp cũng nhiều. Đó là khi cần tìm việc, các bạn rất thích công việc mà các bạn đang ứng tuyển, các bạn tưởng tượng ra viễn cảnh đi làm sẽ vui như thế nào, công việc sẽ tuyệt vời ra sau. Thế nhưng chỉ sau khi làm khoảng 2-3 tháng, thậm chí mới sau 1 tuần, bạn bỗng nhiên cảm thấy chán.
Bạn ghét công việc đấy lắm và muốn nghỉ lắm rồi. Ơ nhưng nghỉ rồi thì lấy gì mà ăn? Nghỉ rồi nói với bố mẹ như nào? Nghỉ rồi ở nhà ăn bám cái bọn hay săm soi chúng nó lại nói ra nói vào, liệu mình có nên nghỉ không nhỉ?
Cứ thế bạn phân vân, hoang mang mãi. Ngày nào cũng rầu rĩ vì công việc nhưng chẳng dám nghỉ. Cũng chẳng dám than thở với ai.
Tôi cũng từng nghỉ nhiều công việc khác nhau để đổi việc mới. Có nơi tôi làm được 6 tháng, có nơi tôi làm được 3 tháng, có nơi thậm chí tôi làm được mỗi 2 tuần. Tôi viết bài viết này chia sẻ lại một số kinh nghiệm của mình để mỗi lần trước khi quyết định nghỉ tôi sẽ lôi ra để xem xét xem có nên nghỉ hay không.
1. MÌNH CÓ ĐANG HỌC ĐƯỢC GÌ MỚI KHÔNG?
Quan điểm của tôi là, một công việc tốt không phải là công việc chỉ đem lại cho bạn tiền. Công việc tốt là công việc mà mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng trôi qua ở công việc đó mình phải học được thêm một cái gì đó mới.
Đương nhiên sẽ có những thời điểm trong công việc mà bạn phải làm nhiều hơn học. Nhưng nếu cả năm cả tháng chỉ làm, làm, làm mà không học được gì thì bạn nên cân nhắc lại về việc có nên tiếp tục gắn bó với công việc đó hay không.
Bạn chẳng biết mình học được gì ở công việc ư? Hãy xem mình có tiến bộ hơn ở cách làm việc với tụi đồng nghiệp xấu tính không? Mình có học được ở anh sếp cách điều hành cuộc họp, cách động viên nhân viên không? Mình có học được các công việc admin nho nhỏ từ việc dùng máy photo như thế nào cho đến việc đóng dấu giáp lai như thế nào cho đúng không? Hãy xem lại xem mình học được gì rồi nhé.
Ngoài ra nếu bạn đã thực sự muốn tiến bộ thì đầy cách để học. Mỗi ngày bạn có thể dành ra 30 phút vào Kyna.vn, Udemy, Coursera hoặc TEDx học bất kì một video nào trong đó, không bổ ngang cũng bổ dọc.
Cuối cùng, bạn có thể bắt chước tôi. Tôi áp dụng chiêu trong sách mình đọc là "Đừng bao giờ đi ăn một mình". Trừ khi ăn ở nhà còn nếu cứ ăn ngoài là tôi sẽ hẹn một ai đó đi ăn để nói chuyện, liên quan đến công việc càng tốt. Nếu ăn trưa thì ăn cùng một đồng nghiệp bất kỳ, chắc chắn bạn sẽ học thêm được gì đó hay hay đấy.
2. CÔNG VIỆC BÂY GIỜ CÓ CÒN ĐƯỢC NHƯ KÌ VỌNG CỦA MÌNH KHÔNG?
Bạn có nhớ những ngày đầu tiên khi bạn mới đọc thông tin về công việc hay được bạn bè giới thiệu về công việc, bạn thấy phấn khích, tò mò, mong muốn được làm như thế nào không? Bây giờ bạn có còn hứng thú với công việc này như xưa? Hay đã hứng thú với một vị trí khác rồi? Mục tiêu công việc 1, 3, 5 năm nữa của bạn là gì, có thay đổi gì mới chưa?
Ví dụ khi mới vào công ty thì bạn nghĩ rằng mình sẽ thích công việc gặp gỡ khách hàng, tìm kiếm đối tác hợp đồng các kiểu. Nhưng dần dần sau một thời gian làm việc bạn thấy mình hợp với việc ngồi trước máy tính, viết ra các kế hoạch và tính toán chi phí hơn.
Chẳng sao cả. Thậm chí tôi còn thấy rất vui là bạn đã nhận ra mình hợp với cái gì và không hợp với cái gì. Nếu trong công việc bạn đã nhìn ra được cái mình thích và không thích, và nếu cái không thích lại chính là phần việc bạn đang làm mỗi ngày, thì đây là lúc có lẽ bạn nên cân nhắc việc chuyển việc rồi.
3. LÀM VIỆC BAO LÂU THÌ NÊN NGHỈ?
Các bạn sinh viên bây giờ dưới áp lực của xã hội và bạn bè nên sợ thất nghiệp. Vì sợ thất nghiệp nên khi thấy có cơ hội là chúng ta thường nhận việc thật nhanh, mà không cân nhắc xem thật sự nó có hợp với mình hay không.
Cá nhân tôi khuyên là, nếu các bạn đã chắc chắn nhận một công việc nào đó, hãy gắn bó với nó ít nhất 6 tháng. Không chỉ bởi vì 6 tháng thì khi ghi vào CV nhìn ổn hơn và 6 tháng mới đủ để bạn kết luận thật sự là công việc đó đúng là không hợp với mình thật, chứ không phải là sở thích nhất thời.
Một vòng đời công việc thường như này: 1-2 tháng đầu bạn dành cho việc training, làm quen với công việc mới, đồng nghiệp mới. 3-4 tháng sau bạn đã bắt đầu quen công việc và làm mọi thứ rất trơn tru. 5-6 tháng là lúc mọi thứ bắt đầu vào guồng, và vì bạn quá quen với công việc rồi nên bạn thấy chán. Nếu sau 6 tháng bạn vẫn chán, thì có thể cân nhắc việc nghỉ hay không. Vì nếu bạn chán sau 1 tháng, thì chắc gì bạn đã không chán khi nhận công việc mới?
4. BẠN CÓ ĐANG THỰC SỰ ‘LÀM VIỆC’?
Hừm, thử nhớ lại xem lần gần nhất bản thân mình tạo ra một cái gì đó khiến bạn bạn tự hào và yêu quý công việc của mình hơn đi. Một tháng trước? Một năm trước? Hay chưa bao giờ.
Nếu bạn thấy mình đang cố gắng đi làm mỗi ngày cho đủ việc, làm hết mọi thứ sếp giao cho, hết việc thì về nhà rồi chờ đến ngày mai. Bạn chẳng có ý tưởng gì mới, kể cả có thì sếp cũng chẳng quan tâm lắm, thế thì đây là lúc bạn nên tìm kiếm một thử thách mới rồi đấy.
Trí thức trẻ