MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Đừng khoá cửa các con lại và nghĩ con mình an toàn” - Lời nhắn gửi của các bác sĩ, nhà báo trước dịch Covid-19

03-03-2020 - 20:59 PM | Sống

Thay vì coi trường học là ổ dịch, hãy hiểu rõ rằng con mình sẽ được bảo vệ khi chúng ta chung tay xây dựng một môi trường an toàn.

“Đừng khoá cửa các con lại và nghĩ con mình an toàn” - Lời nhắn gửi của các bác sĩ, nhà báo trước dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Hiện nay, việc một số trường đại học, cao đẳng đã bắt đầu cho học sinh quay trở lại trường học đang gây ra không ít những lo lắng và tranh cãi trong cộng đồng. Thông qua MXH Lotus, BS. Đỗ Duy Cường - GĐ Trung tâm bệnh nhiệt đới BV Bạch Mai, Chánh văn Hoàng Anh Tú và TS. BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1 TP. HCM đã có những chia sẻ dưới góc nhìn của các chuyên gia về vấn đề này, nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả.

“Đừng khoá cửa các con lại và nghĩ con mình an toàn” - Lời nhắn gửi của các bác sĩ, nhà báo trước dịch Covid-19 - Ảnh 3.

BS. Đỗ Duy Cường: "Cho học sinh nghỉ học chống dịch virus corona là một quyết định khó khăn, áp lực rất lớn của người quản lý"

Mở đầu bài viết này, chúng ta cần nhìn nhận lại sức ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động lên toàn cầu so với những dịch bệnh khác đã từng xảy ra trước đây như: H1N1, H5N1…

"Lấy ví dụ từ dịch cúm H1N1 vào năm 2006, khi ai ai cũng lo lắng toàn cầu sẽ xảy ra một đại dịch cúm với tốc độ lây lan nhanh chóng từ người sang người và tỷ lệ tử vong cao như H5N1 – dịch cúm gia cầm với hàng triệu người chết, toàn bộ những thông tin này được đưa ra và ngay cả WHO cũng thông báo ở mức cấp báo động như bây giờ. Điều này đã khiến cả thế giới hoang mang. Chính phủ các nước vì vậy đã mua rất nhiều vắc-xin cúm hay Tamiflu để dự trữ, phục vụ công tác phòng và chữa bệnh, nhưng cuối cùng dịch cúm năm đó thực chất lại không hề nguy hiểm như nhiều người vẫn nghĩ. Cũng vì lẽ đó, những nơi đưa ra phát ngôn báo động nâng cao quá sớm trong dịch bệnh lần đó cuối cùng đã phải nhận không ít sự chỉ trích.

Có thể vì vậy nên khi phát hiện dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, chúng ta đã phải thận trọng hơn trong mọi phát ngôn trước truyền thông. Nhưng thực chất lại bùng ra một cách khó kiểm soát khiến người dân hoang mang.

Song, dù nói thế nào thì biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan giữa các nước còn tùy thuộc vào mỗi quốc gia.

“Đừng khoá cửa các con lại và nghĩ con mình an toàn” - Lời nhắn gửi của các bác sĩ, nhà báo trước dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Nếu không thực hiện, chắc chắn sẽ bị nói là chủ quan. Bởi những áp lực và sức ép từ cộng đồng là rất lớn. Nhưng nếu cho học sinh nghỉ học, chúng ta cần phải có những phương án cụ thể như tạo điều kiện học online ra sao, kế hoạch thay thế như thế nào? Vì nếu sau khoảng thời gian 2 tuần nghỉ học để ngăn ngừa dịch nhưng dịch vẫn chưa hết thì sao? Và ngay cả chính những bậc phụ huynh vì lo cho con cái nên rất ủng hộ với quyết định này, nhưng họ sẽ phải sắp xếp như thế nào trong khi vẫn phải đi làm hằng ngày?

Đây chính là mặt trái khiến Chính phủ và Bộ Giáo dục phải dè dặt và thận trọng trong việc đưa ra quyết định cho học sinh nghỉ học nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus mới 2019-nCoV gây ra."

Chánh văn Hoàng Anh Tú: "Đứng trên góc độ là một nhà báo, tôi thấy việc cho học sinh nghỉ học tiếp là không cần thiết."

Xét trên phương diện là một nhà báo, Chánh văn Hoàng Anh Tú nhận thấy việc cho học sinh nghỉ học tiếp là không cần thiết lắm vì dựa trên những nguồn thông tin tôi có được, Covid-19 không đáng sợ nữa khi Việt Nam chúng ta đã làm rất tốt trong công tác phòng chống, cách ly.

"Tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự khẩn trương, tỉ mỉ, kỹ lưỡng này. Chúng ta đang không hề chủ quan dù đã ngăn chặn và giải quyết được hết những ca mắc nhiễm.

Tuy nhiên, nếu đứng từ góc độ một phụ huynh thì việc cho con đi học trong thời điểm này cũng ít nhiều khiến Chánh văn Hoàng Anh Tú bị ngập ngừng. Điều này xuất phát bởi lòng yêu con. Nhất là khi con số nhiễm bệnh trên khắp thế giới đang liên tục gia tăng như hiện nay và phủ rộng trên nhiều quốc gia, bất chấp khoảng cách địa lý hay điều kiện thời tiết."

 

"Người Việt dễ mắc phải những điều mang tính hình thức. Chúng ta chỉ nhìn con số, nghe qua tai và nghĩ bằng bụng. Thậm chí tâm lý đám đông lại thành tiêu chuẩn"

Đồng quan điểm với điều này, BS. Đỗ Duy Cường cũng chia sẻ: "Nếu đến trường học, các con được ngồi trong lớp có thầy cô giám sát, dạy dỗ, nhà trường được phun thuốc diệt khuẩn, có đội ngũ y tế đầy đủ cùng các số điện thoại đường dây nóng… giúp xây dựng một môi trường an toàn cho học sinh.

Quay trở lại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp, giả sử ở Việt Nam có hàng nghìn người mắc bệnh với lượng bao phủ rộng khắp toàn quốc, BS Đỗ Duy Cường cho rằng, lúc ấy mới là thời điểm chúng ta bắt buộc nên khuyên trẻ em ở trong nhà thay vì với tình hình hiện tại, nhiều mẹ phản đối chuyện cho con đi học để phòng chống dịch bệnh nhưng lại "vô tình" đánh đổi nguy cơ lây nhiễm của con mình sang các điểm du lịch, siêu thị hay sân chơi công viên,…

“Đừng khoá cửa các con lại và nghĩ con mình an toàn” - Lời nhắn gửi của các bác sĩ, nhà báo trước dịch Covid-19 - Ảnh 5.

Cho trẻ tới những địa điểm giải trí để vui chơi là biện pháp tốt để giải quyết tình hình hiện tại khi trẻ không tới lớp, nhưng lại chứa đựng nhiều mối nguy hiểm khó kiểm soát. (Ảnh: Dân Trí)

Tại sao lại nói như vậy? Bởi khi trẻ nghỉ học, không đến trường, các bé lại được người nhà (hoặc chính bố, mẹ) dẫn tới những địa điểm giải trí để vui chơi. Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu trong vấn đề chăm sóc và nuôi dạy con cái, nhưng lại đặt ra một dấu hỏi lớn đối với tình hình bệnh dịch hiện tại. Chưa kể, đối với các trường hợp bố mẹ vẫn phải đi làm, thì sẽ sắp xếp việc trông con thế nào để đảm bảo chắc chắn được độ an toàn tuyệt đối cho con chính là điều mà tất cả chúng ta cần phải cân nhắc, vì tránh được rủi ro này sẽ có rủi ro khác cận kề, khả năng chứa đựng nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn còn cao hơn.

Mặt khác, việc giữ trẻ ở trong nhà hoàn toàn là không nên. Nhưng nếu để các bố mẹ tự tìm cách xoay sở, trông giữ trẻ liên tục 24 giờ/ngày trong nhiều ngày liên tiếp nếu không cho đi ra ngoài thì lại là vấn đề đáng phải suy nghĩ."

BS. Trương Hữu Khanh: "Dù đi học hay ở nhà vẫn phải công bằng với trẻ và phải phòng ngừa cho chúng bất cứ lúc nào."

Bác sĩ Khanh nói thêm, về vấn đề an toàn cho trẻ, đến giờ người ta vẫn chưa thể khẳng định thời điểm hết tháng 3 có an toàn hay không. Đến thời điểm này TP.HCM chưa phải là vùng dịch. Nếu đưa ra quyết định cho trẻ nghỉ hết tháng 3 cũng có thể gây quan ngại, quyết định không hợp lý.

Bác sĩ Khanh cho biết qua các công văn của nhà quản lý về việc cho trẻ nghỉ học đều chưa đưa ra lý do thuyết phục và chưa thấy đặt ra công bằng với trẻ nhỏ.

"Tình hình dịch bệnh hiện nay cũng không có nhiều vấn đề còn người dân nghi ngờ vì sao lại chưa cho đi học thì tôi không thể giải thích được. Thực tế sự hoảng loạn sẽ ghê gớm hơn ảnh hưởng của virus Corona." – bác sĩ Khanh nói.

“Đừng khoá cửa các con lại và nghĩ con mình an toàn” - Lời nhắn gửi của các bác sĩ, nhà báo trước dịch Covid-19 - Ảnh 6.

Ngoài khuyến cáo đeo khẩu trang, lau chùi tẩy trùng, bố mẹ cần cho trẻ đi ngủ sớm, tăng cường vận động thể dục thể thao nhưng hạn chế tụ tập nơi đông người.

Chúng ta cần phải bình tĩnh. Thay vì sợ lung tung, hãy biết sợ đúng chỗ

Theo BS. Đỗ Duy Cường và BS Trương Hữu Khanh, tính đến thời điểm hiện tại, sau các nghiên cứu và tình hình thực tiễn có thể thấy Covid-19 chưa tấn công trẻ em nhiều, thậm chí là cả SARS hay MERS Cov. Điều này chứng minh ở số liệu thống kê các ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp ở trẻ em thấp hơn người lớn rất nhiều. Còn trên thực tế, nếu so với dịch sởi, đối với trẻ không tiêm phòng, hầu hết đều có nguy cơ mắc bệnh.

Theo một báo cáo đăng trên tạp chí JAMA của Hiệp hội Y khoa Mỹ ngày 5/2 được báo New York Times dẫn lại: "Tuổi trung bình của bệnh nhân là từ 49-56. Số trường hợp trẻ em nhiễm bệnh tương đối ít".

"Do đó, tôi đặc biệt nhấn mạnh việc chúng ta phải rút ra bài học và chuẩn bị cho mình những kế hoạch cùng phương án thật tốt, bởi vì may mắn là dịch bệnh xuất hiện ở Việt Nam sau Trung Quốc tới vài tuần lễ", BS. Đỗ Duy Cường nói.

“Đừng khoá cửa các con lại và nghĩ con mình an toàn” - Lời nhắn gửi của các bác sĩ, nhà báo trước dịch Covid-19 - Ảnh 7.

Những vấn đề do dịch bệnh Covid-19 gây ra và những tác động ảnh hưởng của nó tới toàn cầu có lẽ sẽ còn là điều gây ra nhiều mối bận tâm không chỉ với các bậc phụ huynh hay học sinh. Tuy nhiên, mỗi chúng ta cần phân định và hiểu rõ về đường truyền của dịch để thay vì sợ lung tung, hãy biết sợ đúng chỗ.

"Tôi mong các bậc phụ huynh đừng lo sợ thái quá nhưng cũng đừng chủ quan. Thay vì kỳ thị trường học, coi trường học là ổ dịch thì hiểu rõ hơn rằng con mình sẽ được an toàn khi chính chúng ta phải chung tay xây dựng một môi trường quanh chúng ta an toàn. Là trách nhiệm của mỗi người với cộng đồng chung chứ không chỉ trong ngôi nhà của mình. Đừng khoá cửa các con lại và ném khoá đi rồi nghĩ con mình an toàn. Và cuối cùng, hãy tỉnh táo và bình tĩnh.", chánh văn Hoàng Anh Tú chia sẻ.

Xem thêm thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại ĐÂY.

“Đừng khoá cửa các con lại và nghĩ con mình an toàn” - Lời nhắn gửi của các bác sĩ, nhà báo trước dịch Covid-19 - Ảnh 9.

Theo Team Lá Chắn

Trí thức trẻ

Trở lên trên