MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng lầm tưởng Việt Nam đang hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, những con số này chỉ ra một diễn biến khác!

TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI cho rằng đã có nhiều suy đoán không đúng về sự chuyển dịch của dòng vốn Trung Quốc sang Việt Nam. "Số liệu của các nhà đầu tư Nhật Bản không cho thấy Việt Nam là điểm thu hút. Khi vốn giảm ở Trung Quốc thì tăng ở các thị trường khác nhưng không có Việt Nam. Đến lúc tăng ở Trung Quốc, các thị trường khác giảm thì ở Việt Nam lại giảm sâu hơn".

Nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam không được hưởng lợi

Bà Nguyễn Thị Thu Trang nhận định 1 năm sau căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam không được hưởng lợi. Bà nhấn mạnh không cần phải đợi đến dài hạn những nền kinh tế mới gặp bất lợi như nhiều dự đoán trước đó mà thực tế đang cho thấy những ảnh hưởng tiêu cực đã xảy ra.

Thứ nhất là về việc xuất khẩu đi Mỹ. Theo bà Trang, Mỹ là thị trường mà Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất trong 6 tháng đầu năm.

"Bình thường tăng xuất khẩu là tin đáng mừng, nhưng điều không vui là chúng ta nằm trong nhóm 10 đối tác có thâm hụt thương mại với Mỹ. Đây không phải tin mới vì nhiều năm nay hiện tượng này đã xảy ra. Tuy nhiên, nhìn vào tăng trưởng nhập khẩu vào Mỹ của 9 nước còn lại đều giảm so với năm 2018, duy nhất Việt Nam tăng", bà nói.

Đừng lầm tưởng Việt Nam đang hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, những con số này chỉ ra một diễn biến khác! - Ảnh 1.

Bà Trang cho biết điều đáng lo là trong số 10 đối tác có thâm hụt thương mại, Mỹ đã sử dụng biện pháp trừng phạt hoặc những biện pháp đối phó có phạm vi tác động lớn hơn nhiều so với những biện pháp kiểu chống bán phá giá, chống trợ cấp. "Duy nhất có Việt Nam và Malaysia chưa dính đòn. Tuy nhiên, trong khi Malaysia đã giảm tốc tăng trưởng nhập khẩu thì điều ngược lại diễn ra với chúng ta. Đấy là nguy cơ", bà lưu ý.

Thứ hai là câu chuyện với Trung Quốc. Bà Trang cho biết trong nửa đầu năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn tăng, nhưng mức tăng rất thấp, chỉ 0,3%. Nếu so sánh với mốc 21,8% cùng kỳ năm ngoái, đấy là sự giảm tốc rất lớn. Sự giảm tốc diễn ở ở các mặt hàng mà Việt Nam vốn có thế mạnh và Trung Quốc là thị trường lớn như nông sản, thuỷ sản.

"Trung Quốc đang có chính sách thắt chặt các điều kiện về xuất nhập khẩu, nhưng liệu chúng ta có biết được lý do đằng sau những điều này không? Vì các quy định này vốn được áp dụng nhiều năm nay. Liệu nó có liên quan đến việc nước này bị hạn chế hàng xuất khẩu sang Mỹ nên phải tìm cách khắc phục?".

Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam lại có dấu hiệu tăng, đặc biệt ở những mặt hàng mà nước này xuất khẩu mạnh qua Mỹ. Tiêu biểu như máy tính, điện tử, linh kiện. Bà Trang nói rằng các mặt hàng này Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc tăng gần 70%, và mặt hàng này từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng 89%.

Bên cạnh đó, một thực tế khác là hầu hết các thị trường xuất khẩu của Việt Nam, trừ Canada và Mehico, đều giảm tốc một nửa so với cùng kỳ năm 2018.

Cứu cánh từ Hiệp định CPTPP và các FTA

Xuất khẩu giảm tốc được viện dẫn là do tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm. Tuy nhiên, bà Trang cũng không loại trừ việc hàng hoá Trung Quốc bị tồn dư do không xuất khẩu được sang Mỹ nên "chảy" đi các thị trường khác. Điều này khiến hàng Việt Nam khó cạnh tranh hơn.

"Trung Quốc hiện cũng đang tận dụng nội nhu – tăng nhu cầu sử dụng nội địa – khiến nhập khẩu vào thị trường này khó khăn hơn", bà Trang nói và cho biết Việt Nam cần tận dụng các hiệp định thương mại đã có với nước này.

Vị chuyên gia cũng làm rõ một số suy đoán không đúng về sự dịch chuyển luồng vốn trong chiến tranh thuơng mại.

"Nhiều suy đoán cho rằng dòng đầu tư nước ngoài sẽ rút khỏi Trung Quốc vì chiến tranh thương mại. Đúng là họ có rút thật nhưng họ đang quay trở lại với chiến lược sản xuất ở Trung Quốc cho thị trường Trung Quốc. Những doanh nghiệp rút đi là những đơn vị xuất khẩu sang Mỹ", bà nói.

"Suy đoán vốn từ Trung Quốc chuyển đi các nước mà Việt Nam là một điểm thu hút cũng có điểm khác. Số liệu của các nhà đầu tư Nhật không cho thấy điều đấy. Vốn giảm ở Trung Quốc, tăng ở thị trường khác nhưng không phải ở Việt Nam. Đến lúc tăng ở Trung Quốc, giảm ở thị trường khác thì Việt Nam giảm sâu hơn".

Với hiện trạng đó, bà Trang cho rằng CPTPP và các FTA có thể là một giải pháp. CPTPP với tiêu chuẩn cao về thể chế, đòi hỏi cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư sẽ là lý do khiến doanh nghiệp ngoại chọn lựa Việt Nam thay vì buộc phải đến để né tránh thương chiến. CPTPP hay các hiệp định tự do mà Việt Nam đã ký kết cũng tạo ra cơ hội lớn về tăng GDP, xuất khẩu tại nền kinh tế 96 triệu dân…

"Tôi nhìn nhận những hiệp định này như một trong những cứu cánh quan trọng cho Việt Nam trong việc giải quyết các khó khăn về đầu tư", bà Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên