Dừng tái xuất lúa mì nhiễm cỏ, ngành thực phẩm thở phào
Các doanh nghiệp sẽ có thêm thời gian để thích ứng khi chưa phải tái xuất các lô lúa mì nhiễm cỏ kế đồng từ ngày 1-11 như thông báo trước đó.
- 17-10-2018Lô hàng lúa mì giá tới 500 tỉ đồng có nguy cơ bị tái xuất vì văn bản trái thẩm quyền
- 11-10-20181,6 triệu tấn lúa mì nhập khẩu vào Việt Nam nhiễm cỏ kế đồng nguy hiểm
- 09-10-2018Doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì "ngồi trên lửa"
Thông tin trên được ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công bố tại cuộc họp giữa cục với Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM (FFA) và các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu lúa mì sáng 17-10 tại TP Hà Nội, xung quanh các khó khăn của DN trong việc nhập khẩu lúa mì thời gian qua.
Lo trở tay không kịp
Trước đó, các Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng thuộc Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản cho biết từ ngày 1-11 sẽ áp dụng biện pháp tái xuất các lô lúa mì nhiễm cỏ kế đồng. Đây là loại cỏ thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật nhóm 1 - nhóm sinh vật gây hại có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với thực vật và sản phẩm thực vật, chưa có trên lãnh thổ Việt Nam. Từ tháng 5 đến nay, Việt Nam đã phát hiện 1,6 triệu tấn lúa mì nhiễm cỏ kế đồng trong tổng số hơn 4 triệu tấn lúa mì nhập khẩu từ Mỹ, Canada, Nga.
Mới có thông tin phải tái xuất lúa mì nhiễm cỏ kế đồng, giá bột mì đã rục rịch tăng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tuy nhiên, theo các DN, việc ban hành văn bản với thời hạn áp dụng quá gấp (ban hành ngày 5-9), áp dụng từ ngày 1-11, khiến DN không kịp tìm nguồn hàng thay thế. Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch FFA, trước thông tin tái xuất lúa mì nhiễm cỏ kế đồng, giá bột mì trên thị trường đã rục rịch tăng làm ảnh hưởng đến nhiều ngành hàng có sử dụng lúa mì làm nguyên liệu như bột mì, bánh mì, bánh kẹo… TS Trần Duy Khanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo doanh nhân APEC - cho rằng trước khó khăn của DN, cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp tháo gỡ để vừa bảo đảm mục tiêu ngăn chặn cỏ dại và bảo đảm vấn đề kinh tế - xã hội.
Tại cuộc họp, các DN đề xuất nên cho phép tỉ lệ lẫn cỏ kế đồng thay vì quy định cấm tuyệt đối như hiện nay. Thời gian qua, những lô lúa mì lẫn cỏ kế đồng đã được giám sát tốt, không để phát tán ra bên ngoài nên có thể duy trì tiếp tục mà không phải tái xuất để tránh thiệt hại cho DN và sản xuất.
Ông Vương Gia Tuệ, Giám đốc Công ty Bột mì Thiết Lập (Vĩnh Long), cho hay đối tác bán hàng đồng ý xử lý cỏ trong lô hàng trước khi xuất khẩu với giá 5-10 USD/tấn nhưng tỉ lệ lẫn cỏ vẫn còn khoảng 0,5%, không đối tác nào dám bán hàng với điều kiện tỉ lệ cỏ kế đồng là 0%.
Chỉ tạm dừng
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Trung, trong kiểm dịch thực vật, chỉ cần xuất hiện 1 cá thể (1 hạt cỏ kế đồng) là đã kết luận lô hàng bị nhiễm và áp dụng biện pháp xử lý, không cho phép tỉ lệ %. Ngoài ra, số liệu thống kê cũng cho thấy không phải lô lúa mì nào cũng bị nhiễm cỏ kế đồng, số lượng các lô đạt yêu cầu nhiều hơn.
Ông Hoàng Trung nói việc tổ chức giám sát lô lúa mì nhiễm cỏ kế đồng thời gian qua có tính chất "tình thế" để hỗ trợ DN. Cục Bảo vệ thực vật phải huy động rất nhiều nhân lực để giám sát lô hàng từ cầu cảng đến bốc dỡ, chuyển về kho, xay xát chế biến xong tại nhà máy. Có những lô hàng 60.000-70.000 tấn của nhiều chủ hàng, chia về hơn 40 điểm, cơ quan bảo vệ thực vật phải đến từng điểm để giám sát, rất vất vả.
Kết thúc cuộc họp, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thông báo sẽ tạm dừng áp dụng biện pháp tái xuất lô lúa mì nhiễm cỏ kế đồng từ ngày 1-11 nhưng đây chỉ là "giải pháp tình huống", chưa biết sẽ tạm dừng trong bao lâu. "Sắp tới, cục sẽ đàm phán với các nước xuất khẩu lúa mì có vi phạm là Mỹ, Nga, Canada về vấn đề này để tìm hướng giải quyết. Các DN phải chuẩn bị tuân thủ quy định, chúng tôi sẽ thông báo cho DN 1 tháng trước khi có quy định mới" - ông Hoàng Trung kết luận.
Người lao động