MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng vội đọc kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh nếu chưa biết 5 điều này

24-06-2016 - 08:00 AM | Tài chính quốc tế

Bộ máy điều hành, phí thành viên, dân nhập cư, an ninh quốc phòng là 5 vấn đề cơ bản và quan trọng nhất mà người dân Anh cân nhắc trước khi bỏ phiếu. Trưa ngày 24/6 theo giờ Việt Nam, số phận nước Anh sẽ được định đoạt

1. Bộ máy điều hành

Bộ máy điều hành của Liên minh châu Âu bị đánh giá là quan liêu, hoạt động trên cơ chế tự do phi dân chủ.

Tuy nhiên nền dân chủ có thể được định nghĩa bằng nhiều cách khác nhau. EU trông có vẻ ít dân chủ hơn so với nhiều quốc gia nhưng dù sao thì EU cũng không phải là một quốc gia và do đó so sánh như vậy là không công bằng. Hơn nữa, EU còn hơn đặc biệt hơn cả một tổ chức quốc tế do đó khó có thể so sánh bộ máy điều hành của EU với một chính phủ như Sảnh đường trắng (Whitehall) - trung tâm quyền lực của Anh.

2. Phí thành viên

Chi phí thành viên của Anh tại EU đang quá cao. Nếu Anh rời EU, Anh có thể sẽ thịnh vượng hơn và có nhiều đàm phán mới với các nước bên ngoài EU.

Tuy nhiên, 350 triệu bảng/tuần không phải là con số chính xác mà Anh phải nộp. Chi phí ròng sau khi trừ chiết khấu và tiền EU chi tiêu tại Anh cho nông nghiệp, các vùng nghèo đói và nghiên cứu thì chỉ còn lại 140 triệu bảng/tuần. Hơn nữa, đổi lại Anh được tham gia vào thị trường chung hiện đang tiêu thụ 44% sản lượng hàng hoá xuất khẩu của Anh. Nhiều nhà kinh tế đều cho rằng lựa chọn ở lại là quyết định đúng đắn cho người dân.

Kể từ khi Anh gia nhập EU năm 1973, GDP/đầu người của Anh đã tăng hơn gấp đôi. Nguyên nhân tăng có thể không đến toàn bộ từ quyền lợi là thành viên của EU nhưng cũng khó để khẳng định hoàn toàn EU cản trở nền kinh tế Anh.

Nhiều tổ chức quốc tế trong đó có IMF, OECD, Ngân hàng Anh, Kho bạc, Hội hiệp thương Anh, Viện nghiên cứu tài khoá và nhiều nhà kinh tế khác đều cho rằng rời EU có thể sẽ dẫn đến những tổn thất kinh tế trong ngắn hạn và một sự suy thoái trong dài hạn.

Một khi Anh rời EU, việc nối lại đàm phán thương mại với EU chắc chắn sẽ trở nên khó khăn. Bởi khi đó, Anh ngồi vào bàn đàm phán với một vị thế yếu hơn cả về kinh tế lẫn chính trị. Bên cạnh đó, quá trình đàm phán thương mại với phần còn lại của thế giới sẽ mất nhiều thời gian vì xu thế thương mại toàn cầu hiện nay hướng đến vòng đàm phán lớn giữa các khối hơn là giữa các quốc gia.

3. Dân nhập cư

Hiện tại dưới quy định di chuyển lao động tự do của EU, Anh bị hạn chế khả năng kiểm soát lượng dân nhập cư (cũng như các nước khác gặp khó khăn trong việc hạn chế lượng dân di cư từ Anh). Có khoảng 3 triệu dân di cư EU đang sống ở Anh. Dịch vụ công đang bị quá tải.

Tuy nhiên hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng tác động chung của dân nhập cư tại Anh là tích cực. OECD cho biết kể từ năm 2005, dân nhập cư đóng góp một nửa tốc độ tăng trưởng GDP của Anh. Số liệu gần đây cho thấy dân nhập cư trả thuế còn nhiều hơn cả chi phí phúc lợi mà họ được hưởng.

4. Anh ninh quốc phòng

Anh bị nguy hiểm khi là thành viên của EU. 75 triệu công nhân Thổ Nhĩ Kỳ đang di chuyển đến EU và EU cũng đang thành lập một liên minh quân sự.

Tuy nhiên hiện tại thì Anh không nằm trong khối Schengen (hộ chiếu cho phép một người nếu đã nhập cảnh vào một trong số các nước trong khối có thể di chuyển tự do giữa các nước thành viên). Do đó Anh vẫn có thể kiểm soát được biên giới. Bên cạnh đó, liên minh quân sự châu Âu sẽ yêu cầu các nước thành viên phải có chính sách quốc phòng chung nhưng điều đó cũng giúp chính phủ các nước châu Âu gắn bó khăng khít, có thể hỗ trợ tốt trong trường hợp an ninh quốc phòng bị ảnh hưởng.

5. Hệ thống luật pháp và chủ quyền

Anh đang phải chấp nhận một số lượng lớn những quy định đắt đỏ và không cần thiết. Rất nhiều điều luật của Anh được đưa ra bởi Brussels chứ không phải chính phủ Anh. Rời EU sẽ giúp Anh lấy lại quyền kiểm soát hệ thống luật lệ và chủ quyền.

Tuy nhiên OECD cho biết, thực tế nước Anh đang bị kiểm soát ít nhất tại thị trường lao động và thị trường hàng hoá châu Âu. Bên cạnh đó chỉ có 13% văn bản hướng dẫn luật EU và đạo luật của Nghị viện Anh được đưa ra bởi Brussel.

Về vấn đề chủ quyền. Có thể thấy rời khỏi EU để giành được chủ quyền là một sự đánh đổi đắt đỏ. Trong xu thế toàn cầu hoá như hiện nay, sự di chuyển tự do của tư bản, quyền lực và tầm ảnh hưởng của các tập đoàn đa quốc gia cho thấy các nước khó để duy trì một chính sách kinh tế, tài chính khác biệt hoàn toàn với phần còn lại của thế giới.

Lịch trình kết quả của cuộc trưng cầu dân ý (tính theo giờ Việt Nam).

9:30 sáng ngày 24/6

Báo cáo Lancaster thu thập từ các điểm bỏ phiếu địa phương được tung ra. Bức tranh toàn cảnh về cuộc trưng cầu dân ý sẽ được sáng tỏ.

10:00 - 11:00 sáng ngày 24/6

Lần lượt các điểm bỏ phiếu tại London như toà Hamlets, Hackney và Kensington, Bristol và Harborough sẽ công bố kết quả bỏ phiếu.

(Dự kiến) 12:00 trưa ngày 24/6

Sau khi các kết quả được tổng hợp lại. Jenny Watson - giám đốc ban kiểm phiếu sẽ công bố kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Toà nhà thị chính Manchester. Giây phút ấy, số phận của nước Anh sẽ được định đoạt.

Anh Sa

FT

Trở lên trên