Được bố mẹ mua nhà cho thì còn cố gắng kiếm tiền làm gì?
Một số người trẻ hiện nay được bố mẹ hỗ trợ mua nhà cho từ rất sớm.
- 21-04-2023Vợ chồng cầm 300 triệu đồng, bán hết vàng cưới để mua nhà: Lưu ý quan trọng về môi giới để tránh "tiền mất tật mang"
- 18-04-2023Lương 7 triệu chỉ đủ ăn, không dám nghĩ đến chuyện mua nhà, sắm xe
- 18-04-2023Nên chọn mua nhà ngoại ô hay nhà trong trung tâm thành phố?
Hiện nay, nhiều người cho rằng người trẻ đã được tiếp nhận nền giáo dục tốt hơn, có thu nhập cao hơn, do vậy nên tự lực mua những tài sản lớn như nhà hay xe. Một số người cũng cho rằng việc để bố mẹ mua nhà cho là đang không độc lập tài chính. Bên cạnh đó, cũng có người đưa ra ý kiến rằng việc được mua nhà cho khiến người trẻ không còn động lực trong cuộc sống.
Tự mua nhà gần như là không thể
Dương Lê (sinh năm 1991, nhân viên văn phòng) được bố mẹ mua nhà cho vào năm 2021, đây là căn nhà 43m2, giá 1 tỉ 550 triệu đồng. Dương Lê không đồng ý với ý kiến rằng người trẻ đang ngày càng không độc lập khi nhận hỗ trợ từ bố mẹ trong câu chuyện nhà cửa. Cô bạn cho rằng: "Không phải là không muốn độc lập mà trong thời thế bây giờ, việc mua nhà với những người làm văn phòng như mình gần như không thể". Trên thực tế, với mức lương trung bình khoảng 10-15 triệu/tháng rất khó để có thể mua một căn hộ ở Hà Nội mà không cần đến sự trợ giúp từ bố mẹ hay vay ngân hàng.
"Bạn bè của mình cũng biết bố mẹ hỗ trợ mua nhà cho nhưng cũng không có định kiến gì, vì cùng đều chung hoàn cảnh làm công ăn lương, nên họ hiểu được. Người có định kiến duy nhất đôi lúc lại là chính mình. Đó là đôi khi mình bị tiêu cực, suy nghĩ rằng bản thân kém cỏi. Tuy nhiên, đây cũng là động lực để mình nỗ lực hơn".
Cô bạn cũng chia sẻ rằng việc có nhà đã khiến bản thân yên tâm, chuyên tâm hơn cho công việc, tránh xa những mối lo phải tìm nhà rồi chuyển đi bất ngờ ập đến nếu chủ nhà bán nhà hoặc không cho thuê nữa. Khi cảm thấy an tâm và cũng an toàn hơn về mặt tài chính, Dương Lê nhận thấy bản thân tập trung nhiều hơn trong công việc, dễ dàng phát triển sự nghiệp, thu nhập cao hơn trước kia.
Dương Lê
Cũng giống như Dương Lê, Hoàng Yến (Hà Nội) đã được bố mẹ hỗ trợ 100% trong việc mua nhà. "Độc lập tài chính là việc luôn có dòng tiền chảy vào tài khoản ở cả hiện tại và tương lai, tức là luôn kiếm ra tiền. Bố mẹ mua nhà cho, mình có một tài sản lớn và vững tâm hơn nhưng không có nghĩa là không độc lập tài chính. Mình vẫn hướng tới sự độc lập bằng cách có thể tự kiếm tiền, chi tiêu và giúp đỡ mọi người bằng số tiền của mình".
Hoàng Yến
An Khanh (sinh năm 2000, nhân viên văn phòng) được gia đình mua nhà cho từ khi lên Hà Nội học đại học. "Căn hộ 55m2 mua vào năm 2018, lúc đó khoảng 1,5 tỷ đồng. Thật ra, mình cũng không quá để ý đến chuyện này vì khi đó còn nhỏ, chỉ biết là sắp học đại học và đã có nhà".
Cho đến tận bây giờ, khi đã có nhà và không phải đi thuê nhà quá nhiều An Khanh cảm thấy rất biết ơn. Bởi vì khi có nhà riêng, cô bạn cảm thấy rất an tâm và tập trung học hành, không phải trải qua thời gian thuê nhà khó khăn như bạn bè đồng trang lứa.
Có nhà rồi thì nỗ lực kiếm tiền làm gì?
Với một số người, cột mốc tài chính mua nhà, sắm xe là động lực để làm việc và học hành. Do vậy, liệu việc được bố mẹ mua nhà cho, người trẻ có còn muốn cố gắng?
Trong câu chuyện này, Hoàng Yến chia sẻ rằng bản thân luôn có động lực kiếm tiền cho nhiều mục tiêu khác, không riêng gì việc mua nhà. Vì nếu không kiếm tiền thì cũng không thể nuôi bản thân và thậm chí "nuôi" chi phí nhà như điện nước, phí quản lý, phí gửi xe, phí sinh hoạt...
Ngoài ra, cô bạn cũng muốn kinh doanh và mua nhà trong tương lai. "Mình vẫn muốn mua thêm nhà để cho thuê, giúp có nguồn tiền thụ động. Ngoài ra 5, 10 năm nữa mình thích có quỹ cộng đồng, đóng góp cho những tổ chức, dự án xã hội đang cần trợ giúp. Mình vẫn muốn tăng thu nhập để cho mình một phần, cho bên ngoài nữa. Mấy cái to tát xây nhà cửa là lý tưởng, còn hàng tháng tăng thu nhập, nhiều mục đích lắm chẳng hạn đưa bố mẹ đi ăn ngon, đi du lịch. Nói chung, mình không bao giờ thiếu động lực mục tiêu, ví dụ năm nay mình muốn góp tiền bố mẹ sửa nhà".
Còn đối với Dương Lê, dù được bố mẹ giúp đỡ trên khía cạnh tài chính, cô bạn vẫn cố gắng hết sức làm việc để sau này có thể phụng dưỡng lại bố mẹ, nên vẫn có động lực rất lớn. "Mục tiêu tài chính của mình là mở được một cửa hàng. Và mình vẫn đang cố gắng làm việc, dành dụm từ những khoản làm việc tự do hay bớt đi chơi hơn để tiết kiệm".
Một góc căn nhà của Dương Lê
Bên cạnh đó, An Khanh cho rằng có lẽ vì ngay từ đầu đã không lo đến chuyện nhà cửa nên chưa bao giờ xem đó là mục tiêu trong cuộc sống. "Mình chưa bao giờ nghĩ đến việc mua nhà, một phần là vì mình chưa bao giờ đi thuê để biết không có nhà thì sẽ gặp những rắc rối gì. Mặt khác, tất nhiên mình luôn có mục tiêu trong cuộc sống, mình muốn đi du lịch nhiều hơn, có tài chính ổn định để có thể nghỉ hưu sớm mà không phải lo lắng nhiều về tiền bạc. Hơn thế nữa, lấy ví dụ là bố mẹ, kể cả khi đã có nhà, họ vẫn nỗ lực nhiều hơn nữa. Do vậy, mình không nghĩ rằng việc mua nhà lại là mục tiêu sống mặc định của mọi người".
Phụ nữ Việt Nam