MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Được quảng cáo "làm từ hoa quả thật", vô hại: Chuyên gia dinh dưỡng kêu gọi ngừng lừa dối về loại đồ ăn này

26-09-2020 - 18:10 PM | Sống

Các chuyên gia lo ngại rằng nhiều sản phẩm cha mẹ mua cho con cái vì nghĩ chúng vô hại. Nhưng thực tế chúng lại góp phần gây tăng cân và sâu răng không kém bánh kẹo.


Đường trong hoa quả sấy nhiều hơn cả đường trong bánh rán, kẹo dẻo

Tổ chức phi chính phủ Action on Sugar (thành lập bởi các chuyên gia Anh quan tâm tới tác động của đường đối với sức khoẻ) đã xem xét 56 loại sản phẩm có thành phần trái cây được ép, bổ sung hương vị, bọc các loại vị hay chế biến sẵn được bày bán trong các cửa hàng tại Anh.

Kết quả cho thấy 65% sản phẩm có khoảng 2 thìa cà phê đường hay tương tự như ăn 1 chiếc bánh rán doughnut bọc đường mua tại các tiệm trong Sainsbury, Tesco, hay Asda. Tất nhiên, có những loại bánh rán có lượng đường rất cao, tới 8,5g cho mỗi chiếc bánh như loại Tesco Pink Ring Doughnut.

Các phân tích của tổ chức Action on Sugar trên 12 loại quả khô ăn vặt bán chạy nhất tại Anh cho thấy các sản phẩm nhỏ, được thiết kế bắt mắt thực ra lại nhiều đường nhất. Ví như Gently Baked Strawberries (dâu tây nướng) của hãng Urban Fruits, có chứa 20g đường (tương đương 5 thìa đường) trong 1 gói nhỏ có trọng lượng 35g - tức là chiếm tới gần 2/3 trọng lượng thực phẩm. Thanh trái cây của hãng Tesco - gồm táo và nho, dâu và cuối, xoài và chuối - đều đứng đầu bảng về lượng đường, với ít nhất 4,5 thìa đường cho mỗi thanh.

Đáng chú ý, khi xét lượng đường trên mỗi 100g sản phẩm (cao hơn khẩu phần tiêu chuẩn), các phân tích của tổ chức phi chính phủ này cho thấy 57% sản phẩm có lượng đường tự do nhiều hơn cả đường tự do trong kẹo dẻo Haribo Starmix (47g/100g).

Sản phẩm Kiddylicious Apple Fruit Wriggles gây "sốc" với 70% trọng lượng là đường (70g đường/100g sản phẩm). Như vậy, chỉ cần ăn 1 gói 12g là đã nạp vào 8,3g đường.

Tương tự, Organix Blackcurrant & Apple Stars dán nhãn 'Organix' - liên tưởng với hữu cơ và vì vậy có nghĩa là lành mạnh - có tới 65g đường/ 100g sản phẩm. Và với đóng gói 12g cho mỗi gói nhỏ, từng khẩu phần này chứa 7,7g đường - tương đương với ăn 1 chiếc bánh rán doughnut phủ đường.

Các hãng sản xuất khẳng định họ làm đúng quy định

Phóng viên Dailymail đã liên hệ với các hãng sau khi kết quả nghiên cứu trên được công bố.

Theo đó, hãng Whitworths cho biết phần lớn tỉ lệ đường trong sản phẩm của họ là từ đường fructose trong nho khô. Những đường này là tự nhiên, có sẵn trong hoa quả và không được tính vào đường tự do thêm vào trong quá trình chế biến.

Còn Urban Fruit cho rằng: 'Urban Fruit là một nhãn hàng dành cho người trưởng thành, những người có phong cách sống năng động, bận rộn. Các sản phẩm của chúng tôi bày bán ở các kệ Trái cây sấy và đối tượng khách hàng chúng tôi hướng tới là 21-55 tuổi. Tất cả các sản phẩm trái cây đều được sấy theo tiêu chuẩn để đảm bảo độ ngon tự nhiên nhất".

"Sức khoẻ của khách hàng rất quan trọng đối với chúng tôi. Các thanh nho và táo của chúng tôi là hoàn toàn từ trái cây sấy, không thêm đường, chất bảo quản và chất phụ gia. Bao bì sản phẩm cũng ghi rõ lượng đường, như một cách hỗ trợ đơn giản để khách hàng hướng tới một lối sống khoẻ mạnh", đại diện của Tesco cho biết.

Còn Organix cho rằng: "Thanh Apple and Blackcurrant làm 100% từ trái cây hữu cơ, không phẩm màu hay hương vị. Với bất kỳ loại đồ ăn vặt chứa trái cây nào, lượng đường cũng thường cao hơn, đó là lý do vì sao chúng tôi đóng gói 12g, chứ không phải là để phù hợp với trẻ em. Và các thông tin ở mặt trước của sản phẩm thể hiện đây là 1 món ăn chứ không phải thực phẩm thay thế trái cây.

Đồ ăn vặt rất quan trọng với trẻ em tuổi tập đi và vì trẻ không thể nhận đủ dinh dưỡng từ 3 bữa ăn chính trong ngày. Chúng tôi cũng luôn khuyến nghị cha mẹ nên cho trẻ ăn ít nhất 2 bữa phụ là rau quả tươi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng biết rằng đôi khi những lựa chọn đó không phải lúc nào cũng thuận tiện và có sẵn, vì vậy chúng tôi đã cung cấp cho các bậc cha mẹ những thực phẩm và đồ ăn vặt tiện lợi với chất lượng vượt trội: hữu cơ, không phẩm màu, hương vị và được sấy chứ không phải chiên rán".

Chuyên gia kêu gọi chấm dứt những thông điệp "lừa dối" khách hàng

 Được quảng cáo làm từ hoa quả thật, vô hại: Chuyên gia dinh dưỡng kêu gọi ngừng lừa dối về loại đồ ăn này - Ảnh 1.

Theo tổ chức Action on Sugar, với hàm lượng đường tự do cao như vậy nhưng tất cả các sản phẩm này đều có những tuyên bố ám chỉ rằng chúng "lành mạnh".

Katharine Jenner, phụ trách chiến dịch Action on Sugar, ĐH Queen Mary London, cho biết: "Các nhà sản xuất đang che giấu sự thật qua những thông điệp lành mạnh như: "Làm từ trái cây thật", "Không thêm đường" vào các loại thanh trái cây chế biến sẵn, vốn cũng chẳng hơn gì các loại bánh kẹo và đồ uống ngọt".

Ví như Tesco Apple & Sultana Bars truyền thông rằng lượng đường trong mỗi gói sản phẩm chỉ chiếm 20% nhu cầu đường hằng ngày trong khi thực tế chúng có tới 18,4g đường, tương đương 5 thìa cà phê đường tự do cho mỗi thanh trái cây - gần đạt ngưỡng tối đa cho phép với trẻ 4-6 tuổi trong 1 ngày.

Mặc dù chiếm tới gần 1/4 khẩu phần (20g đường/90g sản phẩm) nhưng Dâu tây sấy dẻo (Gently Baked strawberries) của Urban Fruit vẫn được dán nhãn là có lợi cho sức khoẻ với những "khẩu hiệu" ấn tượng như: "Chỉ 101 calo cho mỗi gói", "1 trong 5 đồ ăn thiết yếu mỗi ngày" và "giàu chất xơ" ở mặt trước bao bì sản phẩm.

Tổ chức Action on Sugar lo ngại rằng rất nhiều người đã mua lầm những thức ăn vặt trái cây chế biến sẵn bởi họ tin rằng chúng ít đường nên ít "gây hại" hơn các loại bánh kẹo khác.

Sheena Bhageerutty, chuyên gia dinh dưỡng của Action on Sugar khẳng định: "Những sản phẩm này được đặt trên những kệ dành cho "trẻ nhỏ và trẻ em" trong các siêu thị, với bao bì hấp dẫn thu hút sự chú ý của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, thông tin dinh dưỡng lại bị ẩn giấu ở mặt sau bao bì sản phẩm khiến họ không thể rõ là chúng có thực sự là lựa chọn tốt cho con cái họ hay không. Nghiên cứu của chúng tôi thấy rằng với hàm lượng đường quá cao như vậy, những thanh trái cây này cần được đặt ở các quầy bánh kẹo".

TS Saul Konviser, tổ chức từ thiện Dental Wellness Trust, nhấn mạnh: "Cần phải cảnh báo các bậc phụ huynh. Những đồ ăn vặt trái cây "lành mạnh" này có khả năng kết dính và bám chặt vào răng, khiến răng trẻ em dễ bị sâu hơn, đặc biệt khi trẻ ít sử dụng chỉ nha khoa hay bàn chải".

Action on Sugar hiện đang đề nghị Chính phủ Anh thực hiện bắt buộc dán khuyến nghị về lượng đường tự do trên nhãn sản phẩm. Bởi như vậy, 91% các sản phẩm sẽ phải dán nhãn báo động đỏ về lượng chất béo, đường và muối trong các sản phẩm.

"Thông điệp chúng tôi gửi đến các nhà sản xuất thực phẩm rất đơn giản: Hãy ngừng lừa dối các bậc phụ huynh khiến họ nghĩ rằng sản phẩm của các bạn là tốt cho sức khoẻ", Phụ trách chiến dịch Action on Sugar nói.

Action on Sugar cũng đang kêu gọi quy định chấm sử dụng các từ ngữ gây hiểu lầm như "1 trong 5 món ăn mỗi ngày", "Đường tự nhiên" hay "làm từ hoa quả thật" thường được in nổi bật trên bao bì mặt trước của sản phẩm.

Đường trong trái cây sấy, nước ép vì sao lại có hại hơn đường trong hoa quả tươi?

 Được quảng cáo làm từ hoa quả thật, vô hại: Chuyên gia dinh dưỡng kêu gọi ngừng lừa dối về loại đồ ăn này - Ảnh 2.

Các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định: Đường trong trái cây tươi như chuối hay táo không ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ bởi hoa quả tươi rất giàu chất xơ, làm chậm khả năng hấp thu đường vào máu. Ngoài ra, chất xơ sẽ nở ra trong ruột, làm bạn có cảm giác no hơn, do đó ít nặp thêm năng lượng hơn.

Khi trái cây thành nước ép, lượng chất xơ cũng mất đi rất nhiều so với một miếng trái cây tươi nên cũng sẽ khiến lượng calo nạp vào cơ thể tăng lên bù khoảng trống chất xơ. Do đó, đường trong nước ép trái cây không hề là bữa phụ lành mạnh và cũng không hề tốt hơn bất kỳ loại đồ ngọt truyền thống nào, mặc dù trông nó thật "bắt mắt" và "lành mạnh" trong các bao bì đóng gói.

Tương tự, những sản phẩm hoa quả khô chế biến sẵn đã rút hết nước và lượng đường trong các sản phẩm này đã bị Cơ quan sức khoẻ cộng đồng Anh xếp vào nhóm "đường tự do".

Mặc dù cái tên là vậy nhưng không thể "tự do" nạp chúng thoải mái. Bởi đường tự do bao gồm monosaccharides - đường đơn và disaccharides - đường đôi. Trong đó đường đơn gồm glucose, fructose (đường trái cây) và galactose (đường trong đậu Hà Lan); còn đường đôi gồm saccarose (hay còn gọi là đường kính, đường phèn, đường thốt nốt)… và đường nghịch chuyển. Đây lều là những loại đường xấu bởi chúng ở dạng cô đặc hay tinh khiết chúng tiêu hoá rất nhanh và làm tăng đường huyết đột ngột. Đường trong máu thường xuyên cao sẽ dẫn tới đái tháo đường và các vấn đề tim mạch. Đường tự do cũng góp phần gây ra béo phì và sâu răng.

Và loại đường tự do này đang là thứ mà hầu hết người lớn và trẻ em ở Anh "nạp" vào cơ thể quá nhiều, trong các loại bánh xốp, bánh quy và các sản phẩm bánh kẹo khác. Chúng cũng có cả trong mật ong và các loại sinh tố.

Không gì tốt hơn rau trái tươi

 Được quảng cáo làm từ hoa quả thật, vô hại: Chuyên gia dinh dưỡng kêu gọi ngừng lừa dối về loại đồ ăn này - Ảnh 3.

Các thanh trái cây, hoa quả hay rau sấy sẽ không bao giờ cung cấp đủ dinh dưỡng cho dù chúng tốt đến đâu đi nữa bởi nếu dùng nhiều sẽ "nạp" quá nhiều đường nhưng nếu dùng ít thì quá nhỏ so với lượng rau trái cây tươi cần bổ sung và gần như không có khoáng chất và vitamin như rau trái tươi.

Khi xem bảng thành phần dinh dưỡng của các loại rau trái sấy, bạn sẽ thấy vitamin gần như bằng 0 trong khi rau trái cây tươi rất giàu vitamin A và C. Các loại bột rau có thể đáp ứng 20-30% nhu cầu vitamin này hằng ngày nhờ vitamin bổ sung nhưng chúng không thể thay thế rau trái cây tươi.

Đó là bởi các sản phẩm này sẽ không thể có các chất chống ôxy hoá, phytonutrients có trong rau quả tươi. Nhiều chất dinh dưỡng trong trái cây và rau củ hiệp đồng với nhau nuôi dưỡng cơ thể nhưng khi trải qua quá trình chế biến, các thành phần này sẽ không còn giữ được nguyên công dụng ban đầu.

Tất nhiên, đồ ăn nhẹ từ rau củ và trái cây sấy rất tiện lợi với trẻ em nhưng đừng bao giờ cho rằng chúng tương tự như trái cây và rau củ tươi. Không một loại đồ ăn vặt đã qua chế biến nào có thể thay thế đồ ăn tươi. Thêm nữa, rau trái tươi là cách tốt nhất để trẻ trải nghiệm hương vị, tạo thành thói quen ăn uống lành mạnh khi trưởng thành.

Bao nhiêu đường là quá nhiều?

Lượng đường nạp vào hằng ngày phụ thuộc vào độ tuổi.

Trẻ 4-6 tuổi chỉ nên ăn tối đa 19g/ngày.

7-10 tuổi không nên "nạp" vào nhiều hơn 24g, và trẻ từ 11 tuổi trở lên chỉ nên nạp tối đa 30g.

Còn Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) khuyến cáo người lớn không nên nạp vào cơ thể nhiều hơn 30g đường mỗi ngày.

Các loại đồ ăn vặt phổ biến luôn chứa một lượng đường đáng kinh ngạc. Ví như 1 lon cola hay 1 thanh năng lượng đều có 33-35g đường, nhiều hơn lượng đường tối da mà 1 đứa trẻ cần cho cả ngày.

Một bát ngũ cốc ăn sáng có 24g đường, tức là một đứa trẻ 10 tuổi ăn bữa sáng với ngũ cốc bán sẵn là đủ nhu cầu đường của cả ngày.

Trẻ nhỏ ăn quá nhiều đường sẽ tăng nguy cơ sâu răng, dễ thừa cân và béo phì cũng như mắc đái tháo đường typ 2, tăng nguy cơ bệnh tim và ung thư.


Nguồn: NHS

Theo Nhân Hà

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên