Được rót 1.400 tỷ, sân bay duy nhất ở 6 tỉnh biên giới Tây Bắc Việt Nam sắp đón được "đại bàng cỡ lớn"
Sau nhiều năm chỉ dùng máy bay nhỏ, sân bay duy nhất của 6 tỉnh biên giới Tây Bắc được rót hơn 1.400 tỷ đồng đã lột xác, chuẩn bị đón những "đại bàng cỡ lớn".
- 26-10-2023Thu hồi đất sân bay Long Thành kéo dài đến hết năm 2024, ảnh hưởng tiến độ ra sao?
- 25-10-2023Cục Hàng không Việt Nam dự kiến mở lại sân bay Điện Biên từ ngày 2/12
- 24-10-2023Sẽ xây dựng 10 sân bay bằng vốn tư nhân?
Sân bay miền núi hẻo lánh, từng chỉ đón những máy bay nhỏ
Cảng hàng không Điện Biên (Sân bay Điện Biên) nằm trên địa bàn phường Thanh Trường, TP Điện Biên Phủ vốn được khôi phục từ sân bay Mường Thanh do người Pháp xây dựng từ năm 1939, lúc đó nằm trong hệ thống sân bay miền núi hẻo lánh của vùng Tây Bắc Việt Nam.
Thủa sơ khai, sân bay có đường cất hạ cánh kích thước chỉ 1.200 x 25m mặt đất cấp phối sỏi sạn, chịu được tải trọng máy bay chiến đấu và vận tải nhẹ như Morane, Potez... Các công trình phụ trợ của sân bay thời gian đầu hầu như không có gì ngoài đường cất hạ cánh, 01 sân đỗ máy bay nhỏ và các mương thoát nước.
Năm 1984, đợt kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tuyến đường bay Hà Nội- Điện Biên được sử dụng máy bay AN24, AK40. Do các điều kiện kỹ thuật không cho phép, chỉ sau 10 tháng khai thác, đường bay đã bị cắt để sửa chữa đường cất hạ cánh. Sau khi sửa chữa, sân bay hoạt động trở lại và máy bay là loại ATR72.
Từ năm 1990 đến năm 2004, sân bay Điện Biên được đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng mới và sửa chữa các công trình như: Đường lăn, sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách, sân đỗ ô tô, các công trình quản lý bay, tháp chỉ huy...
Sân bay Điên Biên trước khi tạm dừng hoạt động để nâng cấp (Ảnh: Báo Chính phủ)
Cho đến năm 2021, sân bay Điện Biên vẫn có quy mô nhỏ với 1 đường băng dài 1.830m, rộng 30m, hệ thống trang thiết bị giản đơn, sân đỗ tàu bay có 3 vị trí đỗ, nhà ga hành khách có công suất 300.000 khách/năm.
Do hạn chế về tĩnh không hai đầu đường cất, hạ cánh, Cảng hàng không Điện Biên chỉ đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 và tương đương vào ban ngày (trong điều kiện thời tiết cho phép).
Trước đó, sân bay này chỉ khai thác được chặng bay Hà Nội - Điện Biên, đến năm 2021, Bamboo Airways khai thác thêm được chặng bay TPHCM - Điện Biên nhờ sử dụng dòng phản lực cỡ nhỏ Embraer 190.
Nhằm phát triển kinh tế Điện Biên nói riêng, kinh tế vùng Tây Bắc nói chung, ngày 27/3/2021 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên.
Cho đến hiện nay, Điện Biên là tỉnh duy nhất có sân bay trong 6 tỉnh biên giới Tây Bắc của nước ta.
Sau hơn 2 năm lột xác đón "đại bàng cỡ lớn"
Ngày 27/10, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản về việc mở lại đường bay đi, đến sân bay Điện Biên. Theo đó, triển khai Quyết định số 470/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mở rộng sân bay Điện Biên, thời gian qua, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là đơn vị chủ đầu tư, đã triển khai thực hiện các hạng mục công trình của dự án.
Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành và được Bộ Giao thông vận tải cho phép đưa vào hoạt động trở lại từ ngày 2/12 tới. Như vậy, sau nhiều năm sân bay vắng vẻ này sẽ lần đầu tiên đón nhiều hãng hàng không đến khai thác đường bay.
Phối cảnh Sân bay Điện Biên khi hoàn thiện (Ảnh: ACV)
Dự án mở rộng sân bay Điện Biên khởi công vào tháng 1/2022, chính thức đóng cửa sân bay để sửa chữa từ tháng 4. Công trình có tổng mức đầu tư 1.467,7 tỷ đồng, do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư. Chi phí giải phóng mặt bằng có tổng mức đầu tư 1.555 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh Điện Biên.
Dự án đầu tư xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 470/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 với nội dung đầu tư xây dựng mở rộng quy mô đường cất hạ cánh đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại máy bay hiện đại như A320, A321.
Phối cảnh Đài kiểm soát không lưu Điện Biên hơn 93 tỷ đồng (Ảnh: VATM)
Đồng thời, nhà ga hành khách của sân bay được thiết kế 2 tầng, nâng công suất từ 300.000 khách/năm lên 500.000 khách/năm.
Đường băng được kéo dài 2.400m, rộng 45m, lề vật liệu rộng mỗi bên 7,5m, dải hãm phanh 2 đầu đường băng dài 100m, rộng 60m, sân quay đầu máy bay ở 2 đầu đường băng. Bên cạnh đó cải tạo, xây dựng mới các công trình phụ trợ, khu hàng không dân dụng đảm bảo đồng bộ khai thác máy bay A320, A321 và tương đương.
Chia sẻ trên Dân trí sáng ngày 30/10, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) Nguyễn Bách Tùng cho biết hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet đã lên kế hoạch tung đội máy bay A320/321 của mình vào chặng bay này.
Cụ thể, Vietjet sẽ khai thác chặng bay TPHCM - Điện Biên từ ngày 2/12 với tần suất 3 chuyến mỗi tuần, thời gian bay dự kiến là 2 tiếng. Vietnam Airlines cũng khai thác chặng Hà Nội - Điện Biên với 7 chuyến mỗi tuần.
Ông Tùng cũng nhận định việc mở rộng đường băng và nâng cấp nhà ga hành khách tại sân bay Điện Biên Phủ sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt là lĩnh vực du lịch của tỉnh Điện Biên và khu vực Tây Bắc.
Tổ quốc