MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường cao tốc sẽ thiết kế hợp lý hơn

Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết kế đường cao tốc quy định phải có tối thiểu 2 làn xe/chiều, tốc độ xe chạy không thấp hơn 60 km/giờ...

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt mục tiêu lần lượt hoàn thành 3.000 và 5.000 km đường cao tốc vào các năm 2025 và 2030. Việc xây dựng các tuyến cao tốc gần đây đạt một số kết quả tích cực song theo ghi nhận của phóng viên, một số tuyến không có làn dừng khẩn cấp, tốc độ khai thác còn hạn chế, chỉ có 2 làn xe hoặc thiếu trạm dừng nghỉ...

Nguy cơ mất an toàn giao thông

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vừa qua, nhiều đại biểu đã chất vấn "tư lệnh" ngành giao thông vận tải (GTVT) liên quan những bất cập nêu trên. Cuối năm 2023, Bộ Công an cũng đề nghị Bộ GTVT khắc phục ngay những bất hợp lý về việc xây dựng và tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc khi cơ quan này phát hiện 7 đoạn, tuyến chưa bảo đảm tiêu chuẩn an toàn.

Đơn cử, tuyến Nội Bài - Lào Cai đoạn từ Km123 đến Km262+300 có 2 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp nhưng không có dải phân cách giữa, chỉ bố trí các đoạn vượt xe. Với lưu lượng trung bình 33.000 lượt phương tiện/ngày đêm, từ năm 2022 đến nay, trên đoạn cao tốc này đã xảy ra 50 vụ tai nạn giao thông, làm 18 người chết, 43 người bị thương và 101 phương tiện hư hỏng.

Đường cao tốc sẽ thiết kế hợp lý hơn - Ảnh 1.

Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết kế đường cao tốc quy định các tuyến cao tốc phải có tối thiểu 4 làn xe và bắt buộc thu phí tự động không dừng

Đoạn Cao Bồ - Mai Sơn - Quốc lộ 45 từ Km259+100 đến nút giao Quốc lộ 45 thuộc tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Cao Bồ - Mai Sơn có 4 làn xe chạy, có dải phân cách giữa nhưng không có làn dừng xe khẩn cấp mà cứ 4 - 5 km mới bố trí một làn dừng. Lưu lượng phương tiện trung bình trên đoạn này là 60.000 lượt/ngày đêm. Từ năm 2022 đến nay, trên đoạn cao tốc này đã xảy ra 40 vụ tai nạn giao thông, làm 3 người chết, 29 người bị thương, 95 phương tiện hư hỏng.

Đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (thuộc hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam) từ Km39+750 đến Km101+126 có 4 làn đường nhưng không có làn dừng khẩn cấp. Tại đây cũng xảy ra hàng chục vụ tai nạn giao thông từ năm 2022 đến nay, khiến 3 người chết và 7 người bị thương.

Ngoài ra, một số tuyến cao tốc sau thời gian khai thác, sử dụng đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nhưng việc khắc phục, sửa chữa chậm trễ. Chẳng hạn, tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, đoạn La Sơn - Cam Lộ thuộc hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam...

Trước thực trạng trên, Bộ Công an đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng lộ trình cụ thể nâng cấp, cải tạo các tuyến cao tốc chưa đạt tiêu chuẩn an toàn. Bên cạnh đó, xây dựng trung tâm quản lý, điều hành giao thông đối với các tuyến cao tốc đang khai thác.

Xây dựng quy chuẩn đường cao tốc 4 làn xe

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết bộ đã đề xuất 6 giải pháp để sớm đầu tư mở rộng, hoàn thiện các tuyến cao tốc đang khai thác theo quy mô phân kỳ. Trong đó, trình Quốc hội dự thảo Luật Đường bộ với cơ chế cho phép mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa đường cao tốc theo phương thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đang lấy ý kiến, hoàn thiện dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết kế đường cao tốc để ban hành trong quý I/2024. Quy định mới thay thế cho quy định hiện hành không yêu cầu số làn tối thiểu trong thiết kế ban đầu, mà chỉ quy định thiết kế đường cao tốc phù hợp nhu cầu từng thời kỳ.

Dự thảo cũng bổ sung quy định về thiết kế các điểm dừng xe dọc tuyến cao tốc ở những nơi có phong cảnh đẹp với quy mô khác nhau. Đồng thời, quy định bắt buộc thu phí tự động không dừng. Trường hợp thu phí kín, bố trí hệ thống thu phí tự động đa làn tự do không có barier tại điểm vào đường cao tốc và hệ thống thu phí đơn làn có barier hoặc đa làn tự do ở đầu ra.

Đối với phân kỳ đầu tư đường cao tốc, dự thảo quy định tuyến cao tốc có cấp quy hoạch cao hơn sẽ được làm ở mức tối thiểu. Ví dụ, tuyến cao tốc được quy hoạch 4 làn xe thì dứt khoát không phân kỳ; còn quy hoạch 6 - 8 làn xe thì có thể phân kỳ đầu tư theo 4 làn, mỗi bên 2 làn và có làn dừng đỗ khẩn cấp.

PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, cho rằng một tuyến cao tốc đúng chuẩn phải có dải phân cách giữa, không được giao cắt đồng mức, có làn dừng khẩn cấp, có công trình hạ tầng dịch vụ đi theo như trạm dừng nghỉ. Tuy nhiên, thời gian qua, do điều kiện tài chính khó khăn nên áp dụng phân kỳ đầu tư, dẫn đến một số tuyến cao tốc không hội tụ đủ những tiêu chuẩn này.

"Khi những tiêu chuẩn này được nâng thành quy chuẩn thiết kế thì tất cả dự án đường cao tốc phải đáp ứng, tuân thủ đầy đủ" - ông nhấn mạnh.

Theo PGS-TS Trần Chủng, cần quy định làn dừng khẩn cấp liên tục là cấu tạo bắt buộc của đường cao tốc nhằm bảo đảm khai thác, vận hành an toàn. Ngoài ra, các tiêu chí như thu phí không dừng, hệ thống giao thông thông minh... cũng phải là yếu tố bắt buộc, qua đó dữ liệu từ trạm kiểm soát xe quá tải sẽ được kết nối với CSGT để xử phạt.

Ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam - Bộ GTVT, cho biết cả nước hiện có gần 1.900 km đường cao tốc song quy mô không đồng đều về số làn xe chạy. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đang nghiên cứu xây dựng quy chuẩn đường cao tốc 4 làn xe.

"Dù còn nhiều khó khăn về kinh phí nhưng các tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình đã được phê duyệt 4 làn xe đầy đủ. Bộ GTVT đang rà soát nâng cấp các tuyến cao tốc 2 làn xe hiện tại" - ông Lê Kim Thành thông tin. 

Bỏ thiết kế 60 km/giờ

Dự thảo quy định 3 cấp tốc độ xe chạy, gồm 80 km/giờ, 100 km/giờ và 120 km/giờ. Ngoài ra, cấp trên 120 km/giờ là cấp đặc biệt, được thiết kế riêng. Đáng chú ý, cấp tối thiểu 80 km/giờ chỉ áp dụng với vùng núi, đồi cao, nơi có địa hình khó khăn hoặc trong trường hợp phân kỳ đầu tư.

Trên một tuyến đường cao tốc có thể có những đoạn áp dụng cấp khác nhau, kể cả trường hợp có đoạn xét đến phân kỳ đầu tư, song phải bảo đảm tính đồng nhất theo chiều dài từng đoạn. Đối với những vị trí đặc biệt khó khăn, có thể giảm tốc độ thiết kế để giảm kinh phí đầu tư nhưng không thấp hơn 60 km/giờ trong mọi trường hợp.

Nêu góc nhìn khác, TS Đào Huy Hoàng, Viện Khoa học Công nghệ GTVT, cho hay nhiều nước đang sử dụng tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc với phạm vi tốc độ 120 km/giờ trở xuống, chỉ những tuyến đặc biệt mới có đoạn cho phép chạy trên 120 km/giờ. Do đó, nếu đặt vấn đề thiết kế đường cao tốc cho phép ô tô chạy trên 120 km/giờ thì phải đi kèm những điều kiện đặc biệt, chẳng hạn chỉ cho phép những loại xe chất lượng tốt lưu thông.

Theo Văn Duẩn

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên