MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường dây 14 doanh nghiệp 'ma' mua bán hóa đơn hơn 2.000 tỷ đồng: Siết chặt để xử lý hành vi này ra sao?

Đường dây 14 doanh nghiệp 'ma' mua bán hóa đơn hơn 2.000 tỷ đồng: Siết chặt để xử lý hành vi này ra sao?

Một bộ phận doanh nghiệp vẫn tiếp tục lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách để sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn nhằm mua bán hóa đơn trái phép thu lợi bất chính. Thậm chí, có những đường dây gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng tiền thuế cho Nhà nước.

Thời vừa gian qua, ngành Thuế đã tập trung cải cách thủ tục hành chính thuế, Luật Quản lý thuế quy định người nộp thuế tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, doanh nghiệp có quyền phát hành hóa đơn để sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Tuy nhiên, gần đây một bộ phận doanh nghiệp vẫn tiếp tục lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách để sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn nhằm mua bán hóa đơn trái phép thu lợi bất chính.

Đơn cử như mới đây, Công an Thành phố Thanh Hóa đã khởi tố 27 người trong vụ án T421 - đường dây mua bán hóa đơn thuế GTGT lớn nhất từ trước nay trên địa bàn. Cụ thể, cơ quan này phát hiện 14 doanh nghiệp 'ma' - không có hoạt động kinh doanh thực tế, núp bóng để mua bán hóa đơn, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng tiền thuế cho Nhà nước.

Từ thời điểm tháng 8/2020 đến khi bị bóc gỡ, các doanh nghiệp này đã phát hành và bán 15 nghìn số hóa đơn cho khoảng 1 nghìn doanh nghiệp trong tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh, thành khác trên địa bàn cả nước như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… với tổng số tiền giao dịch hơn 2.000 tỷ đồng.

Đường dây 14 doanh nghiệp ma mua bán hóa đơn hơn 2.000 tỷ đồng: Siết chặt để xử lý hành vi này ra sao? - Ảnh 1.

Trước tình hình trên, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 2838/TCT-KTNB về việc chấn chỉnh, kiểm tra, rà soát, có biện pháp phòng ngừa xử lý đối với người nộp thuế có rủi ro về hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện và tăng cường triển khai một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế thực hiện đúng quy định của pháp luật trong chấp hành Luật Quản lý thuế, chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng hóa đơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Đẩy mạnh tuyên truyền việc nhận diện hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và chế tài xử lý đối với từng hành vi để người nộp thuế biết và tránh tham gia vào các giao dịch mua bán hóa đơn; phối hợp với các đơn vị truyền thông công khai thông tin doanh nghiệp có hành vi mua bán hóa đơn để nêu gương góp phần "cảnh tỉnh" các đối tượng đã và đang có ý định vi phạm pháp luật về hóa đơn.

Thứ hai, chỉ đạo tất cả các Phòng Thanh tra, kiểm tra, các Chi cục Thuế quận/huyện rà soát, giám sát chặt chẽ, kịp thời đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về hành vi in, phát hành, mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp như:

- Thu thập thông tin dữ liệu về tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp (gọi chung là người nộp thuế) do Cục Thuế, Chi cục Thuế đang quản lý và thông tin về người nộp thuế từ các cơ quan khác như: Thông tin giao dịch đáng ngờ từ cơ quan giám sát Ngân hàng; Thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước khác (Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Cơ quan khác…); Đơn thư tố cáo; Phương tiện thông tin truyền thông…

- Tổ chức nhận dạng doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp; nắm bắt hành vi, cách thức của người nộp thuế sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp theo hướng dẫn tại Công văn số 2928/TCT-TTKT ngày 22/7/2020 của Tổng cục Thuế về việc thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT.

- Nhận biết các dấu hiệu về hành vi và cách thức của người nộp thuế mua bán, sử dụng hóa đơn như: doanh nghiệp có phát hành hóa đơn số lượng lớn nhưng tạm ngưng kinh doanh hoặc những doanh nghiệp đã có thông báo bỏ địa chỉ kinh doanh nhưng xin hoạt động trở lại, có doanh thu biến động lớn, sử dụng nhiều hóa đơn nhưng không phát sinh số thuế phải nộp hoặc số thuế phải nộp không tương xứng với doanh thu; những doanh nghiệp báo cáo sử dụng hóa đơn có số lượng hóa đơn sử dụng bằng không (0) hoặc lượng hóa đơn sử dụng lớn bất thường.

- Lập danh sách người nộp thuế có rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp (người nộp thuế có rủi ro về hóa đơn); Rà soát, phân tích dữ liệu đã thu thập về người nộp thuế để nhận diện, xác định danh sách người nộp thuế có rủi ro về hóa đơn. Phân tích rủi ro để xác định người nộp thuế có rủi ro cao về hóa đơn. Tổ chức giám sát chặt chẽ đối với người nộp thuế có rủi ro cao về hóa đơn.

Thứ ba, các bộ phận chức năng của cơ quan Thuế thực hiện việc xác minh tình trạng hoạt động của người nộp thuế tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế mình quản lý theo quy định. Phối hợp chặt chẽ với nhau để cập nhật kịp thời, đầy đủ các thông tin về người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký để thông báo công khai thông tin về doanh nghiệp đã phát hành hóa đơn nhưng bỏ trốn hoặc tạm ngừng hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp sử dụng không hợp pháp hóa đơn trên trang Web của ngành Thuế và các phương tiện thông tin đại chúng để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật Thuế, hành vi mua bán trái phép hóa đơn. Rà soát, đánh giá những doanh nghiệp có rủi ro cao về hóa đơn để thực hiện thanh tra, kiểm tra đúng đối tượng, có trọng tâm.

Thứ tư, thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 3928/TCT-TTKT ngày 18/9/2020 của Tổng cục Thuế về việc cơ quan Thuế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan, thường xuyên quan tâm chỉ đạo cơ quan thuế, bộ phận chức năng phối hợp với cơ quan Công an theo Quy chế số 1527/QCPH-TCT-TCCS ngày 31/10/2007 giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Cảnh sát.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chủ động phối hợp với cơ quan Cảnh sát điều tra hoặc chuyển hồ sơ xử lý theo quy định đối với người nộp thuế có hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn, để ngăn chặn kịp thời và có biện pháp phòng ngừa, tránh gây hậu quả, thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Thái Quỳnh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên