Đường dây bán những cô gái Việt sang Trung Quốc làm vợ lên báo nước ngoài
Hàng ngàn phụ nữ và trẻ em gái từ các quốc gia láng giềng Trung Quốc đã trở thành nạn nhân của "ngành công nghiệp cô dâu" béo bở.
- 31-03-2019Việt Nam được gì khi doanh nghiệp nước ngoài đua chạy khỏi Trung Quốc?
- 31-03-2019Taxi lại kiện Grab: Khi quản lý chưa “chạy” kịp thời đại 4.0
- 31-03-2019Khách du lịch Việt Nam bỏ trốn ở nước ngoài: Cách nào ngăn chặn?
Mất tích
Một buổi sáng, bà Cẩm tỉnh dậy và thấy hơn 100 cuộc gọi nhỡ, tất cả đều từ Muôn - con gái lớn của bà: "Mẹ, mẹ đang ở đâu? Mị vừa gọi cho con, nó bị bắt rồi".
Bà ngay lập tức hiểu chuyện gì đang diễn ra. Nhiều cô gái ở Sapa từng mất tích như thế rồi: những nạn nhân của đường dây buôn người, đưa phụ nữ sang Trung Quốc, hoặc để làm vợ, hoặc để làm gái mại dâm.
Bà sẽ phải hành động ngay nếu muốn cứu con gái. Rất có thể con bà đang ở sau một thùng xe tải chạy về vùng nông thôn Trung Quốc. "Chồng tương lai" đang rất nóng lòng để trả tiền đón Mị về nhà, nơi cô bé sẽ trở thành người giúp việc, kiêm vợ, kiêm "máy đẻ".
Chỉ mới hôm qua, Mị nói có một người bạn đang đến đón đi vào trong chợ chơi, rồi sẽ đưa cô về, nên mượn điện thoại của bà Cẩm để nhắn tin. Đến chiều thì có một cậu trai đến đón Mị bằng xe máy. Bà nhấn nút Facebook màu xanh trên điện thoại của cô. Có khuôn mặt của gã trai trẻ đã đón Mị. Bà chạy đến hàng in đầu đường và in ra vài tấm hình của Chử – người đã bán con gái mình, nhảy lên xe máy và lên đường tìm con gái, một mình.
Mị sinh năm 2000, là con thứ ba trong bảy anh em của một gia đình dân tộc H’Mông. Cha Mị làm ruộng vào những lúc mà ông không "nát rượu", mẹ Mị nhuộm vải và thêu váy. Phụ nữ H’Mông mặc những chiếc váy dày xếp li hoặc quần dài, áo khoác dài, thắt lưng sặc sỡ và đeo kiềng bạc ở cổ. Bọn trẻ sẽ phải tự trông nhau khi người lớn làm ruộng hoặc đi chợ phiên.
Mị là một cô gái xuất chúng, xinh xắn và giỏi giang. Năm 12 tuổi, dù không được học hành nhiều, em đã trôi chảy tiếng Anh để giao tiếp với du khách. Nhưng đáng tiếc, năm 14 tuổi, em phải bỏ học để giúp đỡ gia đình, và làm việc trong một khách sạn trên đồi ở Sapa – được xây kiểu Pháp - hiện rất đông khách.
Mẹ Mị, lấy chồng năm 16 tuổi và có 7 đứa con khi chỉ mới 37, mù chữ, và có một người chồng nghiện rượu. Mị không thích gia đình này, Mị muốn nhiều hơn thế. Mị thường xuyên làm quen với các chàng trai trên mạng từ khi biết dùng Facebook, đã đi chơi với họ vài lần, mỗi khi họ đến Sapa.
Ảnh minh hoạ.
"Tao hi vọng mày đã sẵn sàng lấy chồng".
Chiếc xe tải chạy qua một chỗ ổ gà, đường xóc làm Mị nảy lên, rồi va vào thành xe, em tỉnh lại.
Người Mị nhức mỏi vô cùng, đầu đau như búa bổ. Xe đang chạy trên một con đường đất sâu trong rừng.
Một biển báo bằng chữ Trung Quốc xuất hiện, và chiếc xe ngừng lăn bánh. Hoảng sợ, Mị điên cuồng lục túi tìm điện thoại, không kịp nhìn ra số ai gọi nhỡ. Mị chỉ biết bấm gọi lại và hét nhanh nhất có thể: cô đã bị bán, cô đang ở đâu đó gần biên giới.
"Sầm!" - cửa sau xe mở toang, một gã đàn ông cao lớn, đầy mùi mồ hôi giằng lấy điện thoại từ tay Mị, quay lại quát đồng bọn: "Chúng mày làm ăn kiểu gì đấy? Dăm ba cái xu giấm vào là ăn hại hết cả lũ!".
Sau đó, anh ta kề dao vào cổ Mị. Anh ta nói bằng chất giọng khàn khàn của người hút nhiều thuốc: "Mày đang ở Trung Quốc rồi, không về được đâu. Tao hi vọng mày đã sẵn sàng lấy chồng. Chồng mày sắp đến rồi đấy".
Ở vùng này, hàng hóa có giá nhất chính là thiếu nữ. Chính sách một con được thi hành ở Trung Quốc vào năm 1979 và kéo dài ảnh hưởng trong hơn 30 năm.
Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, năm 2011, có 13 triệu người dân Trung Quốc không được xã hội thừa nhận do không có hộ khẩu. Người mẹ bị phát hiện đang mang thai ngoài chính sách và không có khả năng đóng tiền phạt sẽ bị cưỡng ép phá thai. Một số trường hợp phá thai cưỡng bức dẫn đến thai phụ bị thiệt mạng. Ngoài ra, một số biện pháp khác cũng được thi hành như đặt vòng tránh thai cho phụ nữ có một con, triệt sản cho phụ nữ có hai con.
Vì tư tưởng "trọng nam khinh nữ", nhiều cặp vợ chồng đã phá thai khi biết em bé trong bụng mẹ là bé gái. Thậm chí nếu em bé đã được sinh ra là bé gái, thì em đã được định sẽ phải chết ngay khi mới vừa chào đời.
Hậu quả dễ thấy, Trung Quốc đang lâm vào tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng và kéo dài nhất trên thế giới. Đến năm 2020, ước tính sẽ có khoảng 30 triệu đàn ông Trung Quốc không lấy được vợ.
Có cầu ắt có cung. Hàng ngàn phụ nữ và trẻ em gái từ các quốc gia láng giềng đã trở thành nạn nhân của "ngành công nghiệp" cô dâu béo bở này - nơi mà đàn ông Trung Quốc có thể mua một cô vợ với giá từ 60 đến 80 ngàn CNY (200 đến 270 triệu VND).
1.281 phụ nữ đã được các quan chức Trung Quốc giải cứu và hồi hương trong năm 2012, gần như tất cả họ đều là người Lào, Myanmar và Việt Nam. Nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em gái đã gây ra một làn sóng phẫn nộ quốc tế vào cuối năm ngoái. Một em gái Việt Nam 12 tuổi, bị bán cho một người đàn ông 35 tuổi ở Từ Châu, Trung Quốc với giá 30 ngàn CNY (103 triệu VND). Vụ việc chỉ bị phanh phui khi cô bé đang ở bệnh viện Từ Châu, chuẩn bị sinh em bé.
Ở đây, buôn người là dễ kiếm tiền nhất. Nạn nhân thường là các em gái dân tộc thiểu số. Theo truyền thống, các em sẽ kết hôn vào khoảng độ tuổi 13 đến 17, những cô bé bắt đầu để ý đến bạn trai.
Do đó, những kẻ buôn người không chỉ nhắm mục tiêu đến các cô gái, mà còn là các chàng trai. Chúng thuê họ để dụ dỗ các cô gái qua biên giới. Những thanh niên này không nhận thức được mình là kẻ buôn người, mà chỉ đơn giản nghĩ đến số tiền sẽ nhận được cho việc "dắt mối", có đứa sau khi bị bắt, được hỏi tại sao lại làm thế, đã trả lời: "Cháu muốn iPhone mới".
Chưa có hồi kết
Miến năm nay 15 tuổi. Hai năm trước, khi mới 13 tuổi, em đã bị Ninh - người bạn thân nhất của mình bán sang Trung Quốc. Một buổi sớm, Ninh rủ Miến lên biên giới để mua ít quần áo mới giá rẻ. Miến chưa bao giờ đi xa đến thế, quanh năm, cô bé chỉ quanh quẩn từ nhà đến lớp học. Tối hôm trước khi đi, Miến ngủ ở nhà Ninh, cô bé không bao giờ biết được mình đã bị đánh thuốc mê từ lúc nào.
Việc bán Miến đã được cả nhà Ninh lên kế hoạch từ trước. Cả cha, và anh trai Ninh cùng cõng Miến qua sông sang Trung Quốc, chị gái Ninh dẫn đường. Miến tỉnh lại khi gã môi giới kiểm tra "hàng", sau đó hắn đưa em đi, bán cho một cặp vợ chồng già. Họ có đứa con trai 30 tuổi – chậm phát triển trí tuệ. "Bố mẹ chồng" mới dắt Miến về gặp "chồng", đang ngồi nói chuyện với A Cẩu – con chó mực – trông ngây dại chẳng kém gì chủ nó. Anh ta vỗ tay đôm đốp khi thấy bố mẹ đã mua được cho mình một cô vợ mới.
Những năm tháng sau đó là cực hình đối với Miến: em bị bỏ đói, đánh đập và lạm dụng. Miến bị bắt làm trong một mỏ đá. Công việc rất đơn giản: làm hoặc bị đánh. Sau này, Miến phát hiện ra mình đã bị gia đình Ninh bán cho nhà môi giới Trung Quốc với giá chỉ 1,2 triệu VND - chỉ đủ để mua cho họ một số công cụ canh tác.
Kể cả sau này, khi Miến được giải cứu về Việt Nam khi đường dây buôn người bị triệt phá, "người bạn" của em cũng chỉ buông một câu lạnh lùng: "Cho mày lấy chồng chứ ai làm gì?"
"Nhà nó bán cháu chỉ để sắm nông cụ, cứ như cháu là con trâu nước", Miến nói. "Cháu sẽ tiếp tục học, cháu muốn trở thành cảnh sát, cháu không muốn con gái bản bị bán nữa". Gia đình Miến đã tự dựng một vở kịch về câu chuyện của em, họ biểu diễn nó ở khắp các phiên chợ Sapa, để cảnh tỉnh mọi người về nguy cơ – tất cả phụ nữ và trẻ em gái đều ở trong tầm ngắm của bọn buôn người. Mẹ Miến đóng vai Ninh, cha Miến giả làm bọn môi giới, còn Miến "đóng vai" chính mình.
Chỉ năm ngày sau khi mất tích, Mị được mẹ cứu thoát ở biên giới Trung Quốc. Bằng những tấm hình của Chử, bà đã tìm thấy nhà hắn và cầu xin cha hắn giúp đỡ. Mặc dù ban đầu cha Chử không tin con trai mình có can hệ, nhưng sau đó, ông ta nhận ra đúng là Chử đã biệt tích mấy hôm. Cuối cùng, ông ta cũng giúp mẹ Mị tìm Chử, đưa hắn đến trình diện công an.
Khi bị đưa đến Trung Quốc, Mị nhìn ra sông, em nhận ra dòng sông là biên giới Việt Nam – Trung Quốc, nhận ra những ngôi nhà ở Lào Cai. Mị bất ngờ la hét, kêu cứu, đòi về nhà. May mắn thay, gần đó có một cặp vợ chồng, người vợ biết tiếng Việt. Nghe thấy lời kêu cứu của Mị, họ đã báo cảnh sát Trung Quốc để bảo vệ Mị, đưa điện thoại di động cho Mị gọi về nhà và giúp bà Cẩm giải cứu con gái vào sáng hôm sau.
Hóa ra, người đã cứu Mị cũng là con gái H’Mông, bị bán làm vợ một người đàn ông Trung Quốc. Nhưng chồng cô ấy không phải người xấu, chỉ là anh ta quá nghèo để lấy vợ Trung Quốc thôi, họ vẫn sống với nhau đến giờ.
Mị trở về an toàn. Nhưng khinh miệt của người làng đã buộc em phải rời khỏi làng một thời gian. Giờ em đang học trong một trường nội trú ở Lào Cai, tìm cách tìm lại cuộc sống của mình. Một năm sau khi Mị được giải cứu, em nhận được một lá thư từ văn phòng công tố Lào Cai, thông báo với em rằng đường dây buôn người đã bán em sang Trung Quốc sẽ bị buộc tội. Chúng bị kết án từ 12 đến 25 năm tù. Nhưng Chử thì không vì chưa đủ 18 tuổi, nên chỉ bị đưa vào trại giáo dưỡng một thời gian.
"Cháu cảm thấy an toàn hơn khi biết chúng đã bị kết án. Nhưng cháu sợ thằng Chử trả thù lắm".