MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường nhập lậu tăng theo cấp số nhân, mía đường nội gặp khó

02-06-2019 - 08:00 AM | Thị trường

Buôn lậu quy mô lớn và gian lận thương mại trắng trợn, công khai đã khiến cho 1/3 các nhà máy đường Việt Nam đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang.

Đường nhập lậu khiến đường trong nước tổn thất lớn

Báo cáo của Hiệp hội mía đường Việt Nam cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn nghiêm trọng của ngành mía đường là sự vi phạm kéo dài của tình trạng buôn lậu đường quan biên giới và gian lận thương  mại. Giai đoạn 1999 - 2008, lượng đường nhập lậu khoảng 100.000 tấn/năm.

Đến giai đoạn 2009-2015, lượng đường nhập lậu gấp 3 lần trước đó khoảng 350.000 tấn/năm. Từ niên vụ 2015-2016 đường nhập lậu và gian lận thương mại với khối lượng ước tính khoảng 800.000 tấn/năm. “Tốc độ” tăng trưởng lượng đường nhập lậu được tính theo cấp số nhân.

Gian lận thương mại, đường lậu từ Thái Lan đã gây tổn thất cho ngành mía đường Việt Nam trong thời gian dài và nghiêm trọng hơn trong 2 năm vừa qua. Việc buôn lậu quy mô lớn và gian lận thương mại trắng trợn, công khai đã khiến cho 1/3 các nhà máy đường Việt Nam đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang vì thua lỗ và nông dân chưa biết trồng cây gì thay thế.

Đường nhập lậu tăng theo cấp số nhân, mía đường nội gặp khó - Ảnh 1.

Đường nhập lậu tăng theo cấp số nhân, mía đường nội gặp khó.


Ông Thạch Phước Bình – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Trà Vinh cho biết, hiện tỉnh Trà Vinh có khoảng 4.500 - 5.000 ha diện tích đất trồng mía đường. Gần đây giá mía giảm sâu khiến đời sống bà con vô cùng khó khăn. Từ 4.500 ha giảm xuống còn 3.500 ha, điều này khiến nguyên liệu cung cấp cho nhà máy trên địa bàn tỉnh giảm nên phải nhập của các nơi khác.Hội nhập trong hoàn cảnh cạnh tranh bất bình đẳng và gian lận thương mại sẽ đẩy nông dân và các nhà máy vào tình trạng đóng cửa. Các hộ nông dân trồng mía, doanh nghiệp chế biến đường chắc chắn sẽ chịu tổn hại to lớn, thậm chí ngành mía đường Việt Nam đứng trước nguy cơ bị "xoá sổ". Thị trường của gần 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào đường nhập khẩu từ Thái Lan.

“Hiện chi phí đầu tư của bà con với mỗi 1.000 m2 gồm chi phí chăm sóc, phân bón khoảng 7 triệu đồng nhưng với giá bán 800 đồng thì chỉ được khoảng 3-4 triệu nên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống. Hiện bà con nông dân nợ ngân hàng rất nhiều, nhiều hộ phải cầm cố đất đai. Thậm chí có tình trạng người dân đã bỏ mặc mía đường vì càng đầu tư càng lỗ. Nhiều hộ dân chuyển sang trồng cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản, nhưng việc này không hề đơn giản” - ông Bình cho biết.

Cạnh tranh gay gắt khi hội nhập

Ngoài những khó khăn về đường nhập lậu, từ ngày 1/1/2020, Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) chính thức được áp dụng, tất cả hạn ngạch và thuế nhập khẩu đường dự kiến sẽ bị bãi bỏ hoàn toàn. Ngành mía đường sẽ có sân chơi chung là toàn khu vực Đông Nam Á. Mía đường Việt Nam sẽ phải trực tiếp đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp mía đường nước khác.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên viện trưởng viện kinh tế Việt Nam cho rằng, chúng ta cần phải nhìn nhận từ năng lực của ngành cho tới đối thủ cạnh tranh hiện nay của ngành mía đường. Thứ nhất, về năng lực của ngành mía đường so với đối thủ. Nếu năng lực của ngành thấp, làm mía đường có hay không? Nếu không mang lại thu nhập cho người nông dân như kỳ vọng thì chúng ta phải rút người nông dân ra. Đi với đó là tái cấu trúc, chuyển đổi cấu trúc…

“Trước đây, Việt Nam đặt ra mục tiêu 1 triệu tấn đường để mang lại công việc cho ngời nông dân. Nếu bây giờ mở cửa hội nhập thì 1 triệu tấn chúng ta phải tính lại xem trực tiếp là diện tích này là bao nhiêu, cần bao nhiêu? Nhà máy nào sống được, nhà máy nào không làm được? Ngoài ra, chúng ta còn phải tập trung tái cơ cấu theo hướng mở rộng là như thế nào để tăng hiệu quả? Mía thì làm được gì ngoài đường, mình cũng phải tính?” - PGS.TS Trần Đình Thiên nói

Phải nhập các nhà máy, liên kết để phát triển thậm chí là cho phá sản nhiều doanh nghiêp làm không hiệu quả. Với đối thủ cạnh tranh, chúng ta cần phải xác định đối thủ là ai, chiêu thức là gì để nâng cao năng lực của chúng ta. Chiêu thức của đối thủ để ta có chiêu đối lại phù hợp.

Đơn cử như với Thái Lan, ta có thể đàm phán với họ để tạo ra sức mạnh cùng phát triển. Đây là sự sống còn của ngành mía được, chúng ta cần phải quyết liệt mới có thể giải được bài toán này, PGS.TS Trần Đình Thiên phân tích./.


Theo Hoài Lam

VOV

Trở lên trên