Đường sắt chuyển mình ấn tượng
Với sự chuyển mình ấn tượng, sau 3 năm liên tiếp kinh doanh thua lỗ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) bất ngờ báo lãi gần 100 tỷ đồng trong năm 2023. Nhìn nhận nỗ lực của ngành của đường sắt, giới chuyên gia cho rằng, việc làm ăn có lãi trong thời gian qua là dấu hiệu tích cực, dù vậy con số lãi này vẫn còn nhỏ.
- 14-01-2024Cung không đủ cầu, giá vé máy bay Tết Nguyên đán liên tục “nhảy múa”
- 14-01-2024Khơi thông nguồn lực, tạo không gian phát triển mới cho Nghệ An
- 14-01-2024Xếp hạng GRDP các địa phương: Cao chưa vội mừng, thấp chưa vội nản
Muốn kinh doanh có lãi, ngành đường sắt phải tiếp tục kiên định với chiến lược kinh doanh đã chọn, tự làm mới chính mình, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thu hút được nhiều hành khách hơn nữa. Đặc biệt, ngành đường sắt phải có bước đột phá.
Trong năm 2023, hành khách quay trở lại đi tàu khá đông góp phần cải thiện tình trạng kinh doanh thua lỗ của ngành đường sắt trong nhiều năm qua.
“Mỗi khu ga - Một điểm đến”Dễ nhận thấy về dịch vụ, ngành đường sắt có sự chuyển mình ấn tượng bằng một loạt các sự kiện chưa từng có từ trước đến nay như: Ra mắt các sản phẩm du lịch trải nghiệm bằng đường sắt như: tour ẩm thực tuyến Hà Nội - Hải Phòng, tàu chất lượng cao cấp tuyến Hà Nội - Đà Nẵng, tàu cao cấp tuyến Đà Nẵng - Quy Nhơn (The Vietage)… thu hút lượng khách rất lớn vào dịp cuối tuần. Lần đầu tiên có dịch vụ tổ chức lễ cưới trên tàu được triển khai trên chuyến tàu từ Đà Lạt đến Trại Mát vào ngày 22/12/2023. Khai thác hoạt động vận tải liên vận quốc tế tại ga Kép sau 27 năm, khai trương tàu chuyên tuyến Thạch Gia Trang (Trung Quốc) Yên Viên (Việt Nam). Phong trào "Mỗi cung đường - Một loài hoa; Mỗi khu ga - Một điểm đến" góp phần trồng gần 70 km cây cảnh và hoa, cải thiện đáng kể môi trường khu ga và khu vực xung quanh đường sắt. Quán cà phê Hỏa Xa mới mở tại ga Long Biên không chỉ là điểm đến hấp dẫn mà còn được đưa vào bản đồ du lịch Hà Nội. Lễ hội thiết kế "Dòng chảy", giới thiệu những di sản sống đến với công chúng, thu hút hơn 200.000 lượt du khách tham quan và trải nghiệm hoạt động văn hóa độc đáo này vào tháng 11/2023. Cũng trong năm 2023, VNR được giới thiệu trong cuốn "Amazing Train Journeys" của Lonely Planet - là ấn phẩm tập hợp những chuyến đi bằng đường sắt vĩ đại nhất thế giới. Trong đó, tuyến đường sắt Bắc - Nam của Việt Nam được bình chọn là tuyến đường sắt đẹp nhất, đáng trải nghiệm nhất thế giới. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cũng vừa đề xuất "đoàn tàu du lịch 5 sao" xuyên Việt dự kiến kết hợp giữa VNR và tập đoàn sẽ là một trong những sản phẩm du lịch đột phá, góp phần thúc đẩy sự phát triển của du lịch tàu hỏa tại Việt Nam.
Đáng chú ý, để thu hút khách đi tàu, đường sắt đã áp dụng chính sách giá vé linh hoạt, xây dựng giá vé thành nhiều giai đoạn khác nhau để giãn mật độ hành khách đi các ngày cao điểm và thu hút hành khách đi vào các ngày thấp điểm vắng khách. Có loại chỗ giảm từ 50 - 65% giá vé kỳ thấp điểm; áp dụng chính sách hành khách mua vé trước nhiều ngày được giảm từ 20 - 40% giá vé… Trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, bên cạnh bổ sung vé ngành đường sắt tiếp tục áp dụng nhiều chính sách ưu đãi để hỗ trợ hành khách đi tàu: Giảm giá cho các đối tượng chính sách xã hội, công đoàn, hành khách có thẻ khách hàng, Giảm 5% giá vé lượt về cho hành khách mua vé khứ hồi, sinh viên sẽ được giảm từ 10% đến 20% giá vé tùy theo ngày đi tàu.
Tìm hiểu về những ưu đãi của ngành đường sắt, anh Nguyễn Hoàng Việt, (quê Nam Định) đang sống và làm việc tại TPHCM đã lên kế hoạch đặt vé máy bay ra Hà Nội, nhưng sau đó đã chuyển hướng chọn đi tàu về quê dịp Tết sắp tới. “Gia đình tôi có 4 người, về quê ăn Tết năm nay tôi cho vợ và các con đi tàu bởi giá vé phù hợp, trẻ con cũng háo hức trải nghiệm tàu hỏa, hơn nữa dịch vụ của ngành đường sắt đã được cải thiện rất nhiều nên tôi mua vé khá thuận tiện”.
Mới đây, thông tin về kết quả sản xuất, kinh doanh của ngành đường sắt trong năm 2023, ông Hoàng Gia Khánh -Tổng giám đốc VNR cho biết, trong năm 2023 doanh thu toàn tổng công ty đạt 8.503,8 tỷ đồng đạt 101,7% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 94,8 tỷ đồng. Thu nhập bình quân người lao động là 9,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Khánh nhận định, trong năm 2023, nhu cầu đi lại của người dân đã gần như bình thường; các hoạt động du lịch trong nước phục hồi và phát triển trở lại, vì vậy thị phần vận tải hành khách bằng đường sắt đã có sự tăng trưởng cao.
Dù vậy, lãnh đạo VNR thừa nhận, Tổng công ty còn một số tồn tại như: bộ máy cồng kềnh, lao động đông, mức độ cơ giới hóa chưa cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin còn thấp, tư duy chuyển biến còn chậm dẫn đến hiệu quả công tác vận tải chưa cao. Tính đến hết 2023, vốn điều lệ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là 3.250 tỷ đồng, tổng tài sản 14.660 tỷ đồng. Tổng số lao động là 22.041 người.
Tìm ra lối đi nhưng cần bước đột phá
Tại Hội nghị tổng kết ngành đường sắt mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả kinh doanh của VNR khi năm 2023, đồng thời nhận định ngành đường sắt đã tìm được lối ra, đây là điều rất quan trọng. Đơn vị cần khai thác hiệu quả nguồn lực từ nguồn nhân lực hơn 22.000 người, gần 300 nhà ga, nguồn lực đất đai và tiềm năng du lịch của cung đường sắt đẹp nhất thế giới.
Thủ tướng lưu ý VNR không chủ quan, lơ là với những kết quả bước đầu, đồng thời ngành đường sắt phải có đột phá. Trong đó, một trong những mục tiêu trọng tâm là việc phát triển đường sắt tốc độ cao.
Nhận định về những thay đổi tích cực của ngành đường sắt trong năm 2023 giới chuyên gia cho rằng, dù tình hình kinh doanh có nhiều khởi sắc nhưng con đường phía trước của ngành đường sắt vẫn còn dài đòi hỏi trong ngành phải tiếp tục kiên định với chiến lược kinh doanh đã chọn. Đó là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ. Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Trọng Thịnh lý giải thành công của ngành đường sắt chứng tỏ sự quay trở lại của hành khách là rất lớn, tiềm năng phát triển trong tương lai cũng rất cao. Trước đây ngành đường sắt đang rơi vào tình trạng quá cũ kỹ, lạc hậu, một trong những nguyên nhân chính là tư duy quản lý chậm đổi mới, thiếu đột phá. Do đó, đổi mới đường sắt phải làm cả phần "cứng" và "mềm". Phần cứng chính là đầu tư hạ tầng, sắp xếp lại bộ máy… còn phần mềm là thay đổi tư duy kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ… “Phải đổi mới toàn diện, triệt để như vậy thì đường sắt mới có thể tìm lại sức hút, lấy lại thị phần và phát triển", ông Đinh Trọng Thịnh bày tỏ.
Về mục tiêu trọng tâm phát triển đường sắt tốc độ cao, TS Phạm Hoài Chung - Phó viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển GTVT nhấn mạnh: Đầu tư đường sắt tốc độ cao là hoàn toàn khả thi. “Theo kinh nghiệm nhiều quốc gia, mức thu nhập bình quân đầu người (GDP đầu người) khoảng 7.500 USD là có thể đầu tư đường sắt tốc độ cao. Tại Việt Nam, GDP đầu người năm 2023 đạt 4.284 USD và dự kiến sẽ đạt hơn 7.000 USD vào năm 2030. Điều đó cho thấy, việc đầu tư đường sắt tốc độ cao ở Việt Nam là hoàn toàn khả thi. Về nguyên tắc, trong cự ly 1 tiếng, đường sắt tốc độ cao sẽ góp phần giảm tập trung dân số ở đô thị. Ví dụ, một người từ Ninh Bình có thể đi đường sắt tốc độ cao đến Hà Nội làm việc và tối trở về bình thường. Nói cách khác, đường sắt tốc độ cao sẽ góp phần cơ cấu lại đô thị và giảm ùn tắc giao thông ở khu vực đô thị lõi. Loại hình này sẽ có tính cạnh tranh với hàng không giá rẻ, vận tải ô tô ở cự ly 500 - 1.500km do những lợi thế như an toàn, giá vé hợp lý (chỉ bằng khoảng 70% giá vé máy bay), thời gian được tối ưu. So sánh với máy bay chặng Hà Nội-TPHCM, thời gian di chuyển của tàu bay chỉ 2 tiếng nhưng tổng thời gian hành khách phải bỏ ra cho một chuyến bay khoảng 4 - 5 tiếng. Với đường sắt tốc độ cao, chỉ tính tốc độ 320km/h như một số quốc gia trên thế giới, thời gian cho một hành trình dài hơn 1.500km cũng chỉ mất khoảng 5 tiếng, tính cả thời gian dừng chờ tại các ga”, TS Chung phân tích.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của hạ tầng đường sắt, theo GS.TS Bùi Xuân Phong - nguyên Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam, một trong những nguyên nhân kìm hãm đường sắt phát triển chính là hạn chế về mặt hạ tầng. Do đó, nâng cấp hạ tầng được coi là giải pháp mang đến hiệu quả nhanh nhất. Muốn vận tải đường sắt phát triển, Nhà nước phải có chính sách can thiệp, dành thêm nguồn lực đầu tư cho vận tải đường sắt. Tại các quốc gia phát triển, đường sắt tốc độ cao với khổ đường rộng, toa hiện đại, không gian trên tàu rộng rãi và kết nối rất thuận tiện. Đây cũng là một biện pháp để thúc đẩy, vực dậy ngành đường sắt.
PTS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế: Nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút hành khách
Trong những năm trở lại đây, sự tăng trưởng vượt bậc của nhiều loại hình vận tải, trong đó đi đầu là hàng không và đường bộ đã giúp cho ngành đường sắt nhìn rõ được những yếu kém, lạc hậu của mình. Cả đường bộ và hàng không đều có sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng trong thời gian gần đây. Nhờ đó hai lĩnh vực này đã vươn lên chiếm lĩnh phần lớn thị phần vận tải, nhất là vận tải hành khách. Trong khi đó, đường sắt thì ngày càng lạc hậu, thị phần vận tải hành khách thì sụt giảm mạnh, vận tải hàng hóa cũng không còn chiếm thế thượng phong như trước. Rõ ràng vị thế của đường sắt hiện nay so với trước kia đã suy giảm rất nhiều. Nếu không đổi mới triệt để, đường sắt sẽ ngày càng tụt hậu.
Việc hành khách trở lại với đường sắt trong thời gian gần đây là điều rất đáng mừng, ngành đường sắt phải biết tận dụng cơ hội này để quảng bá hình ảnh, thay đổi cung cách quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm kéo hành khách về với mình nhiều hơn.
GS.TS Lã Ngọc Khuê - nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: Thời cơ phát triển đường sắt
Đường sắt lâu nay khó khăn là bởi đặc tính phải có sự đầu tư lớn, nhưng đây là ngành tiêu tốn vật tư, kỹ thuật, năng lượng ít nhất và rất an toàn. Hiện tại, năng lực vận tải của hệ thống giao thông, đặc biệt là trên trục Bắc - Nam đang mất cân đối lớn. Đường bộ chiếm 72% tổng lượng hành khách và 59% tổng lượng hàng; đường thủy chiếm gần 40% tổng lượng hàng; hàng không chiếm 22% tổng lượng hành khách, trong khi vận tải đường sắt chỉ chiếm khoảng 6% tổng lượng hành khách và 1,4% tổng lượng hàng.
Chúng ta đều thấy rất rõ cuộc sống đang đòi hỏi và không thể chậm trễ hơn, đã đến lúc có điều kiện để phát triển đường sắt. Nếu trước đây nói thiếu đường bộ, phải ưu tiên phát triển đường bộ, thì nay nhiều tuyến đường bộ đã thể hiện sự dư thừa công suất. Nói khác đi, năng lực của đường bộ về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu đặt ra. Và giờ là thời cơ chúng ta “lật cánh” để phát triển đường sắt.
Tôi cho rằng, việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ khả thi với phương án khai thác hỗn hợp tàu khách và tàu hàng, tốc độ thiết kế tối đa 250 km/giờ, tốc độ khai thác 225 km/giờ và 160 km/giờ cho tàu khách liên vùng, tàu hàng container, thay vì phương án tốc độ thiết kế 350 km/giờ chỉ chở khách mà Bộ GTVT đề xuất trước đây. Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam hoàn toàn đủ sức làm thay đổi tổng đồ phân chia thị phần của các chuyên ngành vận tải, chi phí logistics của nền kinh tế nhờ vậy sẽ được tiết giảm.
Đại đoàn kết