MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khơi thông nguồn lực, tạo không gian phát triển mới cho Nghệ An

Dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; công bố điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đến năm 2040, sáng 13/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tạo thêm động lực mới, sức lan toả trong thu hút đầu tư phát triển không chỉ đối với tỉnh Nghệ An mà cả trong liên kết phát triển của các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Khơi thông nguồn lực, tạo không gian phát triển mới cho Nghệ An - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Phải dành nguồn lực của nhà nước, địa phương và xã hội hoá để có thêm nhiều quy hoạch chi tiết về xây dựng, đô thị, khu vực nông thôn, quy hoạch phân khu chức năng… - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, nằm ở vị trí chiến lược, Nghệ An hội tụ đủ các yếu tố về tự nhiên như một "Việt Nam thu nhỏ".

Vị trí địa lý tạo cho Nghệ An vai trò quan trọng trong kết nối hành lang kinh tế ven biển Bắc-Nam và hành lang kinh tế Đông-Tây với nước bạn Lào và Đông Bắc Thái Lan.

Đây là vùng đất "địa linh, nhân kiệt", quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và nhiều bậc anh hùng hào kiệt, sĩ phu yêu nước nổi tiếng, có bề dày truyền thống cách mạng, lịch sử hào hùng, văn hóa đậm đà bản sắc, quê hương của những làn điệu dân ca Ví, Giặm.

Đặc biệt, động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển là nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài; là tinh thần tự tôn, tự lực, tự cường, đoàn kết, coi trọng tình nghĩa, hiếu học, tự lực, tự cường, đoàn kết, gắn bó.

Điều đó khẳng định, Nghệ An hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội, khác biệt để phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và cả nước.

Trung ương Đảng, Bộ Chính trị luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với tỉnh Nghệ An trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị và bảo đảm quốc phòng-an ninh.

Trong những năm qua, phát huy những tiềm năng lợi thế đó, với khát vọng phát triển, tinh thần hành động quyết liệt, đổi mới sáng tạo, Nghệ An, đã vươn lên mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, khá toàn diện.

Quy mô nền kinh tế đứng thứ 10/63 cả nước; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 ước đạt 7,14%.

Khu kinh tế Đông Nam đóng vai trò động lực thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển đưa Nghệ An lọt tốp 8 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tính đến ngày 31/12/2023 là 1,6 tỷ USD; trong đó có nhiều nhà đầu tư về điện tử, công nghệ, năng lượng xanh hàng đầu thế giới,…

Tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm nhanh, từ 22,89% vào năm 2011 đến năm 2022 còn 6,41%; có 10 đơn vị cấp huyện và 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Không thể nghĩ và làm theo lối cũ, cách thường

Theo Phó Thủ tướng, Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2045 Nghệ An là tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh và hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao; giá trị hệ sinh thái rừng, biển, đảo, văn hóa, lịch sử và truyền thống, nhất là văn hóa xứ Nghệ được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới, biển, đảo được bảo đảm vững chắc; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường; tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện.

Đó không chỉ là khát vọng, nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân tỉnh Nghệ An mà còn là mong muốn của nhân dân cả nước trong xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quy hoạch tỉnh Nghệ An và Điều chỉnh quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Đông Nam được được xây dựng với tầm nhìn dài hạn được đặt trong tổng thể phát triển vùng Bắc Trung Bộ.

Quy hoạch tỉnh Nghệ An đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10,5-11%/năm. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500-8.000 USD. Tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40–45%. Hạ tầng các khu đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Hạ tầng giao thông vận tải thông suốt, an toàn, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới với 2 khu vực động lực tăng trưởng, thực hiện 3 đột phá chiến lược; phát triển 4 hành lang kinh tế, 5 lĩnh vực kinh tế trụ cột và 6 trung tâm đô thị động lực; cùng với Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An sẽ tạo những động lực mới để phát triển nhanh, mạnh, đột phá, bền vững hơn.

Để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch của tỉnh Nghệ An, Phó Thủ tướng cho rằng không thể nghĩ và làm theo lối cũ, cách thường. Mỗi cán bộ, đảng viên cũng như từng người dân Nghệ An cần chuyển hoá khát vọng phát triển mãnh liệt, niềm tự hào, tình yêu quê hương cùng tinh thần đổi mới vào trong từng hành động, việc làm nhỏ nhất để tỉnh trở thành một địa chỉ đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng trải nghiệm, đáng sinh sống.

Khơi thông nguồn lực, tạo không gian phát triển mới cho Nghệ An - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết định phê duyệt Quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Nghệ An - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Tạo sự kết nối liên thông tổng thể, đồng bộ, thống nhất

Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Quy hoạch để khơi thông tiềm năng, do vậy, phải dành nguồn lực của nhà nước, địa phương và xã hội hoá để có thêm nhiều quy hoạch chi tiết về xây dựng, đô thị, khu vực nông thôn, quy hoạch phân khu chức năng… Đây là cơ sở, căn cứ xác định không gian, khơi dậy tiềm năng phát triển của Nghệ An thông qua việc hình thành các hệ sinh thái kinh tế đô thị-công nghiệp-dịch vụ, giá trị gia tăng.

"Quy hoạch tỉnh Nghệ An cần được đánh giá, nhìn nhận trong mối quan hệ với các địa phương lân cận, trong nội vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, và với các vùng kinh tế-xã hội khác. Từ đó, lựa chọn, đề xuất những dự án ưu tiên liên kết nội vùng, liên vùng, tạo sự kết nối liên thông tổng thể, đồng bộ, thống nhất để khơi thông nguồn lực phát triển. Đồng thời, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước trong đầu tư công trình hạ tầng đóng vai trò dẫn dắt, thúc đẩy đầu tư tư nhân", Phó Thủ tướng nói.

Nghệ An cũng cần quan tâm phát triển hạ tầng xã hội y tế, văn hóa, triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, coi đây là định hướng xây dựng đô thị đồng bộ, gắn với các hệ sinh thái công nghiệp, dịch vụ.

Cùng với các hành lang kinh tế phía đông, Phó Thủ tướng đề nghị Nghệ An cần quan tâm thúc đẩy phát triển vùng miền núi phía tây với các ngành nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông lâm sản, kinh tế cửa khẩu, du lịch sinh thái, nông nghiệp, văn hoá, kinh tế carbon thấp, tín chỉ carbon…

Quá trình thực hiện các quy hoạch liên quan đến mạng lưới nông thôn, đô thị, Nghệ An cần thực hiện tốt khảo sát địa chất, thủy văn, tai biến địa chất để bảo đảm phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu, bền vững, an toàn.

Khơi thông nguồn lực, tạo không gian phát triển mới cho Nghệ An - Ảnh 3.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An trao chứng nhận đầu tư cho một số dự án - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Sẵn sàng cho sự thay đổi

Là một trung tâm động lực của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Nghệ An cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và cả vùng, nhất là những lĩnh vực mới như điện tử, bán dẫn, kinh tế carbon, năng lượng xanh.

Theo Phó Thủ tướng, lợi thế thu hút các nhà đầu tư có công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng cao, của Nghệ An không chỉ là đất đai, nhân công chi phí thấp, mà còn là môi trường kinh doanh, nguồn năng lượng xanh.

"Bên cạnh các chỉ tiêu quốc gia, Nghệ An có thể ban hành những tiêu chuẩn riêng biệt trong thu hút đầu tư, suất vốn đầu tư, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ… nhằm tạo cung – cầu đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng nắm giữ những khâu có giá trị gia tăng cao trong thiết kế, nghiên cứu, triển khai, thương mại…", Phó Thủ tướng gợi mở.

Nghệ An cần khai thác tối đa các lợi thế về cơ chế, chính sách đặc thù để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh; nâng cao được chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp (PAPI), SIPAS để tăng cường niềm tin nhà đầu tư; tăng cường hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và cả nước để tạo được động lực, tạo được sự kết nối, cộng hưởng mạnh mẽ hơn, nhất là với 2 tỉnh liền kề Thanh Hóa, Hà Tĩnh, để tạo dựng không gian phát triển, tiềm năng lợi thế mới.

Với khả năng khơi dậy nguồn lực con người vô cùng mạnh mẽ, Phó Thủ tướng đánh giá rất cao phương châm 5 sẵn sàng của Nghệ An về mặt bằng đầu tư, hạ tầng thiết yếu, nguồn nhân lực, đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ; và bổ sung 2 sẵn sàng cho sự thay đổi, cung cấp năng lượng xanh cho phát triển.

Chứng kiến lãnh đạo tỉnh Nghệ An trao chứng nhận đầu tư cho một số dự án, Phó Thủ tướng cho rằng đây là sự khởi đầu tốt đẹp cho thấy tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư hấp dẫn của tỉnh Nghệ An.

Phó Thủ tướng mong muốn, nhiều nhà đầu tư sẽ lựa chọn, cùng với Nghệ An cụ thể hoá quy hoạch, viết lên những kỳ tích về phát triển để quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành tỉnh khá của cả nước như mong muốn lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Theo Minh Khôi

VGP

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên