Đường sắt: Hy vọng gì ở lần tái cơ cấu lần thứ 3?
Trong vòng 4 năm, Tổng công ty ĐSVN 2 lần phải thay nhân sự cấp cao như là dấu hiệu cho thấy sự phát triển ì ạch của đường sắt.
- 11-12-2016Thay Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội
- 09-12-2016Vận chuyển đường sắt vì sao kém hấp dẫn?
- 09-12-2016Vì sao đường sắt thua hàng không, đánh mất thị phần “thượng đế”?
Việc Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông được phân công kiêm nhiệm Chủ tịch HĐTV Tổng công ty đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho thấy sự quyết tâm của Bộ GTVT trong việc tái cơ cấu đơn vị này. Đây cũng là sự trông đợi của gần 4 vạn lao động đường sắt.
Khách quan
Việc cơ sở hạ tầng lạc hậu, yếu kém không được đầu tư nâng cấp được xem là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến cho ĐSVN liên tục sụt giảm thị phần, bị các loại hình vận tải khác cạnh tranh.
Nếu như giai đoạn 2001-2010, tổng số vốn đầu tư cho ngành giao thông là 140.870 tỷ đồng thì vốn đầu tư cho đường sắt chỉ 4.802 tỷ đồng (chiếm 2,9%) tổng số vốn cho đường bộ 140.870 tỷ đồng (chiếm 88%).
Giai đoạn 2010-2015 khi vốn đầu tư cho GTVT tăng gấp đôi 330.000 tỷ đồng thì đầu tư cho đường sắt chỉ là 9.203 tỷ đồng (chiếm 3%), thì đầu tư cho đường bộ 299.000 tỷ đồng (chiếm 90%).
Không khó để biết với đường sắt thị phần vận tải hàng hóa đang là 8,1%, với vận tải hành khách là 10,2% lần lượt bị tụt xuống chỉ 1,14% và 2%. Tất nhiên, do được đầu tư lớn nên thị phần vận tải bằng đường bộ tăng vọt, đối với hành khách chiếm đến 96%.
Thực tế, đường sắt hơn 3 năm qua dưới dự chỉ đạo của Chủ tịch HĐTV Trần Ngọc Thành đã thua “lấm lưng” đường bộ các tuyến HN- Lào Cai, HN-Vinh, SG-Nha Trang, trên tuyến Thống Nhất bắc-nam thì các đôi tàu SE1/2, SE3/4 cũng không thể thắng máy bay giá rẻ, với hàng hóa các đôi tàu hàng chuyên tuyến cũng dần mất chân hàng vào tàu biển, xe tải trọng tải lớn…
Chủ quan
Mô hình tổ chức đường sắt hết chia dọc (phân chia theo lĩnh vực kinh doanh hàng hoá hành khách), lại chia ngang (phân chia theo lãnh thổ) đều không đem lại hiệu quả. Ông Phan Văn Giản, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty ĐSVN khẳng định: “Đường sắt bao giờ cũng phải lấy vận tải làm gốc, đầu tư cho cầu đường, đầu máy, toa xe phải phù hợp với việc phát triển hệ vận tải”.
Trong tình trạng “giật gấu, vá vai’ ĐSVN đang quản trị doanh nghiệp theo chiều ngược lại, khiến vận tải mất đi khả năng vốn có. Việc đầu tư chắp vá, nên ĐSVN hiện nay có quá nhiều chủng loại đầu máy, toa xe, vật tư phụ kiện đường sắt…gây khó khăn cho việc vận dụng, bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa.
Thêm vào đó, gần đây việc không còn kết nối với các ga công nghiệp, khu công nghiệp, cảng biển đã khiến đường sắt không có bạn hàng truyền thống, chân hàng ổn định. Cùng với việc ít đưa ra những sản phẩm, dịch vụ mới, đưa ra nhiều biện pháp giảm giá thành, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách mua vé, lên tàu khiến số lượng hành khách lên tàu liên tục sụt giảm.
Việc các công ty vận tải đường sắt, đua nhau giảm giá, tranh giành khách, khiến cho tình hình kinh doanh vận tải vốn đã phức tạp, lại càng phức tạp. Người đường sắt chua chát “Nhà nhà làm vận tải/Người người làm vận tải/Con tàu nhiều người lái/Chạy mãi mà không đi”.
Để “tự cứu” mình, ĐSVN đã thực hiện hàng loạt giải pháp lớn, trong đó phải kể đến việc tiến hành cổ phần hoá 2 công ty vận tải, hiện đại hóa hệ thống bán vé điện toán, 17 công trình, dự án đường sắt kêu gọi đầu tư như: Nhượng quyền quản lý, kinh doanh khai thác tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Kép - Hạ Long - Cái Lân; Khai thác kho bãi ga Yên Viên; Xây dựng khu ga khách Nha Trang mới và kho… theo hình thức PPP hoặc BOT.
Việc tỷ lệ cổ phần ra ngoài thấp, đưa vào bán vé online nhưng không giảm được thư ký bán vé các ga, không nhiều nhà đầu tư quan tâm các dự án…khiến cho đường sắt đã khốn lại gặp khó.
Cùng với đó là kiểu quản trị theo mô hình “chủ tịch điều hành”, hay bố trí cán bộ “lính thủy đánh bộ lên rừng”, các hành xử với các cơ quan báo chí, truyền thông khiến hình ảnh cá nhân và Tổng công ty không được thân thiện với công chúng.
Hy vọng
Là người Thứ trưởng phụ trách đường sắt, lại là người chủ trì soạn thảo Luật Đường sắt, hơn ai hết là ông Đông được kỳ vọng người sẽ mang tinh thần “xã hội hóa” để đột phá sự trì trệ bấy lâu của chính người đường sắt.
Đây là lần tái cơ cấu lần thứ 3 trong vòng 13 năm qua của Tổng công ty ĐSVN và được xem là cứu cánh cho sự phát triển của ngành hơn 130 năm tuổi. Rõ ràng, đây là dịp để Bộ GTVT, Chính phủ định vị lại vai trò của ĐSVN trong bức tranh vận tải chung để từ đó có sự đầu tư đúng mức.
Ông Nguyễn Xuân Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đường sắt Sài Gòn nhờ chúng tôi chuyển đến tân Chủ tịch HĐTV: Trong bối cảnh thị phần vận tải giảm, lương thấp, công nhân bỏ ngành kiểm sống mưu sinh thì đường sắt đừng có chia dọc, chia ngang gì hết, hãy chia đứng (đừng chia) chung tay góp sức, may ra…”
Infonet