MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đứt chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp, VN-Index bất ngờ giảm mạnh nhất trong vòng 3 tháng

Đứt chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp, VN-Index bất ngờ giảm mạnh nhất trong vòng 3 tháng

Thị trường vừa trải qua nhịp tăng kéo dài, không ít nhóm cổ phiếu đã bứt phá rất mạnh với mức tăng hàng chục %. Do đó, áp lực chốt lời là không thể tránh khỏi, đặc biệt với những cổ phiếu nóng.

Thị trường chứng khoán vừa khép lại một phiên giao dịch khá ảm đạm khi sắc đỏ thắng thế hoàn toàn. Thậm chí, áp lực bán dâng cao còn khiến VN-Index đóng cửa ở mốc thấp nhất với mức giảm gần 13 điểm (-1,14%), đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong vòng hơn 3 tháng trở lại đây (kể từ phiên 20/3). Đà tăng 7 phiên liên tiếp của VN-Index chấm dứt, vốn hóa HoSE cũng theo đó sụt giảm gần 52.000 tỷ đồng chỉ sau 1 phiên.

Đứt chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp, VN-Index bất ngờ giảm mạnh nhất trong vòng 3 tháng - Ảnh 1.

Việc thị trường bất ngờ giảm mạnh sau 7 phiên tăng liên tiếp đến từ nhiều nguyên nhân. Đầu tiên, thị trường vừa trải qua nhịp tăng kéo dài, không ít nhóm cổ phiếu đã bứt phá rất mạnh với mức tăng hàng chục %. Một số cái tên đang ở mức cao nhất trong nhiều tháng, thậm chí vượt đỉnh lịch sử. Do đó, áp lực chốt lời là không thể tránh khỏi, đặc biệt với những cổ phiếu nóng.

Ngoài ra, định giá thị trường cũng không còn quá hấp dẫn với P/E của VN-Index hiện đã trên 13,x lần, cao hơn đáng kể so với thời điểm xuống đáy giữa tháng 11 năm ngoái. Con số này có thể sẽ còn tiếp tục đắt hơn nữa nếu tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết không sớm được cải thiện, đặc biệt là mùa báo cáo quý 2 sắp tới gần.

Đứt chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp, VN-Index bất ngờ giảm mạnh nhất trong vòng 3 tháng - Ảnh 2.

Dù lãi suất điều hành đã được điều chỉnh giảm 4 lần liên tiếp, tuy nhiên lãi suất cho vay lại giảm khá chậm và vẫn đang duy trì ở mức cao sẽ tiếp tục gây áp lực lên lợi nhuận của các doanh nghiệp. Với nền so sánh cao cùng kỳ năm ngoái, các nhóm ngành quan trọng như ngân hàng, bất động sản, thép, chứng khoán, bán lẻ,… nhiều khả năng vẫn sẽ khó tăng trưởng dương trong quý 2 dù lợi nhuận có thể cải thiện so với quý đầu năm.

Thậm chí, những dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế chưa thực sự rõ ràng, một số chỉ tiêu còn suy yếu. Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội, GDP quý 2/2023 của Việt Nam ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý 2/2020 trong giai đoạn 2011-2023. Đồng thời, chỉ số PMI tháng 5 giảm xuống còn 45,3 cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục thu hẹp. Hoạt động xuất khẩu cũng gặp nhiều thách thức với giá trị chỉ đạt 136,2 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng nhiều yếu tố tích cực đã xuất hiện trên thị trường chứng khoán. Nổi bật nhất là thanh khoản, giao dịch trên sàn HoSE trở nên sôi động hơn thời gian gần đây. Giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE từ đầu tháng 6 đã tăng vọt lên trên 15.400 tỷ đồng, tăng khoảng 43% so với tháng trước.

Đứt chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp, VN-Index bất ngờ giảm mạnh nhất trong vòng 3 tháng - Ảnh 3.

Hơn nữa, lãi suất cho vay cũng ít nhiều hạ nhiệt được kỳ vọng sẽ giảm áp lực lên chi phí vốn của các công ty chứng khoán qua đó giúp mở ra dư địa để giảm lãi suất cho vay margin. Điều này có thể kích thích nhu cầu sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư tăng trở lại.

Đáng chú ý, những vụ việc thanh lọc thị trường chứng khoán mà cơ quan chức năng đã liên tiếp xử lý trong thời gian qua thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ và các ban ngành trong việc lành mạnh hóa thị trường. Việc xử lý tạo tính răn đe, nghiêm minh, điều này cũng cho thấy công tác quản lý, giám sát đã giúp thị trường ổn định, minh bạch, công bằng hơn. Thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu phát triển bền vững hơn với những quy định kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa tình trạng làm giá, thao túng cổ phiếu.

Điều này sẽ giúp chứng khoán lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư, thu hút dòng tiền dồi dào từ cư dân. Không chỉ vậy, thị trường trong sạch cũng là nền tảng để giúp Việt Nam ngày càng tiến gần hơn tới nâng hạng thị trường, qua đó tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại.

Dù vậy, trong một báo cáo gần đây, chứng khoán MB (MBS) cho rằng sẽ có cả yếu tố tích cực và tiêu cực tác động đến trong nửa cuối năm 2023. Cụ thể, trong bối cảnh lãi suất sẽ tiếp tục xu hướng giảm, lợi nhuận thị trường sẽ phục hồi trên nền thấp của 6 tháng cuối năm ngoái, cộng thêm kỳ vọng dòng tiền của NĐT nước ngoài tiếp tục mua ròng sẽ là những động lực thúc đẩy thị trường đi lên.

Tuy nhiên, nhà đầu vẫn cần lưu ý tới những yếu tố như FED tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ “diều hâu” hơn so với dự báo của thị trường; áp lực thanh toán các nghĩa vụ liên quan đến TPDN vẫn hiện hữu. Đồng thời, xu hướng CSTT của Việt Nam đang khác biệt so với nhiều nước khác, có thể tạo nên áp lực về tỷ giá và dòng vốn. 

Ngọc Ly

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên