MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

East Asia Forum: Người dân cũng như nền kinh tế Việt Nam là 'biểu tượng của sự kiên cường'

Theo East Asia Forum, các chính sách được Chính phủ Việt Nam thông qua trong giai đoạn đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của đất nước.

TS. Suiwah Leung, Phó giáo sư Đại học quốc gia Australia (ANU) nhận định, người dân cũng như nền kinh tế Việt Nam là "biểu tượng của sự kiên cường".

"Không chỉ ngăn chặn thành công sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2020 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng dương, trong khi phần lớn các nước trên thế giới đều đang đối mặt với mức tăng trưởng âm. Không có một quốc gia nào có thể làm tốt trong công cuộc chiến đấu với đại dịch Covid-19 như Việt Nam", bà cho biết.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), hai động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong thời gian vừa qua - xuất khẩu và tiêu dùng nội địa - đều tăng liên tục trong hai quý đầu năm 2020.

Từ đầu năm đến giữa tháng 4, xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận mức tăng 13%/tháng, trong khi các đối tác thương mại như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc đều có dấu hiệu giảm mạnh. Trong giai đoạn này, tiêu dùng nội địa suy giảm do các biện pháp giãn cách xã hội và đóng cửa nền kinh tế.

Tuy nhiên, từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 6, nền kinh tế trong nước đã phục hồi đáng kể. Trong đó, sản xuất duy trì đà tăng trưởng ở mức 30%, song xuất khẩu hàng hóa trong giai đoạn này lại giảm. WB dự báo GDP của Việt Nam sẽ đạt 2,8-3% trong năm 2020 và tăng lên 6,8% vào năm 2021.

Theo WB, những số liệu này dựa trên cơ sở Chính phủ Việt Nam đã tích cực áp dụng các chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn. Đồng thời, nền kinh tế tiếp tục chuyển hướng thương mại và đầu tư trong trung hạn thông qua việc tham gia vào các FTA, điển hình như EVFTA cũng là một dấu hiệu tích cực.

Ngoài ra, nhờ việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nhanh chóng và kịp thời, tác động của làn sóng dịch bệnh lần hai đến nền kinh tế đất nước được xem là không đáng kể.

Thêm vào đó, Chính phủ cũng đã áp dụng nhiều chính sách tài khóa khác, bao gồm: tăng chi các dự án đầu tư công, đặc biệt các dự án Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) hiện đang trong quá trình triển khai. Chính phủ cũng có các chương trình hỗ trợ khu vực tư nhân, chẳng hạn như đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của đất nước.

Vào giữa tháng 8, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố ra mắt nền tàng công nghệ chuỗi khối akaChain. Đây là một trong chuỗi sự kiện giới thiệu các nền tảng số "Make in Vietnam" nhằm thực hiện "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". AkaChain là nền tảng giúp các doanh nghiệp rút ngắn thời gian triển khai các nghiệp vụ như: định danh khách hàng điện tử (eKYC), chấm điểm tín dụng (credit scoring), chương trình khách hàng thân thiết (loyalty) và truy xuất nguồn gốc.

Bà Suiwah Leung khẳng định, khu vực kinh tế tư nhân chính thức là khu vực cần được hỗ trợ nhiều nhất. Lý giải về điều này, bà cho rằng khu vực tư nhân phi chính thức của Việt Nam (ngành du lịch và dịch vụ) có khả năng phục hồi nhanh hơn một khi các quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng. Theo đó, WB cũng chỉ ra một số rủi ro liên quan đến các chiến lược ngắn hạn và trung hạn của Việt Nam:

Thứ nhất, về đối ngoại, các yếu tố như tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài và dòng vốn kiều hối trong 5 năm qua đã tạo ra 'đệm đỡ' dự trữ ngoại hối khá thoải mái.

Cơ cấu công nghiệp của Việt Nam là xuất khẩu gắn liền với đầu vào nhập khẩu. Do vậy, xuất khẩu hàng hóa giảm đáng kể thường đi kèm với giảm nhập khẩu để cán cân thương mại hàng hóa không bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, sự thiếu liên kết ngược trong cơ cấu công nghiệp của Việt Nam lại là một cản trở nghiêm trọng đối với tăng trưởng nhanh trong dài hạn.

Thứ hai, nỗ lực củng cố tài khóa trong 3 năm qua đã giúp Việt Nam có khả năng nới lỏng các chính sách tài khóa trong ngắn hạn mà không làm tăng đáng kể gánh nặng nợ công. WB cảnh báo nợ công tăng cao có thể tạo thêm áp lực trong quá trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước (SOEs).

Cuối cùng, nới lỏng các chính sách tiền tệ hiện nay là việc cần thiết. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến số lượng nợ xấu tăng lên trong hệ thống ngân hàng. Do vậy, Chính phủ Việt Nam cần quản lý rủi ro để xem xét tính hiệu quả của các chính sách điều tiết, từ đó đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn.

TS. Suiwah Leung nhấn mạnh về các yếu tố cần thiết giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trong đó bao gồm: tái cấu trúc ngân hàng và DNNN, xây dựng các tổ chức công hiệu quả và có trách nhiệm. Đối nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, cần phát huy công cuộc cải cách cơ cấu để xây dựng động lực tăng trưởng kinh tế.

Cuối cùng, bà Suiwah Leung kết luận, Việt Nam đã có những hướng đi đúng trong thương mại và đầu tư ngắn hạn cũng như công cuộc ứng phó với đại dịch. Nhìn chung, các chính sách đã được Chính phủ thông qua sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng về việc đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong dài hạn của đất nước.

Q.L

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên