Economist: Lãi suất thấp và tăng trưởng yếu ớt sẽ là ngòi châm cho chiến tranh tiền tệ
Lãi suất đang ở mức rất thấp, trong khi chính sách tài khóa bị cản đường bởi các rào cản chính trị và gánh nặng nợ. Một đồng nội tệ rẻ hơn sẽ là một trong những cách ít ỏi để có thể thúc đẩy nền kinh tế.
- 18-06-2019Vì sao mốc 7 lại đặc biệt quan trọng đối với nhân dân tệ?
- 31-05-2019“Ẩn số” tỷ giá Nhân dân tệ trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung
- 30-05-2019Điều gì xảy ra khi đồng Nhân dân tệ xuống dưới mức 7 Nhân dân tệ/USD?
Năm 2010, khi cuộc khủng hoảng nợ ở eurozone leo thang, đồng euro đã giảm giá mạnh từ mức 1,45 USD đổi 1 euro xuống còn 1,19 USD đổi 1 euro. Không lâu sau đó, tâm điểm bàn luận ở nước Mỹ là vòng nới lỏng định lượng lần hai của Cục dự trữ liên bang Mỹ. Đó có phải là 1 sự trùng hợp ngẫu nhiên? Nhiều người ở eurozone không nghĩ thế. Đối với họ, QE2 là cách để làm cho đồng USD giảm giá. Tháng 9 năm đó, Bộ trưởng Tài chính Brazil phát biểu rằng đất nước ông đang đứng trước nòng súng trong 1 cuộc chiến tranh tiền tệ trên quy mô toàn cầu.
9 năm sau, lời than vãn lại nổi lên ở nước Mỹ. Ngày 18/6, phát biểu tại 1 hội thảo ở Bồ Đào Nha, Chủ tịch NHTW châu Âu ECB nói rằng ECB sẵn sàng nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa nếu như nền kinh tế eurozone không cải thiện. Ngay lập tức lợi suất trái phiếu giảm và đồng euro cũng giảm. Tổng thống Mỹ Donald Trump lên Twitter phàn nàn rằng ông Draghi đã can thiệp "không công bằng" vào thị trường tiền tệ.
Đầu tháng 6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng bắn đi phát súng cảnh báo về cách điều hành chính sách tiền tệ của Bắc Kinh. Ẩn ý của ông là nếu như Trung Quốc ngừng hỗ trợ tỷ giá thì điều đó sẽ được hiểu là Trung Quốc đang nỗ lực giảm giá đồng nhân dân tệ.
Triển vọng cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập tại hội nghị G20 lần này làm dấy lên hi vọng rằng chí ít thì cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước sẽ không leo thang. Một "thỏa thuận ngừng bắn" về thương mại có thể giúp hạ nhiệt cuộc khẩu chiến xoay quanh vấn đề tỷ giá, nhưng sẽ chẳng được bao lâu. Lãi suất đang ở mức rất thấp, trong khi chính sách tài khóa bị cản đường bởi các rào cản chính trị và gánh nặng nợ. Một đồng nội tệ rẻ hơn sẽ là một trong những cách ít ỏi để có thể thúc đẩy nền kinh tế.
Cặp tỷ giá đáng chú ý nhất hiện nay chính là USD – nhân dân tệ. Tầm ảnh hưởng của nhân dân tệ lên thị trường tiền tệ cũng như thị trường tài chính toàn cầu đang ngày càng gia tăng. Mốc 7 nhân dân tệ đổi 1 USD đã trở thành ngưỡng quan trọng được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.
Simon Derrick của BNYMellon chỉ ra 2 điểm đáng chú ý về con số này. Đầu tiền là 1 bài báo được đăng trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng hồi cuối tháng 5. Bài báo cho rằng Trung Quốc muốn điều hành tỷ giá theo cách như hiện nay không phải để tạo lợi thế xuất khẩu mà là để đảm bảo sự ổn định. Nhưng Mỹ không đồng cảm với lập luận này. Sau đó, ngày 7/6, Thống đốc NHTW Trung Quốc Yi Gang nói với Bloomberg rằng 1 đồng nội tệ linh hoạt là mong muốn của Trung Quốc vì điều đó giúp nền kinh tế tự động ổn định. Ông cũng bác bỏ quan điểm số 7 là ngưỡng cực kỳ quan trọng đối với nhân dân tệ.
Trong chiến tranh tiền tệ, logic thường thấy là bên thắng cuộc sẽ là những đồng tiền mà giá trị sụt giảm. Trong cuộc đua tới đáy, các nhà đầu tư thường tìm đến những tài sản an toàn như yên Nhật, franc Thụy Sĩ và vàng – vốn là những tài sản đã tăng giá mạnh trong bối cảnh chiến tranh thương mại gây tâm lý lo ngại. Hiện đồng USD vẫn mạnh vì nước Mỹ có lãi suất ở mức khá cao so với các nước phát triển khác và 1 nền kinh tế khỏe mạnh. Nhưng khi tăng trưởng giảm sút và lãi suất giảm, các yếu tố khác gồm cán cân thương mại và mức giá trị sẽ "vào cuộc".
Xét theo các tiêu chí này thì yên Nhật nổi trội hơn cả. Nhật Bản đang có thặng dư cán cân vãng lai và yên cũng đang rẻ nếu dựa theo phương pháp ngang giá sức mua. Franc Thụy Sĩ cũng được hỗ trợ bởi thặng dư cán cân vãng lai nhưng lại đang đắt đỏ.
Năm 2010, đồng USD rẻ đã khiến cả thế giới phiền muộn. Giờ đây đồng USD rẻ lại làm chính nước Mỹ, hay chí ít là Tổng thống Mỹ, cảm thấy phiền muộn. Trong cuộc chiến tranh tiền tệ đang dần thành hình, Mỹ vừa là nạn nhân lại vừa là thủ phạm. Mỹ phát động chiến tranh thương mại với các đối tác thương mại lớn nhất của mình, nhưngđối thủ có 1 đồng nội tệ yếu hơn còn Mỹ lại có đồng tiền mạnh hơn. Nếu ông Trump muốn đồng USD yếu hơn, chấm dứt chiến tranh thương mại sẽ là cách tốt nhất để đạt được mục tiêu. Nói cách khác, Mỹ đang đứng trước nguy cơ tự đẩy mình vào 1 cuộc chiến tranh tiền tệ.