EU chuẩn bị trừng trị thẳng tay nạn "mua bán quốc tịch"
Brussels đang chuẩn bị biện pháp trừng phạt một số nước, bao gồm Malta và đảo Síp, vì cấp quyền công dân cho những người giàu có không thuộc khối EU, do lo ngại nguồn tiền bẩn từ Nga.
- 05-06-2018Mắc hơn 53.000 lỗi vi phạm luật rửa tiền, ngân hàng này phải chịu án phạt lớn nhất lịch sử nước Úc
- 10-10-2017Sôi động như thị trường buôn bán quốc tịch
- 23-12-2016Đổi tiền lấy quốc tịch thứ 2 - Mốt mới của giới siêu giàu
- 15-09-2016Mất bao nhiêu tiền để có quốc tịch Mỹ?
Vera Jourova, thành viên ủy ban công lý EU, trả lời tờ Financial Times, cho biết việc "mua bán quốc tịch" ở 8 nước thành viên sẽ bị Brussels giám sát chặt chẽ hơn như là một phần của biện pháp mạnh chống lại nạn rửa tiền và tham nhũng.
Bà cũng ám chỉ sự lo ngại về nguồn gốc tài sản của những người Nga nộp đơn xin cấp quốc tịch Malta.
Bà Jourova trả lời tờ Financial Times: "Trong trường hợp có bất kì nghi ngờ nào, cá nhân đó không nên được hưởng đặc quyền công dân. Chúng tôi không có quyền ngăn cấm hoạt động này nhưng chúng tôi có nghĩa vụ đặt ra những yêu cầu cao hơn để các nước thành viên cân nhắc kỹ lưỡng. Họ đang cấp quốc tịch cho toàn bộ châu Âu."
Không chỉ Malta và đảo Síp mà các nước khác trong EU như Áo, Hy Lạp, Hungary, Latvia, Lithuania và Bồ Đào Nha cũng có chính sách "đầu tư định cư".
Những chương trình này yêu cầu các ứng viên đầu tư một lượng lớn vào bất động sản hoặc trái phiếu. Đổi lại, họ được phép sinh sống và làm việc ở bất kỳ quốc gia nào thuộc EU cũng như di chuyển tự do trong khu vực Schengen.
Các nước thành viên khối EU được phép tự đặt ra qui định trong việc cấp quốc tịch. Nhưng ủy ban sẽ công bố một báo cáo vào mùa thu tới, nhiều khả năng để chỉ trích những chương trình này của chính phủ do không thẩm định nghiêm ngặt những người đăng ký và nguồn tài sản của họ.
Báo cáo là một phần của chiến dịch rộng hơn để chống lại nạn rửa tiền, hợp tác cùng Ngân hàng TW và Cơ quan Giám sát Ngân hàng châu Âu, nhằm siết chặt các quy định ngăn chặn tiền bẩn.
Những vụ rửa tiền tinh vi với sự tham gia của các ngân hàng ở Malta và Latvia khiến các chương trình cấp quyền công dân gây ra nhiều tranh cãi do sự thiếu kiểm soát nguồn tiền từ Nga vào các nước châu Âu.
Bà Jourova cho biết bà đặc biệt lo ngại cho chương trình của Malta, cho phép một cá nhân được cấp quốc tịch nếu đóng góp 650.000 Euro cho quỹ phát triển quốc gia và mua hoặc cho thuê tài sản, cũng như đầu tư ít nhất 150.000 Euro vào cổ phiếu và trái phiếu.
Sẽ có thêm khoản phụ phí từ 25.000 đến 50.000 Euro cho mỗi thành viên trong gia đình.
Bà Jourova cho hay: "Đây sẽ là mối lo lớn khi một công dân Nga từng làm việc ở vị trí quản lý cấp trung hoặc cấp cao – với mức thu nhập không quá cao – bỗng dưng có đủ tiền để mua quốc tịch ở Malta."
Theo Identiy Malta, cơ quan chính phủ quản lý chương trình, chính sách của Malta được khởi động vào năm 2014, đã đem lại 590 triệu Euro cho quốc gia này từ hơn 700 nhà đầu tư.
Chính phủ Malta đã bắt đầu công bố những cá nhân được cấp quốc tịch. Năm 2016, danh sách này bao gồm Boris Mints, tỉ phú người Nga sở hữu công ty đầu tư O1 Group, và Arkady Volozh, nhà sáng lập Yandex, công cụ tìm kiếm lớn nhất của Nga.
Vào tháng Ba, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) và Dự án Báo cáo Tội phạm và Tham Nhũng có Tổ chức (OCCRP) công bố báo cáo cho biết chương trình cấp hộ chiếu làm dấy lên "nguy cơ tham nhũng cao" ở EU.
Bà Jourova cho biết: "Chúng tôi mong muốn các nước thành viên thực hiện nghiêm ngặt việc thẩm định và không cho phép tội phạm vào châu Âu cũng như có quyền bình đẳng như những người đã nhập cư trước đây, những công dân làm việc, đóng thuế, sinh con và phải chờ một thời gian dài để được cấp quốc tịch."
Thị thực Vàng (Golden visas) chỉ chiếm một phần nhỏ số lượng hộ chiếu EU mới. Theo Eurostat, năm 2016, 994.800 đơn đăng ký cấp quốc tịch được chấp nhận trên toàn châu Âu, với chỉ 0,1% số đơn đăng ký bằng hình thức đầu tư.
Investment Migration Council (IMC), cơ quan đại diện cho các nhà đầu tư và chính phủ tham gia chương trình này, khẳng định những chương trình nổi bật nhất — ở Áo, Malta, và đảo Síp — không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào về an ninh đối với châu Âu.
Dimitry Kochenov, Chủ tịch IMC, cho rằng: "Các công ty lớn và chính phủ các nước sử dụng nguồn vốn và quỹ thời gian đáng kể để thuê các cơ quan an ninh ở châu Âu và trên toàn cầu nhằm đảm bảo mức độ bảo mật và thẩm định hồ sơ chặt chẽ nhất."
Bà Jourova cho biết ủy ban sẽ nhanh chóng công bố danh sách đen các nước có nguy cơ tiền bẩn cao. Tính đến thời điểm này, Nga chưa có tên trong danh sách.