MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

EVFTA: “Rất hào hứng, nhưng chưa nắm bắt tốt”

Một ghi nhận từ người trong cuộc khi tiếp xúc và hỏi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU.

Ngày 28/7/2020, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và lãnh đạo TP.HCM có cuộc đối thoại trước khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.

Cuộc đối thoại có chủ đề "Phát triển kinh tế và nắm bắt cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) và Lễ ra mắt "Sách Trắng 2020", trong bối cảnh Hiệp định EVFTA sẽ đi vào hiệu lực kể từ ngày 01/8/2020.

Ông Nguyễn Thanh Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Jean-Jacques Bouflet - Phó Chủ tịch EuroCham, ông Vincent Floreani - Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM và các diễn giả cao cấp khác và đại diện Sở Công Thương, các sở ngành khác của TPHCM tham dự cuộc đối thoại.

Trước khi mở cánh cửa, cần biết nó sẽ dẫn đến những đâu

Tại buổi đối thoại, Các Tiểu ban ngành nghề thuộc EuroCham và lãnh đạo TP.HCM thảo luận hàng loạt các vấn đề bao gồm: Cơ sở hạ tầng, Hải quan & Thuận lợi thương mại; Phát triển thông minh và bền vững cho các ngành công nghiệp; Tiêu dùng & Y tế.

Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham cho biết: "Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong bài tập liên quan và trong việc hợp lý hóa các điều kiện, củng cố môi trường kinh doanh và hiện đại hóa khung pháp lý. Thách thức trong tương lai là việc đảm bảo quá trình thực thi EVFTA sẽ diễn ra suôn sẻ và hiệu quả. Các nhà chức trách phía Việt Nam và EU cung cấp các công cụ pháp lý giúp mở ra một số làn sóng đầu tư và thương mại mới".

Tuy nhiên, theo ông Jean-Jacques Bouflet, thỏa thuận này đạt được thành công hay không còn phụ thuộc vào nỗ lực từ phía 2 phía. Mục đích của Sách Trắng 2020 là hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương trong quá trình cải cách hành chính. Tất cả các vấn đề trong Sách Trắng, một khi được đưa vào thực thi để giúp cho Việt Nam và đặc biệt là TP.HCM trở thành môi trường kinh doanh cởi mở cạnh tranh và hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp".

Ông Vincent Floreani, Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM cho biết, hầu hết các loại thuế sẽ được miễn khi EVFTA có hiệu lực, cùng với việc miễn giảm thuế và xóa bỏ hàng rào phi thuế quan, kim ngạch từ xuất khẩu hàng hoá từ Việt Nam vào EU sẽ tăng và ngược lại. Kim ngạch xuất khẩu từ EU sang Việt Nam sẽ tăng khoảng 8 tỷ euro, và từ Việt Nam sẽ tăng 15 tỷ euro.

Bên cạnh EVFTA, Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) sẽ giúp chuyển giao công nghệ  tạo việc làm cho thanh niên, tác động lên nền kinh tế. Để có thể tạo được thành công này cần có sự phối hợp tốt giữa 2 bên. EVFTA tác động thúc đẩy cải cách tạo ra môi trường đầu tư tốt hơn, tính minh bạch, sở hữu trí tuệ … và cải thiện nền kinh tế nói chung.

"Trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp EU khi tôi tiếp xúc với và hỏi họ về EVFTA thì họ rất hào hứng, nhưng họ chưa nắm bắt tốt các nội dung của EVFTA cũng như những lợi ích mà hiệp định sẽ mang lại cho doanh nghiệp. Do vậy, Sách Trắng sẽ là công cụ hữu hiệu giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiểu rõ ràng hơn về EVFTA", ông Vincent Floreani nhấn mạnh.

Tại hội nghị bà Nguyễn Huyền, Phó Chủ tịch Tiểu ban Vận tải và Hậu cần đề xuất cần có khu vực quy hoạch có quỹ đất làm kho bãi để phục vụ cho ngành thương mại điện từ để đảm bảo thông thoáng, đảm bảo nhu cầu giao nhận hàng, giúp cho các công ty phát triển cơ sở hạ tầng…

EVFTA: “Rất hào hứng, nhưng chưa nắm bắt tốt” - Ảnh 1.

Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp

Để đảm bảo các lợi ích của EVFTA, ý kiến tạo cuộc đối thoại trên đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương đào tạo các cán bộ về các chứng nhận, xuất xứ hàng hoá một cách công bằng và minh bạch.

Đối với các doanh nghiệp EU có cơ sở sản xuất tại Việt Nam, đại diện EuroCham đề nghị Chính phủ Việt Nam có nhưng cam kết để các chứng nhận, những tiêu chí… nhà xuất khẩu có thể xác nhận cần phải làm rõ, khi hải quan từ chối những yêu cầu được miễn giảm thuế quan khi doanh nghiệp có nhưng bằng chứng cụ thể.

Bởi lẽ, hiện có một số thành viên của EuroCham đang gặp khó khăn vấn đề trên.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty TNHH & TM Tân Quang Minh (Bidrico), đề nghị TP.HCM nói không với các doanh nghiệp đầu tư có công nghệ lạc hậu, không mang lại giá trị lớn, đề xuất TP.HCM có chính sách hỗ trợ tạo liên kết với vùng nguyên liệu.

"Tôi biết TP.HCM đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn phát triển sản xuất. Tôi thiết tha và đại diện cho ngành lương thực đề nghị TP.HCM xem cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp ngành lương thực, nếu được chúng tôi sẽ có vùng nguyên liệu ứng dụng công nghệ cao tạo ra giá trị cao cho ngành lương thực", ông Hiến nói

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố ghi nhận các ý kiến đóng góp và sẽ trả lời thỏa đáng, cam kết sẽ chuyển thành hành động cụ thể trong quý III/2020. Thành phố sẽ đưa các cam kết trong EVFTA trở thành những yếu tố quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ kép khi triển khai các giải pháp kinh tế hậu Covid-19.

"Một lần nữa Thành phố xin khẳng định sự cam kết với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Châu Âu nói riêng rằng chúng tôi không chỉ mời gọi và quan trọng hơn là sẽ đồng hành tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Đây không phải hô hào khẩu hiệu hay là lời hứa suông mà bằng những hành động cụ thể.

Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp trên thế giới, làm thay đổi lớn về bức tranh kinh tế - xã hội toàn cầu, vì vậy, chúng ta phải cùng nhau vượt qua khó khăn và hướng đến phát triển bền vững và lâu dài.

Chúng tôi mong muốn tiếp tục chứng kiến sự phát triển lớn mạnh cũng như sự đóng góp gắn bó nhiều hơn nữa của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp châu Âu trong quá trình phát triển của TP.HCM.

Riêng ý kiến đề nghị giải quyết cho nhập cảnh của các chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp đầu tư và người lao động nước ngoài có tay nghề cao, Tổ điều phối của thành phố (gồm Sở Lao động Thương binh & Xã hội, Sở Y Tế, Cục quản lý Xuất nhập cảnh, Sở Du lịch và Sở Kế hoạch Đầu tư), là đầu mối để giải quyết nhanh những yêu cầu mà doanh nghiệp đặt ra", ông Phong khẳng định.

Buổi đối thoại được kết hợp với lễ ra mắt Sách Trắng 2020 của EuroCham phiên bản lần thứ 12. Sách Trắng 2020 là bản báo cáo thường niên tổng hợp các vấn đề và khuyến nghị về thương mại nhà đầu tư của EuroCham.

Trong đó, 17 Tiểu ban ngành nghề của EuroCham - phối hợp với các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau cùng nêu ra các ý các kiến nghị quan trọng nhất đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiep.

Đồng thời, các Tiểu ban cũng nhấn mạnh các cải cách cụ thể mà một khi được thực thi, sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh của các ngành công nghiệp và tăng cường thương mại đầu tư giữa Việt Nam và EU.


Theo Quang Trí

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên