EVFTA và cơ hội đầu tư ngành dệt may 2021
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8, mở ra cơ hội hàng rào thuế quan lớn chưa từng có cho hàng Việt vào thị trường hơn 500 triệu dân EU.
Trong bối cảnh ngành dệt may là một trong những ngành chịu tác động sớm nhất và kéo dài nhất của đại dịch COVID-19. Hầu hết các báo cáo ngành của khu vực và thế giới đều cho thấy nhu cầu tiêu thụ hàng may mặc giảm chưa từng có trong năm 2020.
Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã có "cú ngược dòng" đáng kể khi tháng 6/2020, Việt Nam chính thức trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất vào thị trường Hoa Kỳ.
Ở thị trường châu Âu, hiện tại Việt Nam mới chiếm khoảng 3% thị phần. Trước khó khăn do dịch bệnh, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực ngày 01/08/2020 đối với cả EU và Việt Nam, được kỳ vọng thúc đẩy xuất khẩu, tạo cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp dệt may.
Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA còn tạo động lực chuyển dịch từ cho ngành dệt may Việt Nam chuyển từ may gia công CMT có giá trị gia tăng thấp sang may theo phương thức FOB tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị, từ đó cải thiện biên lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Theo chia sẻ của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, có tới gần một nửa nhãn hàng thời trang cho biết sẽ tăng mua từ Việt Nam sau COVID-19, một phần do chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng và một phần do các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam vừa tham gia. Số còn lại cân nhắc về việc thiếu nguyên phụ liệu khiến các nhãn hàng từ châu Âu và khối CPTPP không được hưởng ưu đãi thuế qua hiệp định EVFTA và CPTPP.
Tác động của EVFTA lên ngành dệt may Việt Nam
Với EVFTA, tiềm năng mở rộng thị trường ở EU rất lớn đối với ngành Dệt may Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Với 42,5% dòng thuế áp dụng đối với các sản phẩm dệt may sẽ giảm về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, còn lại sẽ giảm về 0% theo lộ trình 3-7 năm.
Khi Hiệp định EVFTA hiệu lực, hàng dệt may Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn Trung Quốc và cạnh tranh ngang bằng về giá với các nước hiện đang được hưởng thuế 0% như Campuchia (tạm thời bị cắt ưu đãi thuế, trở về 12% từ 12/8/2020), Bangladesh… nhưng có lợi thế hơn các nước này về tay nghề cao, chất lượng bảo đảm.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với ngành dệt may, dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào EU sẽ tăng khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định. Về sản lượng, nhìn chung EVFTA có tác động tích cực tới sản lượng với tốc độ tăng 6% (với ngành dệt) và 14% (với ngành may) vào năm 2030.
Khi đánh giá cơ hội đầu tư ngành dệt may năm 2021 cần lưu ý những điểm sau:
Các doanh nghiệp có tài chính lành mạnh, đòn bẩy nợ ở mức an toàn, hoạt động sản xuất kinh doanh dù có bị ảnh hưởng nhưng vẫn được duy trì tốt;
Sau khi tác động của đại dịch qua đi, nguồn cung và cầu trong ngành sản xuất có khả năng sụt giảm mạnh do gián đoạn vì vậy các doanh nghiệp vẫn trụ vững, có đầu vào đầu ra ổn định cho sản xuất kinh doanh sẽ tận dụng được cơ hội để nắm bắt các đơn hàng lớn ngay sau dịch;
EVFTA tác động tích cực tới ngành tuy nhiên để đáp ứng các yêu cầu vào thị trường EU, doanh nghiệp dệt may cần mở rộng công suất sản xuất và nâng cao chất lượng đầu ra mới có thể nắm bắt cơ hội do EVFTA đem lại;
TDT và điểm nhấn đầu tư sắp tới
Lĩnh vực kinh doanh là gia công may mặc; Thị trường xuất khẩu chính là EU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc,…: TDT được hưởng lợi từ EVFTA nhờ có thị trường xuất khẩu chính có EU.
Công suất sản xuất đã được mở rộng mạnh mẽ giúp doanh nghiệp có khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn sau dịch: Nhà máy TDT Đại Từ đi vào hoạt động từ năm 2019 cùng với việc dự kiến hoàn thành nâng cấp máy móc, trang thiết bị hiện đại cho Nhà máy TDT Điềm Thuỵ giúp doanh nghiệp tăng công suất sản xuất cũng như nâng cao chất lượng đầu ra, sẵn sàng để đáp ứng yêu cầu của các đơn hàng lớn sau dịch;
Hoạt động kinh doanh tăng trưởng đều: giai đoạn 2017-2019 doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng qua các năm. Cụ thể, doanh thu năm 2019 đạt 366,13 tỷ đồng, tăng 69% so với mức 216,58 tỷ đồng năm 2017; lợi nhuận sau thuế tăng gấp 2,1 lần từ mức 12,42 tỷ đồng năm 2017 lên mức 26,15 tỷ đồng năm 2019. Sang năm 2020, các doanh nghiệp dệt may đều bị ảnh hưởng nặng do đó TDT cũng không ngoại lệ, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động tốt, mở rộng quy mô và tăng vốn thành công.
Tài chính lành mạnh, cơ cấu nợ vay an toàn: theo báo cáo tài chính quý 3/2020 của TDT thì tỷ lệ Nợ phải trả/Tổng tài sản là 55,8%. Giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu đạt 11.935 đồng/cổ phiếu. Nhìn chung cơ cấu nợ và vốn chủ của TDT tương đối an toàn. TDT cũng được đánh giá cao bởi biên lãi cao trong ngành và cổ tức đều đặn cho Cổ đông.