EVN bị lỗ trong sản xuất kinh doanh điện và kiến nghị của chuyên gia
Tại Tọa đàm "Giá thành điện – Thực trạng và giải pháp" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức, các chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân EVN bị lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện những năm gần đây và kiến nghị các giải pháp để khắc phục.
- 10-10-2024Điều gì xảy ra khi EVN liên tiếp lỗ "khủng"?
- 10-10-2024Báo lỗ hơn 21.800 tỷ đồng năm 2023, ông lớn ngành điện EVN đang phân bổ các chi phí sản xuất - kinh doanh như thế nào?
- 20-08-2024EVN có lãi gộp hơn 8.500 tỷ trong quý 2/2024, lỗ lũy kế đã vượt 52.000 tỷ đồng
Theo Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nếu như giá bán điện thấp hơn giá mua vào và giá thành sản xuất thì với tư cách là cơ quan phân phối điện thì EVN bị lỗ là điều nhìn thấy trước được, chênh lệch càng lớn thì lỗ càng lớn và cho dù EVN có tiết giảm chi phí đến mức độ nào đi nữa nhưng vẫn chênh lệch lớn giữa giá mua vào và giá bán ra thì cũng không thể bù cho khoản lỗ đó. Chưa kể việc tiết kiệm chi phí này có thể ảnh hưởng đến hoạt động vận hành hệ thống điện.
Nếu EVN tìm cách giảm giá mua điện đầu vào, khiến cho các nhà sản xuất điện thiếu đi động lực thì sẽ tác động đến đầu tư cho ngành điện.
Nếu giá bán điện không hợp lý thì không khuyến khích tiêu dùng tiết kiệm, chuyển đổi sang năng lượng tiết kiệm và năng lượng khác.
"Vô hình chung, như tôi vừa nói lúc nãy, đôi khi lợi ích của người khác lại biến thành thiệt hại của người này. Về mặt lâu dài tôi vẫn khẳng định chúng ta không thể duy trì câu chuyện này". Ông Hiếu chia sẻ.
Cũng theo ông Hiếu, nguyên nhân là tính giá bán điện có vấn đề và không hợp lý vì chúng ta dùng giá điện để hài hòa lợi ích tất cả các bên gồm người tiêu dùng, nhà phân phối, nhà sản xuất điện và đặt mục tiêu nhiều hơn cho người tiêu dùng.
Về lâu dài ông Hiếu kiến nghị: đối với giá điện, phải tách bạch các nhóm chính sách. Để hài hòa hóa lợi ích giữa ba bên, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng thì chúng ta phải phối hợp các nhóm chính sách chứ không thể thông qua việc xác định giá điện mà hài hòa hóa lợi ích các bên.
Chúng tra nên phối hợp chính sách về ưu đãi thúc đẩy cạnh tranh, cắt giảm thủ tục hành chính, thuế….chi phí giảm tối thiểu, như vậy chúng ta mới có thể giảm giá sản xuất và giá bán.
Tương tự như vậy với đơn vị phân phối cũng tính đến nhóm chính sách để thúc đẩy cạnh tranh trong phân phối điện như là thúc đẩy cắt giảm chi phí ở mức hợp lý có giá bán điện phù hợp để đảm bảo cho các bên phân phối điện.
Còn nhóm chính sách đối với người tiêu dùng thì theo nguyên tắc đặt bài toán giá bán điện trung bình ít nhất bằng hoặc lớn hơn giá mua vào thông qua người phân phối. Để hài hòa hóa lợi ích người tiêu dùng thì phải phối hợp chính sách.
Phân chia giá điện với những mức khác nhau giữa các nhóm người dùng khác nhau. Trong trường hợp những người nghèo hoặc người có thu nhập thấp thì chúng ta phải phối hợp với chính sách an sinh xã hội và trợ cấp chứ chúng ta không thể thực hiện cách hiện nay.
Để thúc đẩy sản xuất điện, tiêu dùng, sản xuất xanh thì buộc phải có nhóm chính sách thúc đẩy tiêu dùng tiết kiệm điện, ví dụ thông qua các chính sách về thuế, chính sách về thúc đẩy KHCN, kinh tế tuần hoàn … biểu thang giá điện cũng phải thiết kế hợp lý để thúc đẩy tiêu dùng điện tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả.
Nguyên nhân chính của thực trạng này là chúng ta đặt quá nhiều mục tiêu và đặt mục tiêu hài hòa hóa các bên thông qua giá điện là chúng ta không thể nào thực hiện được.
Nếu không có trợ lực của nhà nước bằng các công cụ khác thì khoản lỗ sẽ tích lũy lại, cứ dồn tích lỗ thì khó có thể thu hút đầu tư, phát triển bền vững
Còn theo n guyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa, phân tích của anh Hiếu rất rõ. Ông Thỏa bổ sung là nhiều yếu tố đầu vào của sản xuất điện hiện nay nằm ngoài tầm tay EVN. EVN không tự tạo được mà phải mua của người khác, đây là những yếu tố rất khách quan, mà nó biến động thì nó sẽ phản ánh hoàn toàn vào giá điện như giá than thế giới… nền kinh tế hay chúng ta phải mua của nước ngoài mà tỷ giá lại tăng...
Tất cả những yếu tố đó khiến giá thành tăng cao mà giá cả thì không bù đắp được chi phí hợp lý đã chi ra để sản xuất điện.
Chúng ta đang điều hành theo cách chia sẻ khó khăn cho các đối tượng tiêu dùng cũng như khó khăn của nền kinh tế để thực hiện đa mục tiêu, như đảm bảo kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh năng lượng…
Nếu không có trợ lực của nhà nước bằng các công cụ khác thì khoản lỗ sẽ tích lũy lại, cứ dồn tích lỗ thì khó có thể thu hút đầu tư, phát triển bền vững như chúng ta mong muốn, làm gì có nhiều lưới điện như chúng ta mong chờ.
Ông Thỏa cũng rất tán thành là chúng ta nhìn thẳng vào sự thật, những yếu tố khách quan để xử lý và mong muốn mọi người tiêu dùng điện chia sẻ khó khăn đó để có nguồn điện cho sản xuất và tiêu dùng cho cả nền kinh tế.
Còn Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu cho biết đồng ý với ý kiến các chuyên gia. Việc đảm bảo an sinh xã hội có nhiều biện pháp, chúng ta sẽ tạm thời có những chính sách với giá điện trong từng hoàn cảnh cụ thể, ví dụ như dịch COVID-19, thiên tai bão lụt….
Đó là những chính sách ngắn hạn còn trong dài hạn, nếu chúng ta không đảm bảo phát triển lành mạnh bền vững của ngành điện thì sẽ khiến ngành điện không thể đảm bảo cho phát triển kinh tế, mà đó cũng là mục đích để đảm bảo an sinh xã hội.
EVN chỉ nên tập trung vận hành hệ thống tốt nhất có thể với giá thành cung ứng điện hợp lý còn lại các yếu tố khác thì sử dụng nguồn lực khác, những chính sách hỗ trợ khác nhau
TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh thì cho rằng, câu chuyện giá thành điện liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau, như chuyên gia Phan Đức Hiếu cũng nêu, nếu chúng ta tiếp tục duy trì giá điện mức thấp thì hậu quả là không thu hút đầu tư cho ngành điện, thứ hai là không có động lực nào cho doanh nghiệp để sử dụng năng lượng tiết kiệm, thay đổi công nghệ.
Có doanh nghiệp nói giải pháp của họ đều ngắn hạn và lượng tiết giảm điện không nhiều, muốn doanh nghiệp đầu tư dài hạn hơn với hiệu quả cao hơn thì cần 7-10 năm. Với giá điện này thì không có công ty nào làm được vì không hoàn vốn được. Như vậy chúng ta đã không tạo động lực cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Chúng ta đang đặt cho EVN nhiều gánh nặng, thay vì chỉ sản xuất và cung ứng điện thì EVN phải gánh 3,4 nhiệm vụ trong đó hơn một nửa về an sinh xã hội. EVN chỉ nên tập trung vận hành hệ thống tốt nhất có thể với giá thành cung ứng điện hợp lý còn lại các yếu tố khác thì sử dụng nguồn lực khác, những chính sách hỗ trợ khác nhau.
Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia hiện cũng tách ra khỏi EVN, có nghĩa là trách nhiệm liên quan đảm bảo vận hành hệ thống tốt nhất có thể thì cũng không thuộc EVN, chúng ta không thể đặt trên vai EVN những trách nhiệm như trước đây.
Trách nhiệm của EVN lớn nhất là làm sao phải ký kết những hợp đồng mua bán điện để thu hút đầu tư phát triển nguồn điện và trong tương lai là cả lưới điện, làm sao EVN có được điều kiện tốt nhất để đàm phán, làm sao để bên bán điện cảm thấy hài lòng.
Báo Chính phủ