MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

EVN gánh nợ do áp lực đầu tư lớn?

17-07-2017 - 08:26 AM | Doanh nghiệp

Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định các khoản công nợ tiềm tàng được thể hiện đầy đủ trong báo cáo tài chính của EVN, chứ không phải khoản công nợ không đáng tin cậy

Báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán vừa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố cho thấy cuối năm 2016, tổng nợ phải trả của tập đoàn này xấp xỉ 487.000 tỉ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 121.000 tỉ đồng, xấp xỉ cùng kỳ năm trước; nợ vay dài hạn đã tăng 9,3% lên mức gần 365.800 tỉ đồng.

Không ảnh hưởng lớn đến tài chính

Đáng lưu ý, kết quả kiểm toán do Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam thực hiện cho thấy kết thúc năm tài chính 2016, tổng tài sản của EVN là trên 692.216 tỉ đồng, tăng hơn 51.000 tỉ đồng so với đầu năm. Ngoài số nợ phải trả đã nêu trên, EVN còn một số khoản nợ tiềm tàng khác và chưa được điều chỉnh trên báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính 2016. Lý do được đưa ra là giá trị của các nghĩa vụ nợ này không được xác định một cách đáng tin cậy.

Đến cuối năm 2016, tổng nợ phải trả của EVN xấp xỉ 487.000 tỉ đồng Ảnh: TẤN THẠNH

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về những chi tiết được Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam nêu ra liên quan đến những khoản nợ, đại diện EVN khẳng định: "Các khoản nợ công tiềm tàng được thể hiện đầy đủ trong báo cáo tài chính của EVN. Đây là khoản công nợ tiềm tàng chứ không phải khoản công nợ không đáng tin cậy".

Giải thích cụ thể hơn, đại diện tập đoàn cho biết các khoản nợ này liên quan đến cước phí vận chuyển khí của các nhà máy điện Cà Mau 1, Cà Mau 2 (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), chưa được phê duyệt chính thức của cơ quan có thẩm quyền. Hiện tại, EVN đang áp dụng cước theo đơn giá từ năm 2012 và sẽ được điều chỉnh khi có phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, một khoản công nợ tiềm tàng khác là cước phí thu gom khí mỏ Thiên Ưng - Đại Hùng đã được Thủ tướng chính phủ chấp thuận áp dụng từ năm 2015-2018. Giá cước này có thể thay đổi nếu giá trị quyết toán đường ống dẫn khí thay đổi so với dự kiến ban đầu và được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Theo đó, chi phí nhiên liệu trong giá thành điện có thể thay đổi, vì thế công ty kiểm toán đưa vào khoản công nợ tiềm tàng. "Khoản công nợ tiềm tàng này liên quan trực tiếp đến sản xuất điện, nếu có xảy ra thì mức điều chỉnh cũng không nhiều nên sẽ không ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của EVN" - đại diện EVN phân trần.

Nhu cầu đầu tư lớn

Vì sao "nhà đèn" lại có những khoản nợ lớn như vậy, đại diện EVN giải thích để bảo đảm cung cấp đủ điện cho đất nước, hằng năm, nhu cầu đầu tư các dự án điện của EVN rất lớn. Trong giai đoạn 2010-2015, EVN đã đầu tư 492.000 tỉ đồng để đưa vào phát điện 34 tổ máy với tổng công suất 9.852 MW, hoàn thành 865 công trình lưới điện 110-500 KV với tổng chiều dài đường dây 13.100 km và tổng dung lượng trạm biến áp tăng thêm là 56.000 MVA. Thời gian tới, nhu cầu điện năng tiếp tục tăng cao (bình quân hằng năm trên 10%) nên EVN vẫn phải tiếp tục huy động vốn để đầu tư các dự án điện. Trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư của EVN khoảng 720.576 tỉ đồng.

Với danh sách hàng trăm dự án đã, đang và chuẩn bị triển khai của EVN nhằm thực hiện mục tiêu đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, từng cho rằng để bảo đảm năng lực tài chính của tập đoàn, chỉ có thể trông chờ vào 2 nguồn là giá điện và thu xếp vốn. "Có nhiều dự án quy mô vốn đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng. Mỗi năm, EVN cần 5-6 tỉ USD phục vụ nhu cầu vốn đầu tư" - ông Tri cho hay.

Trong khi đó, cái khó của EVN là nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước không có; nguồn vốn tự có hạn chế; nguồn vốn ODA dành cho Việt Nam có thể chỉ còn kéo tới năm 2019, sau đó sẽ phải chuyển sang vay vốn thương mại. Do đó, để đáp ứng nhu cầu đầu tư, EVN phải huy động vốn của các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, dù cho số dư nợ vay trong báo cáo tài chính của EVN rất lớn nhưng vẫn nằm trong giới hạn an toàn cho phép là hệ số nợ/vốn chủ sở hữu dưới 3 lần.

"Mặc dù, số dư nợ vay lớn nhưng EVN luôn thực hiện kịp thời và đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo quy định trong các hợp đồng tín dụng. Vì vậy, EVN rất có uy tín đối với các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước và họ luôn sẵn sàng cho EVN vay để đầu tư các dự án điện nếu đáp ứng các tiêu chí cho vay" - đại diện EVN nhận định.

Theo tìm hiểu, vừa qua, tập đoàn này đã làm việc với World Bank về vấn đề vốn và dự kiến sẽ tìm một công ty tư vấn quốc tế để tư vấn chuẩn bị hồ sơ xếp hạng tín nhiệm theo chuẩn mực quốc tế làm cơ sở để EVN mở rộng thị trường huy động vốn ở nước ngoài. Năm 2018, sau khi có kết quả xếp hạng, EVN sẽ có các quyết định huy động vốn phù hợp với hạng tín nhiệm, gồm cả phát hành trái phiếu quốc tế.

EVN cũng đã xây dựng Chiến lược tài chính mới với một số giải pháp lần đầu tiên được đề cập. Đó là, với một số dự án lớn sắp được đầu tư thực hiện vay không có bảo lãnh Chính phủ, EVN có chủ trương thành lập công ty mới và công ty sẽ ký hợp đồng vay với các chuẩn mực mới. Một hướng khác cũng được nhắc tới là giải pháp xây dựng xong nhà máy, công trình thì tiến hành nhượng quyền toàn bộ. Khi thực hiện việc nhượng toàn bộ công trình sẽ giải quyết được tồn tại bấy lâu nay là tập đoàn và các tổng công ty phát điện vẫn phải gánh nợ vay, làm xấu báo cáo tài chính và gây khó khăn trong việc triển khai các dự án mới tiếp theo.

PGS-TS ĐẶNG ĐÌNH ĐÀO, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển, ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội:

Đẩy mạnh cổ phần hóa, phá thế độc quyền

Một điều ai cũng thấy EVN có nhiều lý do quen thuộc được đưa ra để đề xuất việc điều chỉnh giá điện, như hạn hán, thiếu nguồn lực đầu tư, nhu cầu điện quá lớn… Trong bối cảnh ngành điện còn nắm giữ, chi phối toàn bộ thị trường điện, các khâu chưa vận hành theo đúng cơ chế thị trường… thì dễ dẫn tới cảm giác đề xuất tăng giá điện là "bài ca muôn thuở" để có lợi cho ngành điện. Nó đồng nghĩa với việc giá điện đang không theo bất cứ quy luật nào của thị trường. Trong khi đó, quy luật thị trường đã khẳng định chỉ có cạnh tranh mới làm cho chi phí, giá giảm. Khi chưa có cạnh tranh thực sự, giá chỉ có đi lên mà thôi. Chúng ta cứ nói chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường mà cạnh tranh chưa có thì sao có thể làm được?

Do vậy, để khắc phục, không còn cách nào khác là cần đẩy nhanh quá trình hình thành thị trường điện đúng nghĩa của nó. Tức là, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa những đơn vị thuộc ngành điện mà có thể và được phép cổ phần hóa. Cùng đó, tiếp tục đặt vấn đề minh bạch chi phí, giá thành sản xuất điện. Phải sớm có những đột phá trong phát triển ngành điện để có môi trường cạnh tranh thực sự.

TS TRẦN DU LỊCH:

Tăng giá phải phục vụ cho thay đổi cơ cấu điện

Tôi cho rằng không phải cứ nói chung chung việc tăng giá điện do áp lực đầu tư hay do áp lực từ các khoản nợ đã có. Có 3 việc cần phải làm rõ xung quanh giá điện.

Thứ nhất, cần làm rõ giá điện, giá năng lượng cần phải điều chỉnh để làm sao thay đổi được cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng có thể phát triển được năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió và giảm thiểu tối đa nhiệt điện than. Với mức giá hiện nay, không khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo mà vẫn bám vào thủy điện, nhiệt điện là chưa ổn.

Thứ hai, việc điều chỉnh giá điện phải phục vụ mục tiêu kinh tế, cụ thể là làm sao để giá khuyến khích người ta phải đổi mới công nghệ, giảm tiêu hao năng lượng. Hiện nay, mức tiêu hao năng lượng trên GDP của Việt Nam cao hơn 30%-40% so với Thái Lan. Nếu nền sản xuất của Việt Nam được kích thích để thay đổi công nghệ, giúp tiết kiệm được điện năng thì cũng giống như chúng ta tăng được nguồn vậy.

Thứ ba, với quan điểm như trên, cần lộ trình để làm sao tăng giá điện không tác động đột biến đời sống, sản xuất và không gây lạm phát.

Chuyên gia kinh tế - TS LÊ ĐĂNG DOANH:

Được tăng đến mức nào?

Giá điện đã "ngưng" trong 2 năm qua, trong khi rất nhiều chi phí đầu vào tăng cho nên đề nghị của ngành điện được tăng giá để giảm bớt các khoản nợ phải trả và có đủ sức hấp dẫn để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này là hợp lý. Tôi nghĩ khó có thể ngăn việc không tăng giá điện trong thời gian tới nhưng vấn đề là phải xem xét cụ thể xem EVN được tăng đến mức nào là thích hợp.

Với những khoản nợ đã công bố và nợ tiềm tàng của EVN, cần đặt nó trong mối quan hệ với giá điện và trả lời được câu hỏi liệu việc tăng giá điện có giúp EVN có thêm thanh khoản giải quyết các yêu cầu về đầu tư của ngành điện. Nếu không cho EVN tăng giá điện và không đầu tư vào ngành điện nữa thì rất có thể Việt Nam sẽ lâm vào cảnh thiếu hụt điện, mất cân đối cung cầu. Hậu quả là cắt điện luân phiên, không đủ điện để đáp ứng yêu cầu về sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới. Việc này nếu xảy ra sẽ gây khó khăn lớn cho tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo Phương Nhung

Người lao động

Trở lên trên