MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FDI: Tín hiệu tích cực từ góp vốn, mua cổ phần

Thu hút FDI 5 tháng đầu năm 2017 đã vượt mốc 12 tỷ USD, điều đáng nói, trong khi vốn đăng ký mới thậm chí thấp hơn so với năm 2016 thì hoạt động góp vốn, mua cổ phần cũng như vốn tăng thêm lại là những mảng sáng của thu hút FDI.

Theo các chuyên gia, năm 2017 hứa hẹn sẽ vẫn là một năm bội thu của FDI và nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ vẫn là một trong những nguồn động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam.

Vốn đăng ký mới “tuột dốc”

Lần đầu tiên số liệu chính thức về đầu tư gián tiếp nước ngoài đã được cơ quan chức năng chính thức công bố. Theo đó, trong vòng 1 năm (tính từ 7/2015 đến 7/2016), các nhà đầu tư nước ngoài đã chi 2,948 tỷ USD để góp vốn, mua cổ phần tại 3.141 DN tại Việt Nam. Cũng theo báo cáo này, trong 7 tháng của năm 2016, khối ngoại cũng đã đổ ra tổng giá trị vốn góp hơn 1,5 tỷ USD để góp vốn, mua cổ phần.

Cục Đầu tư nước ngoài vừa công bố kết quả thu hút FDI của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2017, theo đó, tính từ đầu năm đến hết tháng 5/2017 Việt Nam thu hút thêm được 12,13 tỷ USD vốn FDI, tăng 10,4% so với cùng kỳ 2016. Vốn giải ngân cũng thu hẹp khoảng cách với vốn đầu tư khi giải ngân FDI từ đầu năm đến nay đạt 6,15 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, điều đáng nói là dù vốn FDI vào Việt Nam nói chung tăng so với năm 2016 nhưng kết quả thu hút ở từng mảng lại có sự khác biệt nhất định và điều đó ít nhiều phản ánh những biến động của tình hình kinh tế chính trị thế giới có ảnh hưởng đến việc thu hút FDI vào Việt Nam. Cụ thể, trong tổng số hơn 12 tỷ USD đổ vào Việt Nam trong 5 tháng qua có khoảng 5,59 tỷ USD đến từ 939 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Với kết quả này, vốn FDI đăng ký cấp mới vào Việt Nam lại vẫn đang trong chu trình “tuột dốc” khi chỉ bằng 73,9% so với cùng kỳ năm 2016 và nếu so với tỷ lệ này của những tháng trước đó.

Tuy nhiên, trái ngược với vốn thu hút mới, những diễn biến tại khu vực vốn tăng thêm lại khởi sắc hơn rất nhiều. Cụ thể, trong những tháng đầu năm 2017 đã có 437 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,74 tỷ USD, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2016. Chưa kể, cũng trong thời gian này, có tới hơn 2.000 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 1,79 tỷ USD đổ vào Việt Nam, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2016.

Theo ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục truởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả này cho thấy, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài trong những tháng đầu năm. “Theo thông tin tôi nắm được, hiện có rất nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư tiềm năng đang chuẩn bị đầu tư tại Việt Nam, trong đó lĩnh vực nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nhất vẫn là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và bất động sản nghỉ dưỡng. Do đó, vốn FDI đầu tư vào Việt Nam có thể tạo ra đột biến vào những tháng cuối năm”, ông Phan Hữu Thắng cho biết.

Theo ông Thắng, dù 5 tháng đầu năm Việt Nam thu hút được 5,59 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới, giảm gần 30% so với cùng kỳ 2016, tuy nhiên, tổng vốn đăng ký tăng thêm của các dự án đang hoạt động cũng như góp vốn mua cổ phần đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. “Đây là thông tin rất quan trọng, giúp chúng ta có thêm cơ sở để khẳng định môi trường đầu tư tại Việt Nam đang thực sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Vì một khi các nhà đầu tư đã và đang đầu tư tại Việt Nam quyết định tăng vốn, mở rộng các hoạt động đầu tư, kinh doanh có nghĩa là DN đang sản xuất, kinh doanh có lãi. Các dự án của các nhà đầu tư tăng vốn cũng sẽ giải ngân, đi vào hoạt động nhanh hơn, hiệu quả hơn, do giấy tờ pháp lý đã có sẵn. Điều này sẽ giúp tránh được các dự án ảo, đầu tư vào chỉ để giữ đất...”, ông Phan Hữu Thắng nhận định.

Lo ngại từ tín hiệu tích cực

Vấn đề rất được quan tâm trong thời gian qua là việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần tại các DN Việt Nam tăng mạnh. Lý giải cho điều này dưới góc nhìn tích cực, các chuyên gia về đầu tư nước ngoài cho rằng, sở dĩ hoạt động này diễn ra mạnh mẽ trong thời gian qua là do các chính sách liên quan đến mua bán, sáp nhập (M&A) DN tại Việt Nam đã có sự minh bạch, rõ ràng và cởi mở hơn. Tuy nhiên, một nguyên nhân quan trọng là do khi thực hiện đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không phải xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, không phải thực hiện các thủ tục rườm rà hay phải bỏ ra các chi phí không chính thức trong quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến đầu tư. Với thủ tục đơn giản, thuận tiện, đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần được các DN ngoại coi là giải pháp đầu tư đơn giản nhưng hiệu quả. Đây cũng là cách thức tốt để Việt Nam thu hút được thêm dòng vốn FDI, là một tín hiệu khá tích cực cho môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Nếu nhìn lại con số gần 1,8 tỷ USD của 5 tháng đầu năm 2017, rõ ràng đã có sự bứt phá ngoạn mục trong dòng chảy vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Theo dự đoán, nguồn vốn FDI thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần sẽ tiếp tục gia tăng với tốc độ nhanh hơn trong thời gian tới, không chỉ vì tính ưu việt của nó trong quá trình xúc tiến đầu tư mà còn vì tới đây sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động này, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang chủ trương thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn tại các DNNN.

Có thể thấy ở Việt Nam một số DN lớn rất kiên cường, nhất quán, họ không bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí trong liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài họ cũng rất chặt chẽ, có chọn lọc, đây cũng là tín hiệu mà các DN trong nước cần cân nhắc”.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài.

Bình luận về diễn biến này, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng, với những tín hiệu khởi sắc như trên, góp vốn mua cổ phần đã trở thành phong trào trong đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lo ngại, nếu không cẩn thận thì những thương hiệu của Việt Nam mới được hình thành, đang có xu thế phát triển, nhưng vì lý do nào đó như người sáng lập không tính đường dài mà muốn bán lúa non, hoặc có thể vì quay sang kinh doanh những lĩnh vực khác không theo giá trị cốt lõi nhưng thiếu vốn nên phải bán vội những DN hoặc bán đi cổ phần của DN đang có giá trị. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng về vốn, công nghệ, thị trường, nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào… khi thâu tóm được những DN này thì Việt Nam sẽ gặp bất lợi. Hiện nay khá nhiều các DN của Việt Nam được DN nước ngoài mua lại, điều này là đúng luật nhưng nếu hoạt động này phát triển quá mạnh mẽ, DN Việt Nam bán vội những thương hiệu thì sẽ ít nhiều gây bất lợi cho các nhà đầu tư của Việt Nam.

Những lo ngại trên rõ ràng là không thừa, bởi liên quan tới chuyện góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài, từ năm 2016 một thông tin rất đáng chú ý đó là việc một số nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng kẽ hở trong cơ chế góp vốn, mua cổ phần của các DN Việt Nam, trong đó chủ yếu là ở các dự án bất động sản, du lịch… để cùng sở hữu đất, điều này đã được cảnh báo. Vì thế, việc kiểm soát, giám sát chặt hơn hoạt động góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài là rất cần thiết để không chỉ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nuớc ngoài kinh doanh tại Việt Nam mà qua đó sớm phát hiện những lỗ hổng để có biện pháp điều chỉnh, ngăn chặn.

Theo Hoài Anh

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên