FDI vào Việt Nam năm 2016: Lượng vốn giảm, giải ngân tăng kỷ lục
Năm 2016, vốn FDI vào Việt Nam 20,9 tỷ USD, giảm 8%; nhưng vốn giải ngân 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015, đạt giải ngân cao nhất từ trước đến nay.
- 24-12-2016Vốn đầu tư FDI giảm liên tiếp giảm có đáng lo ngại?
- 05-12-2016Vốn FDI giảm, có đáng lo?
- 27-11-2016“Hút” hơn 18 tỉ USD vốn FDI trong 11 tháng: Công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến thời điểm 26/12/2016, Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) đạt 2.556 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15,182 tỷ USD, tăng 27% về số dự án và giảm 2,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, có 1.225 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5,765 tỷ USD, tăng 50,5% về số dự án và giảm 19,7% về vốn tăng thêm.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào VN(Ảnh minh họa:KT).
Trong năm 2016 có 2.547 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần (với tỷ lệ vốn lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện) với tổng vốn đầu tư là 3,425 tỷ USD.
Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần trong năm 2016 đạt 24,372 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2016 ước tính đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015, đạt mức giải ngân vốn FDI cao nhất từ trước đến nay.
Trong năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 9,812 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,522 tỷ USD, chiếm 10,1%. Ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 367 triệu USD, chiếm 2,4%; các ngành còn lại đạt 3.480 triệu USD, chiếm 22,9%.
Cả nước có 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong năm 2016, trong đó Hải Phòng có số vốn đăng ký lớn nhất với 2,464 tỷ USD, chiếm 16,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, Bắc Giang, Hà Nam.
Trong số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam năm nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 5.518,6 triệu USD, chiếm 36,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản.../.
VOV