MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Fed có thể thực hiện 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2025

01-01-2025 - 11:16 AM | Tài chính quốc tế

Các chiến lược gia của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo, Fed sẽ thực hiện ba đợt cắt giảm lãi suất trong năm tới, với nhận định lạm phát sẽ tiếp tục xu hướng giảm.

USD đã khép lại một năm trong lạc quan

Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2024, ngày 31/12, đồng USD tiếp tục duy trì vị thế vững chắc và hướng đến mức tăng trưởng mạnh trong cả năm so với hầu hết các đồng tiền khác trong giỏ tiền tệ toàn cầu.

Đồng USD đã tăng giá liên tiếp trong ba tháng gần đây, nhờ kỳ vọng rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ điều chỉnh chính sách kinh tế, như nới lỏng quy định, cắt giảm thuế, tăng thuế quan và siết chặt nhập cư. Động thái chính sách của ông Trump có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ, làm tăng lạm phát, đồng thời giữ cho lợi suất trái phiếu quốc gia duy trì ở mức cao.

Các nhà phân tích cho rằng, chênh lệch lãi suất ngày càng lớn đã làm tăng sức hấp dẫn của đồng USD trong năm 2024. Chỉ số USD, đo lường đồng bạc xanh so với các loại tiền tệ chính khác, tăng 6,6% trong năm sau khi tăng vọt 7,5% trong quý IV, mức tăng theo quý lớn nhất kể từ quý đầu tiên của năm 2015.

Đág chú ý, đồng bạc xanh đang có xu hướng vững vàng bởi các nhà đầu tư chuẩn bị cho khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn và Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ áp dụng các chính sách mới trong thời gian tới.

Đầu tháng 12 vừa qua, Fed đã gây bất ngờ cho thị trường khi hạ dự báo về việc giảm lãi suất trong năm 2025 từ 100 điểm cơ bản xuống 50 điểm cơ bản, do lo ngại tình hình lạm phát vẫn ở mức cao.

Các chiến lược gia của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo, Fed sẽ thực hiện ba đợt cắt giảm lãi suất trong năm tới, với nhận định lạm phát sẽ tiếp tục xu hướng giảm. Theo các chiến lược gia này, những rủi ro từ chính sách của ông Trump đối với lãi suất có tính hai chiều. Thêm vào đó, đồng USD cũng nhận được hỗ trợ giữa những đồn đoán chính sách nới lỏng quy định, điều chỉnh thuế suất và thắt chặt nhập cư của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa gây lạm phát và giữ cho lợi suất của Hoa Kỳ ở mức cao.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn đầu tư Global CIO Office, ông Gary Dugan cho biết, mặc dù phản ứng ban đầu của thị trường đối với việc ông Trump tái đắc cử vào Nhà Trắng hồi tháng 11 là rất tích cực, nhưng hiện tại các nhà đầu tư dường như đang phân tích cẩn thận hơn các ưu tiên của chính quyền mới.

Yếu tố quan trọng nhất tác động đến giá trị của đồng USD là chính sách tiền tệ, được quyết định bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Fed có hai nhiệm vụ là vừa kiểm soát lạm phát và vừa thúc đẩy thị trường việc làm. Công cụ chính của Fed để đạt được hai mục tiêu này là điều chỉnh lãi suất. Khi giá cả tăng quá nhanh và lạm phát cao hơn mục tiêu 2% của Fed, Fed sẽ tăng lãi suất, điều này có lợi và góp phần thúc đẩy giá trị của đồng bạc xanh. Ngược lại, khi lạm phát giảm xuống dưới 2% hoặc tỷ lệ thất nghiệp quá cao, Fed có thể hạ lãi suất, điều này gây áp lực lên đồng bạc xanh. Phạm vi lãi suất của Fed hiện ở mức 4,25-4,50%. Tuy nhiên, điều gây bất ngờ đối với thị trường đến từ các dự báo kinh tế của họ.

Fed hiện đã hé lộ sẽ chỉ cắt giảm tổng cộng 50 điểm cơ bản lãi suất vào năm 2025. Trong khi trước đó vào tháng 9, Ngân hàng Trung ương đã dự báo sẽ cắt giảm lãi suất 100 điểm cơ bản vào năm tới. Ngoài ra, Fed cũng đã điều chỉnh triển vọng lạm phát cho năm 2025 ở mức cao hơn.

Nhiều đồng tiền liêu xiêu

Thực tế cho thấy, sự tăng giá của đồng USD đã gây áp lực nặng nề lên nhiều đồng tiền chính khác trên thế giới.  

Các nhà phân tích nhấn mạnh, khả năng lãi suất của Hoa Kỳ duy trì ở mức cao trong thời gian dài đã gây ra những tác động tiêu cực đến hầu hết các đồng tiền khác, đặc biệt là các đồng tiền ở các thị trường mới nổi, khi các nhà giao dịch lo ngại về khác biệt lớn giữa lãi suất tại Hoa Kỳ và các nền kinh tế khác.

Điển hình, đồng euro dự báo sẽ giảm 5,7% so với đồng USD trong năm 2024, khi các nhà giao dịch cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm lãi suất mạnh tay hơn Fed. Ngay trong phiên 31/12, đồng euro ổn định ở mức 1,04025 USD, nhưng vẫn ở gần mức thấp nhất trong hai năm là 1,03315 USD/euro ghi nhận vào tháng 11/2024.

Trong khi đó, đà tăng của đồng USD đã đẩy đồng yen xuống gần mức thấp nhất kể từ tháng 7/2024. Trong phiên 31/12, đồng nội tệ của Nhật Bản giao dịch ở mức 157,02 yen/USD và đang trên đà hướng đến mức giảm 10% trong năm 2024, năm giảm thứ tư liên tiếp so với đồng USD.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tháng 12 vừa qua. Thống đốc Kazuo Ueda cho biết, ngân hàng trung ương này đang xem xét kỹ hơn dữ liệu về đà tăng trưởng tiền lương của năm tới, và chờ đợi sự rõ ràng về các chính sách kinh tế của chính quyền mới tại Mỹ.

Theo dự đoán của các chuyên gia, BoJ có thể tăng lãi suất lên 0,5% vào cuối tháng 3/2025, trong khi các nhà đầu tư tin rằng chỉ có khoảng 42% cơ hội BoJ tăng lãi suất vào tháng 1/2025. Các nhà giao dịch đang theo dõi bất kỳ sự can thiệp tiềm năng nào của các quan chức Nhật Bản, để hỗ trợ đồng yen nếu đồng tiền này tiếp tục suy yếu.

Ngoại trừ đồng yen, biến động tiền tệ trên các thị trường chính toàn cầu khác khá trầm lắng vào tuần trước, do mức thanh khoản cuối năm thấp. Đáng chú ý hơn cả là trong năm 2024, đồng bitcoin ước tính tăng khoảng 115%.

Theo Kate Trần

VTV

Trở lên trên