FED tăng lãi suất cơ bản, xuất khẩu Việt Nam ra sao?
Việc không thể trông chờ FED hạ lãi suất để kích thích tiêu dùng buộc doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải chuẩn bị tâm thế sống chung với chuyện thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ và một số thị trường trọng điểm khác
- 25-04-2023Giảm lãi suất, thuế VAT, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp
- 17-02-2023TS Trương Văn Phước giải thích nghịch lý lạm phát thấp nhưng lãi suất cao và đề xuất ‘đáp án’ cho thanh khoản BĐS
- 02-02-2023Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm: Không tác động nhiều đến Việt Nam
Ông Trần Thanh Hải - chuyên gia kinh tế, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sở Giao dịch Cà phê và Hàng hóa Buôn Ma Thuột - nhìn nhận như trên khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động xung quanh việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố không tăng lãi suất tại kỳ họp tháng 5 vừa qua.
Phóng viên: Ngày 3-5, FED tăng lãi suất cơ bản lên 5% - 5,25%, đưa mức lãi suất của Mỹ lên cao nhất 15 năm qua. Quyết định này sẽ tác động thế nào đến Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2023, thưa ông?
Ông Trần Thanh Hải - chuyên gia kinh tế, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sở Giao dịch Cà phê và Hàng hóa Buôn Ma Thuột
- Ông Trần Thanh Hải: Với việc FED tăng lãi suất tham chiếu lên 5% - 5,25% và phát tín hiệu sẽ không tăng thêm lãi suất trong tháng 6-2023, người tiêu dùng và doanh nghiệp (DN) Mỹ có khả năng tìm kiếm được gói tín dụng phù hợp để đầu tư cho sản xuất hoặc vay tiêu dùng ở mức khá cao, từ 6% - 8%.
Mỹ là một trong những thị trường quan trọng, hằng năm nhập khẩu hàng chục tỉ USD từ Việt Nam. Hiện nay, người tiêu dùng Mỹ thắt chặt chi tiêu, cùng với đó là việc đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả hàng hóa tăng… khiến nhập khẩu hàng từ Việt Nam giảm mạnh đến 11,8%. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm của Việt Nam đều giảm. Bên cạnh điểm sáng đơn lẻ từ cà phê thì còn lại, nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực như: công nghiệp chế biến, nông lâm, thủy sản… của Việt Nam đều gặp khó khăn do sức mua giảm.
Từ tháng 3-2022 đến tháng 5-2023, FED đã nâng lãi suất lên 10 lần, từ lãi suất tham chiếu chỉ trên 1% đã vọt lên 5% - 5,25%. Theo tôi, đến cuối năm 2023, việc FED điều chỉnh giảm lãi suất là điều khó có khả năng xảy ra. Bên cạnh sự điều chỉnh của FED, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng vừa nâng lãi suất tham chiếu. Có thể nói rằng việc nâng lãi suất lần thứ 10 của FED và nâng lãi suất tham chiếu của ECB sẽ khiến các DN Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn trong vấn đề tìm kiếm đơn hàng ở hai thị trường lớn và chủ lực này.
Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam đang nỗ lực duy trì đơn hàng trong bối cảnh sức mua tại nhiều thị trường vẫn trên đà sụt giảm Ảnh: Thanh Nhân
* Như vậy, DN Việt Nam phải chuẩn bị tâm thế tiếp tục "sống chung" với việc thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng ở những thị trường xuất khẩu chủ lực?
- Đúng là như vậy! Trong điều kiện giá cả tăng, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giá thành đầu vào của DN xuất khẩu có thể cao, dẫn đến khả năng DN bị thu hẹp thị trường.
Để cải thiện tình hình, theo tôi, trước tiên DN cần quan hệ chặt với ngân hàng, thể hiện rõ năng lực gìn giữ thị trường xuất khẩu để vận động ngân hàng đồng hành với mình nhằm có nguồn tiền trong tương lai. Hơn lúc nào hết, giai đoạn này DN phải đi sâu vào chất lượng; thực hiện các chuyển đổi; tận dụng, vận dụng các nguồn quỹ về khoa học công nghệ của nhà nước có từ quan hệ song phương được các nước rót cho Việt Nam thông qua chương trình của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn. Ngoài nguồn quỹ tín dụng của các ngân hàng thương mại, DN cũng cần tận dụng các chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ hỗ trợ chuyển đổi số và chuyển đổi việc sử dụng năng lượng sạch, tiêu chuẩn hữu cơ trong sản phẩm nông, lâm thủy sản…
Để đẩy mạnh xuất khẩu, không chỉ cần cải thiện về vốn, công nghệ mà còn liên quan tới nhân lực trực tiếp sản xuất, giao tiếp kinh tế, đối ngoại… Nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao cần được chú trọng vì DN không thể làm hùng hục nhưng cuối cùng chỉ vì những cái sai sót về bao bì, mã hiệu sản phẩm… mà ảnh hưởng đến việc đánh giá chất lượng hàng hóa.
* Trong bối cảnh khó khăn bủa vây, theo ông, nhà nước cần làm gì để trợ lực cho DN xuất khẩu?
- Trước hết, việc xuất khẩu của các DN thuộc 1 quốc gia, yếu tố nội tại của từng DN liên quan đến chính sách kinh tế vĩ mô cũng hết sức quan trọng. Đầu tiên, nếu xem kỹ lại biểu đồ của FED, biểu đồ tỉ giá của Việt Nam và đồng USD từ năm 2022 đến nay, chúng ta thấy có một số vấn đề nổi bật. Từ tháng 3 đến đầu tháng 12-2022, tỉ giá VNĐ - USD giảm 5,8%. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 tới tháng 5-2023, tỉ giá lại tăng lên 3,16 %. Việc thay đổi này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới xuất nhập khẩu. Từ đầu năm tới nay, VNĐ tăng giá lên 3,16%.
Do đó, dù Ngân hàng Nhà nước đã có một số điều chỉnh giảm lãi suất để bơm tiền ra, đồng thời kéo tỉ giá tăng trở lại để kích thích xuất khẩu nhưng tôi đề nghị cần phải quyết liệt hơn nữa trong chính sách tỉ giá. VNĐ có khả năng vẫn còn trong biên độ có thể kiểm soát lạm phát được thì nên tiếp tục nới biên độ để kích thích xuất khẩu.
Ngoài chính sách tiền tệ về tỉ giá thì chính sách tài khóa cũng rất quan trọng, giúp DN mở rộng đầu ra ở thị trường nội địa lẫn thị trường khu vực lân cận. Trong đó, cần đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa 100 triệu dân. Do chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, các thị trường Đông Bắc Á, Úc và Đông Nam Á, Trung Quốc đang mở ra cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu với chi phí rẻ hơn so với xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu. Chính sách tín dụng lúc này là tối cần thiết để giảm chi phí vốn cho DN xuất khẩu.
Ngoài ra, cần phát huy vai trò của các bộ, ngành trong nước và thương vụ ở các sứ quán, lãnh sự ở nước ngoài trong công tác xúc tiến thương mại, giúp DN tiếp cận khách hàng. Tóm lại, việc thay đổi những thể chế trong quá trình điều hành kinh tế vĩ mô và việc hỗ trợ DN là hết sức quan trọng trong điều kiện hiện nay.
Mối nguy từ những hiệp định FTA
Theo ông Trần Thanh Hải, Việt Nam đã ký trên dưới 20 hiệp định FTA. Những hàng rào phi thuế quan từ 20 hiệp định này sẽ là mối nguy đối với DN xuất khẩu Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam còn phải giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng sản xuất công nghiệp từ các thị trường này, ít nhiều ảnh hưởng đến thị trường nội địa và sản xuất trong nước.
Thực tế, Việt Nam rất khó áp dụng hàng rào phi thuế quan đối với hàng công nghiệp chế biến, công nghiệp kỹ thuật cao nhập từ các nước châu Âu, Bắc Mỹ. Trong khi đó, nông sản và hàng thủ công Việt Nam xuất sang những thị trường này lại rất dễ bị áp dụng hàng rào phi thuế quan.
Ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Long Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Điều Bình Phước:
Tích cực - tiêu cực đan xen
Việc FED lần thứ 10 tăng lãi suất cơ bản lên 5% - 5,25% sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam nói chung và ngành điều nói riêng. Với mức lãi suất này, nhà nhập khẩu không muốn mua hàng dự trữ vì chi phí tài chính cao, mà chỉ nhập lượng hàng vừa đủ. Riêng ngành điều, 1 năm chỉ có 1 vụ thu hoạch chính nên DN phải dự trữ nguyên liệu 6-9 tháng, lãi suất cao sẽ làm tăng giá thành. Nhiều DN đang buộc phải bán điều nhân giá rẻ để có tiền về thanh toán các khoản đến hạn. Trong khi đó, giá nguyên liệu không hề giảm khiến nhiều DN sản xuất không có lời.
Riêng Tập đoàn Long Sơn đang gặp áp lực kép khi bán hàng chính ở kênh siêu thị Mỹ do họ thường trả chậm 2-3 tháng. Dù vậy, thông tin từ các siêu thị Mỹ cho hay sức mua mặt hàng điều đang tốt nhờ có mặt bằng giá thấp hơn năm ngoái từ việc chi phí cước tàu biển giảm mạnh. Từ nay đến cuối năm 2023, nếu giá điều bật tăng, ngành điều Việt Nam có thể ổn định trở lại.
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3:
Kỳ vọng sức mua sẽ cải thiện
Không phải chỉ lãi suất tăng mà suy thoái kinh tế thế giới cũng đang ảnh hưởng đến tiêu dùng của người dân nhiều quốc gia. Tiêu dùng hàng dệt may tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật giảm mạnh từ cuối năm 2022 đến nay và chưa có dấu hiệu phục hồi. Các DN đang cố gắng duy trì sản xuất, bỏ qua yếu tố lợi nhuận mà tập trung giải quyết việc làm cho người lao động.
Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, thị trường thế giới tiếp tục trầm lắng, khả năng nhu cầu đối với hàng may mặc sẽ có cải thiện. Nhiều DN đang nỗ lực tiết kiệm chi phí, tìm thêm đơn hàng nhỏ lẻ, chấp nhận ký hợp đồng giá thấp… với mục tiêu phục hồi 70% - 80% năng lực sản xuất.
N.Ánh - T.Nhân
Người lao động