Financial Times: Trung Quốc muốn BRICS cạnh tranh với G7
Quốc kỳ của Brazil, Nga, Trung Quốc, Nam Phi và Ấn Độ trong Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra ở Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc, tháng 9/2017. Ảnh: Reuters
Tờ Financial Times dẫn lời các quan chức giấu tên cho biết Trung Quốc có kế hoạch thúc đẩy BRICS trở thành đối thủ chính thức của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới tại Nam Phi.
- 21-08-2023Người phụ nữ nghỉ hưu ở tuổi 36 sau khi đầu tư cổ phiếu, tiết lộ 1 quỹ tăng hơn 580% từ khi thành lập
- 21-08-2023Từ người dẫn đầu thành ‘kẻ lạc hậu’, nền kinh tế số 1 châu Âu có thể phải đối mặt với một đợt suy thoái khác
- 21-08-2023Huyền thoại Warren Buffett chọn 2 cổ phiếu tiềm năng tăng 2 chữ số, gợi ý “vàng” cho các nhà đầu tư
“Nếu mở rộng BRICS để chiếm tỷ trọng GDP thế giới tương tự như G7, thì tiếng nói chung của khối trên thế giới sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn", tờ Financial Times dẫn lời một quan chức Trung Quốc giấu tên cho hay. Nhóm BRICS hiện bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Tờ báo Anh cũng tiết lộ rằng Chính phủ Trung Quốc đã bất đồng với Ấn Độ về khả năng mở rộng khối trước thềm Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra tại Johannesburg từ ngày 22 – 24/8 tới.
Các nguồn tin cho biết không có thỏa thuận nào giữa Bắc Kinh và New Delhi về việc liệu BRICS sẽ trở thành một câu lạc bộ kinh tế không liên kết, hay một lực lượng chính trị công khai thách thức sự thống trị của phương Tây.
Trong bối cảnh đó, giới chức Nam Phi tuyên bố 23 quốc gia đã bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS và một số quốc gia có thể nhận được lời mời tham dự hội nghị sắp tới tại Johannesburg. Các báo cáo cũng chỉ ra rằng Argentina, Saudi Arabia và Indonesia rất mong muốn trở thành những thành viên mới của BRICS kể từ khi Nam Phi gia nhập khối vào năm 2010.
Đầu tháng này, Ấn Độ bác bỏ thông tin cho rằng nước này phản đối việc mở rộng BRICS. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi mô tả những thông tin đó là “suy đoán không có căn cứ”.
“Theo chỉ thị của các nhà lãnh đạo vào năm ngoái, các thành viên BRICS đang thảo luận nội bộ về các nguyên tắc hướng dẫn, tiêu chuẩn, tiêu chí và thủ tục cho quá trình mở rộng BRICS trên cơ sở tham vấn và đồng thuận đầy đủ,” ông Bagchi nói.
Một nhà ngoại giao cấp cao của Brazil cho hay nước này ủng hộ việc mở rộng BRICS, song ông nhấn mạnh “điều quan trọng là cần phải xác định các tiêu chí cho việc kết nạp các thành viên mới này”.
Tuần trước, ông Anil Sooklal, Đại sứ Nam Phi tại BRICS, đã bác bỏ tuyên bố cho rằng khối này “chống phương Tây” và đang tìm cách cạnh tranh với G7. Ông giải thích: “Những gì chúng tôi tìm kiếm là thúc đẩy chương trình nghị sự của Nam bán cầu và xây dựng một cấu trúc toàn cầu toàn diện, đại diện, phù hợp và công bằng hơn”.
Đầu tháng 8, Thư ký Báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga tin rằng dù bằng hình thức nào, việc mở rộng BRICS sẽ góp phần phát triển và củng cố hơn nữa khối này.
Ông Peskov lưu ý hình thức và quy mô của việc mở rộng khối sẽ được các nhà lãnh đạo BRICS thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh ở Johannesburg tới. Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến tham dự hội nghị này qua liên kết video.
Báo Tin Tức