Founder & CEO XHOME Việt Nam 2 lần bán nhà để nuôi mộng kinh doanh: Trong khởi nghiệp, bản thân người đứng đầu phải ‘hão huyền’
Là “tay mơ” với xuất phát điểm là “số âm” bước vào ngành nội thất, sau 9 năm, anh Tuấn Dũng - Founder & CEO của XHOME đã đưa công ty vỏn vẹn với 4 nhân viên đến nay đã phát triển với quy mô 17 chi nhánh trên cả nước. Đặc biệt, giữa “cơn sóng dữ” Covid -19 năm 2020, “toàn bộ ngành nội thất đều nghĩ rằng XHOME sẽ là công ty hy sinh đầu tiên” nhưng bằng những quyết định trong thời điểm mang tính “sống còn” của nhà sáng lập, công ty lại có thành công
Cách đây hơn 9 năm, khi thị trường còn thiếu những sản phẩm nội thất thông minh, nhìn thấy “đất” để phát triển trong lĩnh vực này, Nguyễn Tuấn Dũng đã liều lĩnh khởi nghiệp với điểm xuất phát là số “âm”. Hành trang khởi nghiệp của anh lúc này là một “khoản nợ lớn” và kiến thức, kinh nghiệm về ngành nội thất như “một tờ giấy trắng”.
Khi ấy, anh đang phải gồng gánh một khoảng nợ lớn sau cú vấp ngã đầu đời. Trải qua một thời gian dài để vực dậy sau cú sốc và đi làm với mức lương nghìn USD cho một công ty Nhật, Tuấn Dũng lại quyết định nghỉ việc, một lần nữa dấn thân khởi nghiệp công ty thiết kế nội thất mang tên XHOME.
Trải qua 9 năm khởi nghiệp, anh đã “lèo lái”, đứa con tinh thần này trở thành thương hiệu thiết kế thi công kiến trúc, nội thất có quy mô lớn tại Việt Nam tính đến hiện tại. Từ một showroom nhỏ với vỏn vẹn 4 nhân viên, đến nay XHOME đã phát triển với 17 chi nhánh trên cả nước, quy mô hơn 700 nhân viên.
Gặp anh Nguyễn Tuấn Dũng - Founder & CEO của XHOME ở trụ sở chính tại Hà Nội, anh chia sẻ về hành trình 9 năm khởi nghiệp với nhiều thăng trầm và những triết lý, bài học sâu sắc, thú vị.
Từng vấp phải một cú ngã lớn khi lần đầu bước ra làm chủ, anh bị đối tác “quỵt” tiền dự án, gánh trên vai khoản nợ lớn, anh vực dậy khỏi cú ngã này ra sao?
Những đối tác cũ có hành vi không được tốt dẫn đến một người trẻ như tôi ở thời điểm đó vấp ngã như vậy cũng chỉ là một phần lý do. Theo tôi, lý do vẫn là đến từ chính mình.
Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được làm chủ, cầm nhiều tiền trong tay. Trước đây tôi làm thuê, thu nhập rất thấp. Khi đột ngột có nhiều tiền ở tuổi rất trẻ, tôi không giữ được sự tập trung và có suy nghĩ hưởng thụ. Sự thỏa mãn, hài lòng và mất tập trung sớm chính là căn nguyên dẫn đến thất bại nặng nề.
Sau cú vấp đầu tiên, tôi cũng khá sốc, rơi vào cảnh nợ nần. Khi đang làm chủ lần đầu, tôi đang có sĩ diện và tự hào rất cao, nhưng khi vấp ngã, tôi mất đi sự tự tin, tâm lý của mình rất khó để đang làm chủ lại đi xin việc để làm thuê. Lúc ấy, tôi quyết định để cho mình một thời gian nghỉ ngơi. Lúc đó, mẹ tôi phải đi bán một căn nhà để cho tôi trả nợ, còn dư một ít, tôi mua căn nhà trả góp. Khoảng 5,6 tháng sau, khi mọi thứ qua rồi, tôi xin vào công ty Nhật để làm việc.
Lúc ấy, tôi cảm thấy thất bại rất nặng nề. Nhưng nghĩ lại, thất bại đó chỉ to tát ở thời điểm đó thôi. Khi cho mình một quãng đủ để nhìn lại, mình sẽ thấy rất nhẹ nhàng. Thậm chí đó còn là một bài học mình phải cảm ơn vì nó đã đến sớm.
Có tiền sử “khởi nghiệp thất bại” rồi quyết định trở về làm thuê với mức lương nghìn USD, điều gì khiến anh quyết định dấn thân khởi nghiệp lần nữa với XHOME?
Cách đây hơn chục năm, lương nghìn USD thời điểm đó cũng khá ghê gớm (cười). Tuy nhiên, mức lương cao hay thấp thì phải phụ thuộc vào nhu cầu cuộc sống của mỗi người. Sẽ có những người thấy nghìn USD rất lớn vì nhu cầu chi tiêu của họ ít. Và có những người mấy nghìn USD cũng không đủ.
Còn với tôi, ở thời điểm đó, áp lực về mặt chi tiêu của tôi khá nhiều. Trong những năm làm đầu tiên, tôi chỉ có một mình, mức thu nhập đó vẫn gọi là tạm ổn. Nhưng đến thời điểm tôi lập gia đình, vay mua trả góp nhà, câu chuyện nghìn USD không thể đủ được nữa. Nếu cứ tiếp tục như thế chắc cả đời sẽ đi trả nợ, nghĩa là mình không thể cân được cuộc sống của mình nếu tiếp tục công việc ổn định như vậy. Công việc cứ bình bình như vậy, sẽ không bứt phá được và không đảm bảo cho kế hoạch tương lai. Lúc này tôi tìm kiếm bài toán để giải quyết cho tương lai.
Những ngày đầu tiên anh khởi nghiệp, xây dựng nên XHOME diễn ra như thế nào?
Tôi bắt đầu làm XHOME ở thời điểm tôi không có kiến thức gì về ngành nội thất, bước vào thị trường như một tờ giấy trắng. Tôi phải tự học mọi thứ. Hồi ấy, tôi thường đi dọc phố Đê La Thành (Hà Nội) vào tất cả các cửa hàng và hỏi, họ trả lời cái gì, mình sẽ học cái đó. Tôi đi xe máy lên các làng nghề, xem họ gia công sản phẩm và học. Thậm chí, tôi còn học từ những ý tưởng của khách hàng. Tôi đúc kết tất cả những điều đó lại và bắt đầu hiện thực hóa.
Trải qua mỗi năm, tôi lại học được nhiều hơn. Nhưng những ngày tháng đầu tiên khởi nghiệp không bao giờ được ngừng cập nhật kiến thức. Cho đến bây giờ vẫn vậy, tôi vẫn phải tự học liên tục.
Được biết khi khởi nghiệp với XHOME, anh lại một lần nữa phải bán nhà để có tiền khởi nghiệp. Lúc này gia đình anh phản ứng thế nào?
Trước đó, tôi chưa dám nghỉ hẳn việc cũ để tập trung khởi nghiệp vì còn gánh nặng trả nợ. Để làm XHOME, tôi quyết định tập trung, tôi bỏ việc và bán căn nhà. Tôi để dành một phần tiền sau khi bán nhà để để gia đình vẫn có thể đủ chi tiêu nếu tôi không có đồng thu nhập nào trong 1 năm. Còn số tiền còn lại, tôi dồn toàn bộ vào XHOME.
Việc phải bán căn nhà này, lúc ấy mẹ tôi không biết. Nếu phụ huynh mà biết chắc chắn sẽ ngăn cản vì trước đấy đã có tiền sử thất bại và bán nhà rồi (cười). Tôi vẫn giấu mẹ đến mấy năm sau mẹ tôi vẫn hỏi mãi chưa nhận nhà à. Lúc ấy, tôi cũng chỉ nói với vợ và vợ tôi cũng sốc.
Khi quyết định làm XHOME là lúc tôi phải đánh cược nhiều thứ, đây cũng là quyết định khó khăn nhất. Nếu thất bại lớn một lần nữa thì không biết cuộc đời tôi sẽ như thế nào?
Động lực nào khiến anh liên tiếp đưa ra những quyết định có phần táo bạo như vậy?
Tôi đã nhìn thấy trước tương lai của một cuộc sống ngột ngạt rồi. Thời điểm trước khi làm XHOME, làm việc ở công ty nước ngoài, tôi nhìn thấy cơ hội thu nhập không thể tăng. Trong khi tôi phải trả nợ mua nhà trong 18 năm và lo cho cuộc sống gia đình, nếu thu nhập như vậy cuộc sống ngột ngạt.
Sự ngột ngạt đã nhìn thấy trước. Thay vì lựa chọn ngồi im một chỗ và chấp nhận cuộc sống ngột ngạt như vậy, tôi tìm cơ hội để mình tiến đến cuộc sống đúng nghĩa hơn. Tôi đã lựa chọn quyết định làm XHOME. Biết rằng, cơ hội luôn đi kèm với rủi ro. Cơ hội càng lớn, rủi ro càng cao. Còn cơ hội nào lớn mà rủi ro rất nhỏ, thường sẽ có vấn đề. Đấy là lý do tôi quyết định dứt khoát và chấp nhận rủi ro lớn vì tôi nghĩ rằng, nếu thành công sẽ mở ra cho tôi cơ hội lớn. Cũng may là quyết định đúng.
Khởi đầu của anh và XHOME có gặp nhiều sóng gió không, thưa anh?
Khởi đầu luôn có khó khăn, sóng gió. Một “sóng gió” của tôi khi khởi nghiệp lại theo chiều hướng tích cực. Khi chúng tôi vừa mở cửa hàng ngày đầu tiên, khách đã đến đông nghịt. Đến ngày thứ 2, thứ 3 phải dừng không mở cửa nữa vì phải sắp xếp đơn hàng. Câu chuyện làm thế nào để xử lý đơn hàng, khách không phàn nàn vì mình làm chậm… đây cũng là khó khăn của chúng tôi trong những ngày đầu. Vì chúng tôi không trực tiếp sản xuất mà đi thuê các đơn vị gia công. Bởi lúc ấy vốn không có, kinh nghiệm chuyên môn không có.
Áp lực thứ hai là tuyển người và chi trả lương cho nhân viên. Số lượng nhân viên ngày càng tăng, mô hình của chúng tôi lại dễ bắt chước và rào cản thị trường thấp, nhân viên của tôi tách ra khởi nghiệp cũng rất đông.
Thị trường trong khoảng vài năm đầu nhanh chóng tiến vào trạng thái bão hòa và cạnh tranh. Lúc ấy, hệ thống của mình lớn, nhân viên đông, “mình” đang lớn thì thị trường lại bão hòa. Chúng tôi phải đối mặt với tình trạng đó với quy mô lớn, nhân sự đã lên đến 300 người đều là nhân sự chất lượng cao. Áp lực làm thế nào để tăng trưởng, đủ trả lương cho nhân viên và có lãi cũng là thứ mà chúng tôi phải đối mặt trong những năm đầu khởi nghiệp.
Ngày mở cửa hàng đầu tiên khách đã đến đông nghịt, anh có thể chia sẻ thêm về bước đầu đặc biệt này?
Lúc đó, sản phẩm của chúng tôi khá lạ mắt, khách hàng trước đó họ ít thấy. Trước khi khai trương chính thức, tương tác trên trang Fanpage của chúng tôi đã rất lớn. Chúng tôi đã xây dựng từ trước khi mở cửa hàng. Trong tháng đầu, chúng tôi cứ tiếp khách hàng đến 8h sáng đến khoảng 9-10h tối. Đây cũng là kỷ niệm hay vì trước đây chúng tôi chưa bao giờ bán hàng (cười).
Năm ấy, sự chuyển giao vị trí, công việc từ một người đi làm thuê đến một người làm chủ với anh diễn ra như thế nào? Để một người có thể đứng ra làm chủ, theo anh, cần có những yếu tố gì?
Nếu là người thích dạng công việc ổn định, chúng ta nên đi làm thuê thôi, cuộc sống sẽ rất bình yên. Mặc dù có thể không đột phá nhưng mình có thời gian để tận hưởng cuộc sống nhiều hơn, chưa chắc là một cái không hay. Ngay cả cá nhân tôi làm đến thời điểm này mà làm chủ, đôi lúc còn nghĩ lại nếu mình được lựa chọn lại, nếu thời gian quay ngược mình có quyết định đi làm chủ hay không thì có rất nhiều lúc trong những năm tháng vừa qua thì câu trả lời của tôi là không.
Công việc làm chủ áp lực và khiến cuộc sống của mình ngột ngạt. Con đường này sẽ không có điểm dừng. Nếu đi làm thuê mình có thể dừng lại để nghỉ ngơi, xả stress nhưng doanh nghiệp thì cứ phải lớn nếu nó không lớn thì nó chết. Và nếu muốn nó lớn không ngừng như vậy mình phải chạy theo nó mãi. Để chuyển từ một người làm thuê sang làm chủ mình phải làm quen với áp lực, trách nhiệm, tất cả những gì mình chưa hề làm.
Để một người đứng ra làm chủ cần nhiều yếu tố như sự quyết tâm, đạo đức, chuyên môn…Đây là những thứ có thể rèn luyện được. Nhưng dưới góc nhìn của tôi, chỉ có 1 yếu tố tiên quyết nhất định phải có và không ai dạy được, đó chính là nhìn ra và ghi nhận giá trị ở xung quanh. Giá trị của đối tác, giá trị của 1 bạn nhân viên hay thậm chí là người lao công… Mình nhìn nhận và ghi nhận được giá trị của họ thì lúc ấy mình mới có thể sử dụng con người, vận hành doanh nghiệp. Nếu không làm được điều này thì không thể nào quản lý doanh nghiệp được.
Bước vào ngành nội thất như một tờ giấy trắng đem lại cho anh những trải nghiệm như thế nào?
Khi mình “không biết gì” cũng có cái hay của “không biết gì”. Trong bất kỳ ngành nghề nào, những người nào có thâm niên thì thường họ có những suy nghĩ rất cứng. Họ luôn nghĩ làm nghề này thì phải theo quy chuẩn này. Là “một tờ giấy trắng” bước chân vào thị trường, tôi không bị những góc nhìn cứng nhắc giới hạn suy nghĩ của mình thì mới tìm được con đường khác biệt.
Ví dụ, thời điểm chúng tôi bắt đầu làm, cả Hà Nội nếu muốn mua đồ nội thất đều ra phố Đê La Thành. Mọi thứ đều làm rất đẹp và rẻ. Là một người có chuyên môn sẵn, tôi sẽ nghĩ: “Nếu như vậy làm sao mà mình làm được. Cả con phố hợp tác, khách Hà Nội đều biết mua nội thất phải ra chỗ này mua”. Rất hay tôi không phải người trong ngành, mình bước vào thị trường với một suy rất ngây ngô rằng: Đồ mua sẵn không phải nhà nào cũng vừa, khó tính toán sắp xếp. Vậy tại sao mình thiết kế trước khi làm để mọi thứ vừa khít?
Bước chuyển mình, đánh dấu thành công trong con đường khởi nghiệp của anh và XHOME là dấu mốc đặc biệt nào?
Tính đến nay, chúng tôi trải qua 4 cột mốc lớn. Đầu tiên là ngày khai trương, ngày tôi bấm nút “start” và mọi thứ diễn ra rất tốt. Mốc thứ hai là năm 2016-2017, chúng tôi đã đặt trụ sở ở khắp các tỉnh Bắc – Trung – Nam, là đơn vị thiết kế nội thất đầu tiên có thể nhân bản chuỗi. Dấu mốc thứ 3 là năm 2018-2019, khi chúng tôi phải vật lộn để vừa duy trì đội ngũ và thay đổi cả sản phẩm bán, phân khúc khách hàng, đầu tư cho thương hiệu mới. Chúng tôi phải đi vay mượn, xoay tiền khắp mọi nơi để chuyển đổi mô hình, có thể nói đây là 2 năm khó khăn nhất.
Nối tiếp là cột mốc thứ 4, năm 2020 là năm covid xảy ra, khi mình đứng giữa mốc tồn tại hay phá sản vì mình vừa đi qua năm 2018-2019 vật lộn để tìm con đường mới. Cũng rất may chúng tôi vượt qua được và phát triển mạnh.
Được biết, trong 2 năm COVID-19, các doanh nghiệp phần lớn đều “lao đao” nhưng ngược lại, năm này lại được xem là năm thành công nhất trong lịch sử hoạt động XHOME. Điều gì đã tạo nên cú nhảy vọt đầy ngoạn mục này, thưa anh?
Khi dịch Covid-19 xảy ra, toàn bộ ngành nội thất đều nghĩ rằng XHOME sẽ là công ty hy sinh đầu tiên. Vì lúc ấy, chúng tôi hoạt động theo mô hình truyền thống và phải đóng cửa đồng loạt, chi phí mọi thứ kinh khủng. Ban đầu, chúng tôi cực kỳ bế tắc, mọi nguồn lực của mình đã cạn kiệt. Vì trước thời điểm này mình đã dành 2 năm để đầu tư chuyển đổi mô hình sản phẩm cao cấp, để không bị cạnh tranh phân khúc giá rẻ.
Dịch bệnh là dạng khủng hoảng mình không thể kiểm soát được. Thời gian đó, tôi rất lao lực. Nhưng sau đó, tôi phải chấp nhận sự thật và định nghĩa lại “môi trường kinh doanh của chúng ta đã thay đổi”. Tôi bắt đầu tìm cơ hội trong rủi ro. Khi mình bị dồn vào chân tường, không đứng im chịu trận mà tiến thẳng về phía trước.
Khi người ta bị dồn đến mức “sống còn” thì mình sẽ nảy ra những thứ khá hay. Khi nhìn vào thị trường, tôi nhìn được một vài cơ hội. Covid-19 chỉ ảnh hưởng ngay lập tức trước mắt trong 1-2 năm ảnh hưởng đến phân khúc khách hàng bình dân. Nhưng khách hàng ở phân khúc cao cấp, họ đã có kế hoạch làm nhà rồi họ vẫn cứ làm. Rất may mắn tôi dành 2 năm 2018-2019 để chuyển sang phân khúc cao cấp, tệp khách hàng chính của tôi không bị ảnh hưởng.
Chúng tôi đưa ra một loạt quyết định đi ngược thị trường. Lúc ấy các công ty đều đóng cửa để giảm chi phí thì chúng tôi làm ngược lại, không để cho nhân viên nhìn thấy công ty đóng cửa thì sẽ giảm khí thế kinh doanh. Công ty vẫn mở cửa, chấp nhận đóng tiền nhà, chỉ có ban giám đốc đi làm.
Tôi quyết định đi vay thêm tiền và đập ngân sách vào marketing cao hơn gấp nhiều lần bình thường. Vì khách có thời gian cầm điện thoại, mình sẽ tranh thủ các công ty khác tiết kiệm chi phí thì mình bung thật mạnh chi phí ra, cơ hội mình tiếp cận khách hàng nhiều thì cơ hội tiếp cận cũng tăng cấp số nhân. Chúng tôi tinh giản nhân sự thừa, giảm đi 2-3 bạn trung bình và vẫn quỹ lương đó tuyển về 1 bạn xuất sắc. Tôi thay đổi cấu trúc nhân sự, từ số đông nhân sự kém chất lượng thành số ít nhân sự chất lượng cao để phục vụ việc chăm sóc khách hàng online, chi phí vẫn thế, không có quan điểm tiết kiệm.
Rất may mắn, với 1 loạt động thái đi ngược sóng thị trường trong năm Covid thì năm này là năm chúng tôi lập kết quả kỷ lục kể từ khi công ty thành lập. Năm 2021, 2022 lại là kỷ lục mới, tăng trưởng liên tiếp trong 3 năm.
Trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp gặp phải khó khăn, XHOME trong giai đoạn này như thế nào, thưa anh?
Thời điểm này cũng giống như covid, cả thị trường đều khó khăn. Covid thì xã hội đóng cửa, không bán hàng được. Thời điểm này khách hàng hết tiền, không bán được hàng. Cũng như năm 2020, tôi cũng chấp nhận và tìm kiếm cơ hội bên trong nó. Đúng thời điểm này không nên đầu tư, chúng tôi lại làm ngược lại. Chúng tôi phát triển về sản xuất, thương mại, tuyển dụng nhân sự… Vì lúc này chúng ta dễ mua, thuê các nhà máy với giá rẻ, tuyển dụng nhân sự chất lượng cao vì thời điểm ảm đạm này mới dễ tuyển người. Chúng tôi đang trong quá trình đầu tư. Nhưng nhìn chung vẫn chững lại, vẫn có tăng trưởng nhưng không mạnh như năm trước.
Khai sinh và lèo lái XHOME từ một công ty nhỏ với vỏn vẹn 4 nhân viên đến thương hiệu Thiết kế thi công Kiến trúc, Nội thất với quy mô lớn như hiện tại. Nhìn lại hành trình đã qua, anh cảm thấy như thế nào?
Nhìn lại cả hành trình 9 năm vừa qua, có gì đấy giống như một giấc mơ. Trước khi làm XHOME, tôi xem các văn phòng của Google, Facebook rất đẹp, tôi đã thầm mơ rằng giá như mình được làm việc trong văn phòng đẹp như thế, sau đó là mơ có công ty có văn phòng như thế này. Thời điểm năm 2012-2013, mọi thứ vẫn rất truyền thống, để mà bán được sản phẩm tạo ra sự mới mẻ thì rất khó. Chính vì nó cực kỳ khó như vậy mà ở giai đoạn đầu mình may mắn và tồn tại, phát triển đến giờ như một giấc mơ thành sự thật. Bây giờ tôi vẫn tiếp tục mơ. Làm kinh doanh, khởi nghiệp, bản thân người đứng đầu phải “hão huyền” một chút thì doanh nghiệp mới lớn được. Đi qua ngần ấy năm, khi tua lại tất cả, tôi thấy mình có niềm vui đủ để có thể làm mình cười được.
XHOME đã dần có những bước tiến vươn ra biển lớn chưa, thưa anh?
Hiện tại, chúng tôi đang tập trung vào phát triển sản xuất và thương mại. Chúng tôi đang bắt đầu triển khai sang các nước Đông Nam Á như Lào, Thái Lan, Singapore… Tôi cũng muốn vươn xa, tận dụng lợi thế về sản xuất nội thất ở Việt Nam, giúp các sản phẩm Made in Việt Nam vươn ra thế giới. Mình có rất nhiều lợi thế trong việc sản xuất.
Điều gì được xem là thành công nhất trong sự nghiệp của anh? Với những thành công của anh cũng như của XHOME, liệu anh đã hài lòng?
Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đang có khoảng 600-700 nhân sự, đều là các nhân sự chất lượng cao. Thành công nhất của tôi là tạo được giá trị cho từng đó người. Họ có gia đình, bố mẹ, mình cũng gián tiếp tạo ra giá trị cho những người xung quanh họ. Thành quả lớn nhất của tôi là thu nhập của nhân viên ngày càng tăng và giá trị mình tạo ra cho họ ngày càng lớn.
Sau đó là thành quả xã hội, mình cũng góp một phần vào việc thay đổi hành vi, thói quen của khách hàng. Để khách hàng làm sao để có thể làm đẹp nhà cho mình, nhà đẹp lên thì chất lượng cuộc sống của họ cũng được nâng cao. Giá trị mà những đơn vị như XHOME tạo ra chính là như vậy.
Đến bây giờ, tôi vẫn chưa hài lòng với những gì mình đạt được. Suy ra từ thất bại đầu tiên của tôi, chỉ cần mình hài lòng thôi đó là lúc mình bắt đầu thất bại. Quan điểm của tôi trước giờ vẫn vậy. Đội ngũ nhân sự bên dưới khi các bạn chạm đến nhu cầu cá nhân rồi thì các bạn bắt đầu có dấu hiệu hài lòng. Với những nhân sự như vậy, tôi có xu hướng thay thế nhân sự mới và điều chuyển nhân sự phù hợp. Dưới góc nhìn của tôi, sẽ không bao giờ có chuyện hài lòng được cả vì thị trường có ngồi yên mà hài lòng giống mình đâu. Xung quanh đang học hỏi rất nhanh, mọi thứ thay đổi với tốc độ thần tốc. Doanh nghiệp càng lớn thì sự chuyển mình càng chậm vì cơ thể nặng. Cho nên mình chỉ cần có suy nghĩ hài lòng và ngồi im một chỗ, đây là lúc mà mình bắt đầu đặt chân vào con đường thất bại.
Một vài nguyên tắc bất di bất dịch anh đặt ra trong việc kinh doanh và quản trị con người ở công ty mình trong suốt 9 năm qua để đưa “đứa con tinh thần” của mình ngày càng phát triển là gì?
Thứ nhất, tôi không dùng người thiếu đạo đức nghề nghiệp, kể cả giỏi đến mấy đi chăng nữa. Đây là nguyên tắc sống còn của tôi. Đã từng rất nhiều lần tôi dùng người tài mà không để ý đến đạo đức của họ đều gây ra một hệ lụy lớn. Chuyên môn của mình yếu, nếu mình có quyết tâm, mình có đạo đức tốt, học hỏi vẫn có thể thiến bộ. Nhưng đạo đức mà tệ thì kể cả chuyên môn tốt thì sẽ thành con dao 2 lưỡi.
Nguyên tắc thứ hai là tôi sẽ chỉ tập trung đánh giá các cá nhân thông qua kết quả. Nhiều người nói rằng hành trình quan trọng hơn vạch đích nhưng để quản lý một doanh nghiệp thì vạch đích mới là quan trọng. Mình có thể rất chăm chỉ nhưng kết quả không đạt thì mọi cố gắng đều là vô nghĩa. Doanh nghiệp sống vào kết quả.
Nguyên tắc thứ ba, tôi thích sử dụng và hợp tác với nhân sự có động lực phấn đấu mạnh mẽ, thậm chí là những người đang ở “chân tường”. Họ không còn đường lui nào khác ngoài việc phải tiến lên.
Nguyên tắc thứ tư, tôi rất hạn chế về việc giúp đỡ bằng tiền. Tôi giúp đỡ bằng việc tạo cho họ cơ hội để kiếm tiền và đây mới là sự giúp đỡ mang lại đúng giá trị cho người cần giúp.
Ngoài ra, tôi rất tin tưởng vào câu chuyện nhân duyên. Nếu thời điểm này là thời điểm đúng để mình làm việc gì đó thì ngay lúc đó sẽ có người phù hợp hỗ trợ, hợp tác với mình họ sẽ xuất hiện. Đã là nhân duyên thì chắc chắn có cơ hội.
Trong suốt những năm qua, tôi luôn lấy giá trị khách hàng là trung tâm. Nhập tâm mình là khách hàng sẽ hiểu khách hàng đang muốn gì. Sự thấu hiểu khách hàng là chìa khóa then chốt, con đường đi của doanh nghiệp mình có thể phát triển được không.
Mục tiêu lớn nhất mà anh xây dựng XHOME là gì, thưa anh?
Thường ai cũng nghĩ làm kinh doanh để kiếm tiền. Nhu cầu cuộc sống của tôi thực tế rất đơn giản, bình thường. Nếu tôi đặt nặng việc kiếm tiền thì chưa chắc tôi đã mở rộng mạng lưới XHOME rộng như vậy. Bởi vì làm ở những thành phố nhỏ đôi khi không hiệu quả. Tập trung chỉ làm ở thành phố lớn quản lý tập trung, chi phí tối ưu, khách hàng tiềm năng thì kiếm được rất nhiều. Nhưng tôi còn muốn mở rộng ra tất cả các tỉnh thành. Tôi muốn tạo ra giá trị mang tính chất kế thừa. Nó có thể đi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đây là mong muốn lớn nhất của tôi khi thật sự chín chắn trong việc làm doanh nghiệp. Còn những ngày đầu thì chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền thôi (cười).
XHOME liên tục mở ra thêm nhiều cơ sở ở các thành phố trên cả nước, cái khó của việc xây dựng chuỗi cho một đơn vị thiết kế nội thất là gì thưa anh?
Khi mở các tỉnh thành phố nhỏ sẽ rất vất vả. Đội ngũ nhân sự phần lớn là nhà thiết kế, ở các tỉnh nhỏ khó tuyển nhân sự chất lượng. Ở cự ly xa, việc kiểm soát chất lượng gia công cũng không thể kiểm soát 100% được. Cộng thêm các thị trường địa phương họ chưa có thói quen tiêu dùng như vậy, để mà trả nhiều tiền cho thiết kế thì rất khó.
Để chia sẻ một vài điều truyền cảm hứng đến những người trẻ đang mong muốn khởi nghiệp nhưng chưa dám bứt phá, anh có chia sẻ gì?
Một lời khuyên thêm của tôi là đừng để điểm xuất phát là lý do không bắt đầu. Ở điểm xuất phát, nhiều người luôn đặt ra câu hỏi: “Mình có thiếu cái này không, liệu mình có thiếu cái kia không?”. Nhiều người sau khi khởi nghiệp thất bại còn đổ lỗi cho điểm xuất phát.
Điểm xuất phát không quá quan trọng. Giống như tôi, một người có điểm xuất phát từ con số 0 thậm chí là số âm. Các yếu tố để làm nên một điểm xuất phát thành công được chia thành tỷ lệ 3-7, 30% đến từ những nỗ lực trong quá khứ, 70% là nỗ lực trong hiện tại. Nếu quá khứ không đạt được 30% thì nỗ lực ở hiện tại, tương lai phải lớn hơn. Những gì đang thiếu trong hiện tại chưa bao giờ là lý do cho việc chúng ta không nên xuất phát. Ngoài ra, khi làm gì cũng cần chuẩn bị kỹ, đừng quá vội vã.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Nhịp sống thị trường