MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

G20 và chuyến công tác 4 ngày kín đến từng phút của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Từ ngày 27/6 – 1/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham gia 57 hoạt động trong khuôn khổ chuyến công tác đến Nhật Bản dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và hàng đầu thế giới (G20).

Chuyến đi lần này đánh dấu lần thứ 2 Thủ tướng cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Hội nghị G20 trong 2 năm qua. Nhóm 20 nền kinh tế này hiện chiếm khoảng 90% GDP toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với tư cách khách mời đặc biệt đã tham gia thảo luận tại tất cả các phiên họp và đóng góp ý kiến vào dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị.

Trong phiên họp chính thức đầu tiên, ông đã cùng lãnh đạo các nền kinh tế thảo luận về tình hình, triển vọng kinh tế, thương mại toàn cầu. Những vấn đề được đặt ra trong phiên họp bao gồm chiến tranh thương mại, tăng trưởng kinh tế giảm tốc với nhiều rủi ro bất định. Lãnh đạo các nước đã cùng nhau đề ra các chính sách để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cân bằng, bao trùm, ngăn ngừa các rủi ro biến cố.

Tại phiên họp về Đổi mới sáng tạo, Thủ tướng Phúc đã nêu sáng kiến về thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo. Hệ thống bao gồm các trung tâm nghiên cứu, phát triển AI nhằm thúc đẩy, chia sẻ tri thức. Sự chia sẽ nhằm hướng đến một kỷ nguyên số mà không ai bị bỏ lại phía sau.

Trong phiên họp về khí hậu – môi trường, Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh biến đổi về môi trường, bất ổn an ninh năng lượng đang đe doạ tồn vong nhân loại. Ông đề nghị các nước và cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ thiết thực cho các nước dễ tổn thương về biến đổi khí hậu, trong đó có khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mặt khác, Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến vấn đề rác thải nhựa. Ông đề nghị các quốc gia chung tay xây dựng các thể chế, quy định về biển và đại dương nhằm kiểm soát, giảm thiểu và ngăn ngừa loại rác này. Thủ tướng nêu sáng kiến về thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển - đại dương và tiến tới Khuôn khổ toàn cầu về ngăn ngừa rác thải nhựa biển vì các đại dương xanh.

Kết thúc 2 ngày thảo luận (28-29/6), Hội nghị đã thông qua Tuyên bố của các Nhà lãnh đạo G20, trong đó khẳng định tiếp tục hợp tác, phối hợp trong các vấn đề kinh tế toàn cầu, ủng hộ các sáng kiến của nước chủ nhà Nhật Bản về đổi mới sáng tạo, đề cao vai trò phụ nữ và lưu chuyển dữ liệu tin cậy, an toàn.

Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp, hội kiến, trao đổi song phương với lãnh đạo các nước G20, các tổ chức quốc tế: Chủ tịch Trung Quốc, các Tổng thống: Nga, Hoa Kỳ, Pháp, Hàn Quốc, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, các Thủ tướng: Đức, Canada, Singapore, Hà Lan, Australia, Ấn Độ, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ), TGĐ WHO, Chủ tịch World Bank, Chủ tịch ADB.

Các cuộc trao đổi nhằm trao đổi về các biện pháp tăng cường và đưa vào chiều sâu quan hệ với các đối tác cũng như giải quyết các vấn đề cụ thể. Lãnh đạo các nước, các tổ chức đánh giá cao vai trò và uy tín của Việt Nam trong khu vực; bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Trong ngày 1/7, tại Tokyo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với tư cách là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam thăm Nhật Bản trong thời kỳ Lệnh Hòa. Ông đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo.

Trao đổi với người đồng cấp Nhật Bản, Thủ tướng Phúc khẳng định Việt Nam và Nhật Bản là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu và lâu dài. Ông Abe Shinzo cũng đánh giá cao vị thế, vai trò và những thành tựu đối ngoại của Việt Nam thời gian qua, cảm ơn những sáng kiến và đóng góp tích cực của Thủ tướng và đoàn Việt Nam đóng góp vào thành công của tại Hội nghị cấp cao G20.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Nhật Bản cũng thống nhất được một số vấn đề về xuất nhập khẩu nông sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, triển khai các dự án ODA…

Hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ trao đổi các văn kiện hợp tác giữa hai bên gồm Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù, Công hàm trao đổi về dự án học bổng phát triển nguồn nhân lực (JDS), các Bản ghi nhớ hợp tác về chăm sóc sức khỏe, về việc tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác hướng tới mô hình KOSEN tại Việt Nam, về khung pháp lý cơ bản để thực hiện đúng Chương trình "Lao động kỹ năng đặc định", Thỏa thuận hạn mức tín dụng 200 triệu USD cho phát triển sáng tạo, thân thiện môi trường.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng đã có một số hoạt động xúc tiến đầu tư như gặp gỡ, đối thoại với 25 tập đoàn công nghệ hàng đầu của Nhật Bản, tọa đàm bàn tròn với các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn, dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản với gần 1.000 doanh nhân, nhà đầu tư Nhật Bản và 200 doanh nghiệp Việt Nam. Dưới sự chứng kiến của ông cùng quan chức hai nước, 32 giấy chứng nhận đầu tư và biên bản ghi nhớ hợp tác ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực đã được ký với tổng giá trị hơn 8 tỷ USD.

Sáng 30/6 Thủ tướng đã dự Lễ hội Hoa sen Nhật - Việt tại thành phố Kinokawa, tỉnh Wakayama. 

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng đã có các cuộc tiếp Tổng Thư ký đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP), Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam, ông Nikai Toshihio; tiếp Thống đốc tỉnh Chiba, Thị trưởng Nasushiobara, tỉnh Tochigi, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO). Thủ tướng đã đến thăm, nói chuyện với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, cộng đồng người Việt Nam, đại diện trí thức Việt Nam tại Nhật Bản.

T.Công

Theo VGP

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên