G7 đứng trước áp lực giải quyết vấn đề an ninh lương thực toàn cầu
Giới quan sát kêu gọi các quốc gia giàu có trên thế giới có hành động cụ thể hơn để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực toàn cầu.
- 19-06-2024Một nền kinh tế thuộc G7 ghi nhận lạm phát chính thức giảm về mục tiêu 2%, ngay trước cuộc họp quyết định lãi suất của NHTW và cuộc tổng tuyển cử
- 16-06-2024Các nước G7 có thể mất gần 83 tỷ USD nếu tài sản của Nga bị tịch thu
- 15-06-2024Hành động 'lạ' của Tổng thống Mỹ Joe Biden ở G7 gây chú ý
Theo trang SCMP, nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đang chịu áp lực lớn trước vấn đề nạn đói ngày càng gia tăng trên thế giới trong bối cảnh các đợt nắng nóng khắc nghiệt lan rộng trên toàn cầu và căng thẳng địa chính trị làm gia tăng rủi ro về nguồn cung.
Các nhà quan sát cho rằng các đợt nắng nóng lên tới 50 độ C ở nhiều khu vực châu Á kể từ đầu mùa hè này đã khiến nhiều người tử vong và ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.
"Có thể dự đoán rằng giá lương thực trên toàn cầu sẽ vẫn ở mức cao. Lạm phát lương thực đã ảnh hưởng đến một số quốc gia có thu nhập thấp, nặng nề hơn nhiều so với mức trung bình thế giới", bà Hanna Saarinen, Trưởng nhóm Chính sách Lương thực của Oxfam International cho biết.
Theo bà Saarinen, trong khi lạm phát lương thực đặc biệt cao ở các khu vực châu Phi như Zimbabwe và Nigeria thì tình trạng này cũng ảnh hưởng đến 1 số quốc gia châu Á như Bangladesh và Indonesia.
Các nhà lãnh đạo G7 tại cuộc họp ở Ý hồi đầu tháng này đã đưa ra Sáng kiến hệ thống thực phẩm G7 Apulia (AFSI), được đặt theo tên vùng miền Nam Italy nơi đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7, nhằm vượt qua những rào cản "mang tính cấu trúc" đối với an ninh lương thực và dinh dưỡng.
"Vào thời điểm nạn đói trầm trọng đang gia tăng, các quốc gia giàu trên thế giới cần có hành động mạnh mẽ và triệt để hơn", bà Saarinen nhấn mạnh.
Sản lượng lương thực có thể tiếp tục giảm trong những tuần tới do nhiệt độ nắng nóng kỷ lục đã làm trì hoãn việc trồng trọt và gây thiệt hại năng suất cây trồng ở các vùng đất nông nghiệp rộng lớn như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và một số vùng của Mỹ trong năm nay. Nhiều khu vực cũng đang có lượng mưa dưới mức bình thường.
Những căng thẳng địa chính trị như xung đột giữa Nga và Ukraine cũng khiến nguồn cung ngũ cốc từ một trong những khu vực có năng suất cao nhất gặp khó khăn. Theo bà Saarinen, những người nghèo và những người sống ở các khu vực xung đột như Gaza đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề.
"Các nước châu Á và châu Phi là những nước nhập khẩu lương thực ròng đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước. Với những người nghèo nhất- những người phải chi trung bình 50-60% thu nhập cho lương thực, thực phẩm - là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi giá lương thực cao", bà Saarinen nói.
Khoảng 282 triệu người đang phải chịu nạn đói mức độ cao ở các khu vực như Ethiopia, Nam Sudan và Gaza, cũng như ở Myanmar và Bangladesh.
"Vào năm 2022, ước tính cứ 10 người thì có khoảng 1 người trên toàn cầu phải đối mặt với nạn đói kinh niên hàng ngày. Trong khi đó, khoảng 42% dân số thế giới (tương đương 3,1 tỷ người) không đủ khả năng chi trả cho chế độ ăn uống lành mạnh vào năm 2021", bà Saarinen trích dẫn một báo cáo nghiên cứu năm 2023 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc cho biết.
Bà Saarinen cảnh báo những con số này thật đáng kinh ngạc và cho thấy thế giới cần phải suy nghĩ lại về việc đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho người dân. Sự tập trung của các công ty vào lĩnh vực nông sản sẽ giúp kiểm soát giá thực phẩm và các sản phẩm cần thiết trong nông nghiệp đồng thời giảm tình trạng khan hiếm nguồn cung thực phẩm.
G7 thúc đẩy giải quyết vấn đề an ninh lương thực
Ấn Độ, nước sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới cho biết họ đang cân nhắc cắt giảm thuế nhập khẩu lúa mì.
Các chuyên gia nhấn mạnh nếu một nước tiêu dùng lớn như Ấn Độ nhập khẩu lúa mì thì có thể đẩy giá toàn cầu tăng cao. Giá gạo tăng vọt trên thế giới khi Ấn Độ, nhà cung cấp hàng đầu thế giới, áp đặt hạn chế xuất khẩu trong bối cảnh lo ngại về sản lượng sụt giảm do biến đổi khí hậu.
Vijay Setia, một nhà sản xuất ngũ cốc có trụ sở tại bang Haryana của Ấn Độ cho biết chính phủ nước này có thể đang muốn hạ nhiệt giá cả trong nước, nhưng giải pháp lâu dài hơn là giúp nông dân phát triển các mô hình thu nhập linh hoạt trong bối cảnh thời tiết hay thay đổi do biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia cho rằng điều quan trọng là phải đảm bảo sự phát triển của các hộ nông dân nhỏ, đặc biệt là ở châu Á và châu Phi, để cải thiện an ninh lương thực.
Theo bà Saarinen, các quốc gia G7 có thể đóng vai trò lớn trong việc cải thiện an ninh lương thực bằng cách hỗ trợ đầu tư nhiều hơn vào hệ thống lương thực địa phương, tập trung vào những hộ nông dân nhỏ là trụ cột trong sản xuất lương thực để đối phó với biến đổi khí hậu./.
Tổ Quốc