Gần 100 tấn vải thiều xuất ngoại chỉ trong 5 ngày
Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ ngày 3 - 7/6, đã có gần 100 tấn vải thiều xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản, Úc, Anh, châu Âu.
- 09-06-2023Vải thiều đầu vụ mất giá
- 08-06-2023Không mua theo cân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt cả cây vải thiều xuất Nhật
- 08-06-2023Xuất khẩu lô vải đầu tiên bằng đường sắt sang Trung Quốc
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, dù mới vào đầu vụ nhưng lượng vải thiều của Việt Nam xuất khẩu đi các thị trường cao cấp đã có những tín hiệu rất khả quan.
Số liệu thống kê từ Cục Bảo vệ thực vật cho biết, từ ngày 3 - 7/6, đã có gần 100 tấn vải thiều xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản, Úc, Anh, châu Âu.
Rút kinh nghiệm từ những vụ vải trước, Cục Bảo vệ thực vật đánh giá năm nay, các địa phương, hộ sản xuất và doanh nghiệp đã chủ động vào cuộc từ rất sớm, chuẩn bị chu đáo các phương án xuất khẩu nên giá bán vải đang được duy trì mức cao.
Bà Ngô Thị Thu Hồng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam - cho biết, đến thời điểm này, doanh nghiệp đã thu mua khoảng 1.000 tấn vải thiều xuất khẩu bằng đường biển và hàng không sang các thị trường.
Năm nay, doanh nghiệp dự kiến xuất khẩu hơn 2.000 tấn vải thiều Thanh Hà. Công ty cam kết thu mua vải với giá từ nay đến hết vụ cao hơn 15-20% so với thị trường.
Đặc biệt lần đầu tiên vải thiều Thanh Hà được đưa vào suất ăn trên các chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines. Bà Lương Thị Kiểm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hải Dương - cho hay, đây là sự kiện quan trọng, không chỉ giúp thực khách trong nước và quốc tế biết đến quả vải thiều Thanh Hà nhiều hơn mà còn là cơ hội giúp loại quả này vươn xa hơn nữa tới các thị trường khó tính.
Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cho thấy, năm nay toàn tỉnh trên 8.800 ha vải, với sản lượng trên 60.000 tấn. Trong đó vải thiều Thanh Hà khoảng 40.000 tấn. Toàn tỉnh có 203 mã số vùng trồng, 13 mã số cơ sở đóng gói phục vụ cho xuất khẩu.
Vải thiều chính vụ Hải Dương đang được thu hoạch tới hết tháng 6. Giá vải sớm 80.000 - 100.000 đồng/kg và vải thiều dao động tầm 20.000 đồng/kg.
Sáng 10/6, tại lễ khai trương điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm vải Thanh Hà - Hải Dương trên địa bàn Thủ đô, ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội là thị trường tiêu thụ lớn về hàng hoá, đặc biệt đối với mặt hàng trái cây, nông sản.
Sở NN&PTNT Hải Dương đề nghị Hà Nội hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Thanh Hà vào dịp chính vụ. Ông Hiệp cho biết, thời gian tới Sở Công Thương Hà Nội sẽ hỗ trợ trong việc kết nối người trồng vải với hệ thống bán lẻ như siêu thị, các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Thủ đô. Ngoài ra, các phường, xã sẽ bố trí những khoảng đất trống để doanh nghiệp, thương lái kinh doanh vải thiều của tỉnh Hải Dương đưa sản phẩm về bán trực tiếp.
Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã của Hà Nội cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển, tiêu thụ trái cây, hàng nông sản của tỉnh Hải Dương.
Ông Hiệp cũng cho rằng, để tiêu thụ vải Thanh Hà nói riêng và nông sản nói chung tại thị trường Hà Nội, vấn đề chất lượng được đặt lên hàng đầu. Do đó, các cơ quan chức năng Hải Dương cần chủ động, hướng dẫn nông dân sản xuất theo đúng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, xây dựng thương hiệu để đưa sản phẩm vào siêu thị hoặc các cửa hàng bán lẻ. Khi đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng thì việc tiêu thụ sản phẩm sẽ thuận lợi hơn.
Tiền Phong